Theo Cục Quản lý y, dược cổ truyền, Bộ Y tế, hiện hệ thống khám chữa bệnh y học cổ truyền (YHCT) từ tuyến Trung ương đến tuyến địa phương đều được đánh giá là có chất lượng, nhưng mô hình này vẫn chưa mấy được ưa chuộng. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là khúc mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT).
Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu.
Thống kê của Cục Quản lý y dược cổ truyền, hiện có gần 90% số tỉnh, thành phố thành lập bệnh viện YHCT; 82,30% số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh thành lập khoa y dược cổ truyền (YDCT) hoặc bộ phận YDCT liên chuyên khoa; 93,31% số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến huyện thành lập khoa YDCT hoặc bộ phận YDCT liên chuyên khoa; 88,23% số trạm y tế xã tổ chức triển khai khám chữa bệnh YHCT…
Tuy nhiên tại hội thảo tham vấn một số vấn đề trọng tâm trong dự án Luật Y dược cổ truyền do Bộ Y tế tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng: tỉ lệ người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh YHCT ngày càng tăng đã chứng minh hiệu quả điều trị của phương pháp khám chữa bệnh YHCT. Mặc dù vậy vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, bất cập như: công tác cung ứng đấu thầu dược liệu, vị thuốc còn hiện tượng sử dụng chưa đúng giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các dược liệu nuôi trồng trong nước chưa rõ ràng; giá trúng thầu thuốc của các tỉnh, thành phố vẫn còn chênh lệch; đa số dược liệu, vị thuốc chưa được cấp số đăng ký…
Đại diện Hội Lương y tỉnh Long An cho hay, dù nhu cầu người bệnh được điều trị YHCT rất lớn nhưng đầu tư nguồn nhân lực cho công tác này vẫn còn hạn hẹp, có nơi không có kinh phí để xây dựng vườn thuốc mẫu, phòng đông y bố trí tạm bợ trong phòng hậu sản, không được trang bị đầy đủ trang thiết bị, không có cơ chế chính sách cho lương y làm công tác khám chữa bệnh tại trạm y tế. Bên cạnh đó là thực trạng thiếu nhân lực, nơi nào có y sĩ YHCT chỉ có châm cứu, không sử dụng để khám chữa bệnh cho người dân nên công tác khám chữa bệnh bằng YHCT chưa hiệu quả. Ngoài ra, đáng lưu ý là hiện nay BHYT chưa thanh toán chi phí cho thuốc nam.
Về vấn đề này, dược sĩ Trương Văn Hướng thuộc Sở Y tế Yên Bái cũng cho rằng: Hiện tại, cả nước đang thực hiện cơ chế chung là đấu thầu mua thuốc nhưng việc thanh toán bằng BHYT còn nhiều bất cập. Các cơ sở y tế không được mua dược liệu sẵn có tại địa phương mà phải tiến hành đấu thầu tập trung. Điều này khiến cho dược liệu phải mua đi bán lại “vòng vo” qua nhiều công đoạn, giá cả bị đẩy lên cao, đồng thời khó phát triển được nguồn dược liệu sẵn có tại địa phương.
Từ những hạn chế, bất cập trên PGS.TS Phạm Vũ Khánh -Cục trưởng Cục Quản lý y dược học cổ truyền cho biết, hoạt động YHCT từ xưa đến nay vẫn chưa có sự thống nhất từ ngôn từ đến công tác quản lý hoạt động khám chữa bệnh, dược liệu… Chính vì vậy, hiện nay Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp để xây dựng Luật YHCT phù hợp với thực tế tạo điều kiện cho YDCT phát triển.
Góp ý kiến cho việc xây dựng Luật Y dược cổ truyền, ông Trương Văn Hướng cho rằng, hiện Thông tư 05/2015/TT-BYT ban hành danh mục thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc YHCT thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, thực tế danh mục ban hành chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của YDCT. Hơn nữa trong Thông tư mục B. Danh mục vị thuốc YHCT mới chỉ có 349 vị thuốc được quy định (cây, con, khoáng vật) làm thuốc được nuôi trồng, khai thác từ trong và ngoài nước.
Tuy nhiên danh mục vị thuốc được quy định theo Thông tư rất ít so với cây thuốc và bài thuốc được sử dụng theo kinh nghiệm nhân dân. Do đó nhà nước phải có chế tài để động viên khuyến khích các nghiên cứu và cống hiến nghiên cứu về cây, con, khoáng vật làm thuốc.