Bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây đợt mưa to diện rộng ở khu vực miền Trung, từ chiều 4/11 sẽ có mưa kéo dài đến 6/11 tại Bình Định, Phú Yên, Bắc Tây Nguyên, lượng mưa từ 100-150mm.
Bão số 10 (Goni) đang đổi hướng di chuyển và có diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, đến 13h ngày 5/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trên đất liền, bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây đợt mưa to diện rộng ở khu vực miền Trung, từ chiều 4/11 sẽ có mưa kéo dài đến 6/11 tại Bình Định, Phú Yên, Bắc Tây Nguyên, lượng mưa từ 100-150mm. Mưa lớn đặc biệt tập trung trong ngày 5/11. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Trước tình hình đó, các tỉnh Nam Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên, những địa phương vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 9 vừa qua, đang hết sức khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 9, đồng thời quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão số 10 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Tại Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã có Công điện yêu cầu các Sở, ban, nghành, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với bão số 10.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kiểm đếm và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Nghiêm cấm không cho tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài trên 15 m xuất bến, đồng thời kiểm tra, hướng dẫn các tàu cá vào khu tránh trú bão an toàn, tránh xảy ra va đập, cháy nổ trên tàu.
Đặc biệt chú trọng kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập sâu để có phương án di dời người dân đến nơi an toàn. Bảo đảm an toàn hồ chứa, nhất là các hồ, đập đang bị xuống cấp có nguy cơ hư hỏng.
Sở Y tế Bình Định cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc có phương án tổ chức trực ban 24/24 giờ, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng chống bão lụt, phòng chống dịch; đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất xử lý nước, xử lý môi trường. Các cơ sở điều trị tổ chức trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân do ảnh hưởng của bão, mưa, lũ.
Theo dự báo của Đài Khí tượng và Thủy văn Phú Yên, trong 24 đến 48 giờ tới, khu vực tỉnh Phú Yên xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng, tổng lượng mưa cả đợt đạt 200 - 300mm.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên yêu cầu các đơn vị, địa phương phân công trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão; triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát tại các vùng trũng, nước chảy xiết, thông báo, nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng ngập sâu, vớt củi trên sông, suối, chủ động phương án sơ tán, di dời người dân khi xảy ra sự cố.
UBND tỉnh Phú Yên cũng vừa có công văn số 5689/UBND-KT, yêu cầu các địa phương ven biển và các sở, ngành liên quan thông báo cấm các tàu thuyền ra khơi và các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản ven bờ và trên biển, thời gian bắt đầu cấm biển từ 09 giờ ngày 04/11.
Đồng thời yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, Ban Quản lý Cảng cá phối hợp với các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ các thông tin về tình hình diễn biến của bão để chủ động thông báo cho ngư dân; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Tuyệt đối không cho người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi có bão.
Trên khu vực Tây Nguyên, trước khả năng bão số 10 ảnh hưởng đến Gia Lai, Ngày 2/11, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã họp triển khai công tác ứng phó.
Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh theo địa bàn được phân công chủ động tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng-chống, ứng phó thiên tai ở các địa phương được giao phụ trách, thường xuyên báo cáo tình hình về UBND tỉnh. Tổ chức trực 24/24 giờ trong thời gian xảy ra bão lũ.
Tổ chức rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết, các công trình, nhà ở không đảm bảo an toàn để chủ động tổ chức, sơ tán, di dời người và tài sản.
Triển khai khẩn cấp các phương án phòng-chống lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng nhân lực, vật tư trang-thiết bị theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra, nhất là lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi rộng; bảo đảm an toàn hồ đập và xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Tại Kon Tum, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lê Ngọc Tuấn yêu cầu tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nghiêm cấm người, phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập lụt, nguy hiểm.
Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố không được rời khỏi địa phương nếu không có lý do chính đáng để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống ứng phó thiên tai và khắc khục hậu quả do thiên tai gây ra.
Đồng thời, khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra, nhất là hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng giao thông đi lại, sản xuất, sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh; khẩn trương triển khai công tác khắc phục và hoàn thành việc làm cầu mới tại vị trí cầu sắt bị trôi ở xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy) trước ngày 15/12.