Năm học mới bắt đầu chưa đầy 1 tháng mà liên tiếp xảy ra tình trạng bạo lực học đường. Đáng lo ngại là dù vấn nạn này đã bàn tới nhiều, giải pháp đưa ra cũng không ít nhưng vụ việc vẫn không thuyên giảm, khiến phụ huynh lo lắng, dư luận bức xúc…
Những hồi chuông cảnh tỉnh
Ngày 12/9, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài 7 phút quay lại việc một nữ sinh bị một nhóm bạn nữ chửi bới và đánh hội đồng. Qua xác minh được biết vụ việc xảy ra vào sáng 5/9, sau buổi lễ khai giảng năm học 2021-2022, nạn nhân là một nữ sinh THPT tại TP Yên Bái.
Tiếp đó, ngày 14/9, clip một nữ sinh cấp 2 bị anh trai của một nữ sinh khác dùng tay tát liên tục vào mặt và bắt quỳ gối xin lỗi ngay tại sân trường THCS Lương Trung, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) cũng khiến không chỉ các bậc phụ huynh mà dư luận xã hội vô cùng bức xúc.
Thống kê của ngành Giáo dục, mỗi năm, cả nước xảy ra hàng ngàn vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Cứ trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. So với 10 năm trước, số vụ bạo lực học đường (BLHĐ) đã tăng gấp hơn 10 lần…
Những số liệu này thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo các gia đình, nhà trường và xã hội, cần quan tâm và có biện pháp thích hợp. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là số vụ được báo cáo, tựa như “phần nổi của tảng băng”, bởi còn nhiều trường hợp khác mà nạn nhân chỉ biết âm thầm chịu đựng.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP HCM phân tích: Hành vi bắt nạt bạn học, bắt nạt các em lớp dưới là hành vi, xấu gây ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần của người bị bắt nạt. Nhiều vụ việc xảy ra, nạn nhân phải nhập viện điều trị về chấn thương nhưng vấn đề tâm lý ám ảnh các em suốt quãng đời sau này mới đáng lo ngại.
“Học sinh bị bắt nạt thường là những em yếu về thể lực, ít giao tiếp (thường là ít bạn thân trong lớp học). Còn người bắt nạt thường là những em học sinh khỏe mạnh, nghịch ngợm và thích thể hiện mình, thích được thừa nhận ngoài lớp học như một “thủ lĩnh ngầm”. Vì thế, các em học sinh bị bắt nạt thường rất “sợ’ và không dám tố cáo người bắt nạt với bạn, thầy cô và cha mẹ” – PGS Nguyễn Kim Hồng nêu quan điểm.
Vì vậy, trước khi bàn đến chuyện xử lý vụ việc như thế nào, nhiều chuyên gia đồng tình cần tìm giải pháp để ngăn chặn hành vi này. Trong đó sự phối hợp chặt chẽ của gia đình – nhà trường – xã hội là không thể thiếu.
Gia đình có trách nhiệm giáo dục các con nhận biết được những hành vi như thế nào là bạo lực để phòng tránh, khuyến khích các em mạnh dạn tố cáo kẻ bạo hành với bạn bè, thầy cô, cha mẹ và pháp luật. Gia đình cũng có trách nhiệm cùng giám sát, ngăn cản các hành vị bạo lực trong trường học. Về phía xã hội, mọi người phải cực lực lên án các hành vi BLHĐ, sẵn sàng can thiệp nếu thấy các hành vi đó diễn ra, tuyệt đối không cổ xúy các hành vi BLHĐ.
Coi trọng tham vấn học đường
Bà Hồ Hương Nam (nhà giáo 90 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội), người bền bỉ với lớp học tình thương miễn phí suốt 22 năm qua cho rằng mỗi học sinh có hoàn cảnh khác nhau, tâm sinh lý lứa tuổi học trò mỗi giai đoạn mỗi khác. Nếu các thầy cô, đặc biệt là các trường học có chuyên gia tư vấn học đường sẽ giúp học sinh nhận thức được hành vi bạo lực, cách phòng tránh.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cho rằng mỗi trường học cần phải có các thầy cô chuyên trách tư vấn cho học sinh mà tư vấn phòng chống BLHĐ là một mảng lớn, nếu được thì phải có biên chế. Hiện nhiều sở GDĐT quan tâm và đã có biên chế tại một số trường học.
Năm 2017, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông được coi là một cột mốc đột phá. PGS.TS Trần Thành Nam, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội thông tin một số địa phương thời gian qua đã tổ chức mô hình hoạt động tâm lý học đường của phòng tham vấn học đường hay như TP HCM, Huế, Đà Nẵng… cũng xây dựng chiến lược phát triển tham vấn học đường. Tuy nhiên, theo vị này cần phải cân nhắc cẩn thận khi lựa chọn giáo viên đảm nhận vị trí tham vấn tại các trường phổ thông, bởi để tạo sự tin tưởng cho các bên liên quan như học sinh hay giáo viên có thể chia sẻ những câu chuyện thực sự đằng sau đó rất cần những kỹ năng đặc biệt…
TS Nam cũng gợi ý về những mô hình tham vấn tâm lí sử dụng những tiến bộ công nghệ kĩ thuật, ứng dụng công nghệ cao. Ví dụ như việc tham vấn trực tuyến, khóa học dạy kĩ năng trực tuyến, sử dụng các phần mềm để kết nối tham vấn trên mạng xã hội...
Cái tốt phải lấn át cái xấu
Xử lý thế nào với những học sinh đánh bạn là một vấn đề không dễ. Đuổi học không làm học sinh từ bỏ bạo lực, trong khi kỷ luật hời hợt không đủ sức răn đe. PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cho rằng cần duy trì các hình thức kỉ luật đủ sức răn đe để các học sinh thực hiện hành vi bạo lực với bạn bè hiểu bắt nạt là hành vi sai trái, phải được lên án và bị cấm trong môi trường học đường.
Trước ý kiến cho rằng cần có sự thay đổi toàn diện, giảm khối lượng kiến thức, tăng dạy đạo đức, kỹ năng sống trong nhà trường, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cho rằng, nếu các nhà trường chú trọng nhiều hơn đến việc dạy người thì BLHĐ sẽ giảm dần. Xây dựng các hình ảnh đẹp, các tấm gương học sinh yêu thương bạn bè… Trong mỗi nhà trường, công tác truyền thông cần phải đẩy mạnh hơn để cái tốt phải lấn át cái xấu, cái xấu phải bị lên án, loại trừ - chỉ có thể như vậy mới hạn chế và giảm dần BLHĐ.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Không là “người qua đường” vô cảm
Hình ảnh trong nhiều clip ghi lại các vụ BLHĐ cho thấy vụ việc có sự chứng kiến của nhiều người, nhưng không có sự can ngăn. Điều đó cho thấy BLHĐ không chỉ từ phía học sinh mà những người đứng bên cạnh, người quay clip đã không làm gì để ngăn cản. Có thể họ sợ liên lụy hoặc không có kĩ năng ngăn cản. Vì vậy, sự can thiệp của bảo vệ trường học, của công an là cần thiết trong việc ngăn cản các hành vi BLHĐ.
Các trường học cũng cần phải tuyên truyền, thậm chí là ra các quy định học sinh khi chứng kiến hành vi bạo lực phải lên tiếng. Học sinh cần phải được trang bị các kĩ năng sống có liên quan đến phòng, chống BLHĐ. Nếu các em không có kiến thức, không có ý thức, không có hành động cụ thể nhằm ngăn chặn bạo lực thì bạo lực sẽ lộng hành và chính các em sẽ là những nạn nhân tiếp theo.
PGS. TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Một số nơi vẫn coi bạo lực học đường không phải là vấn đề cấp bách
Nguyên nhân BLHĐ chính là do sự buông lỏng quản lý từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Ở đâu đó vẫn coi BLHĐ không phải là vấn đề cấp bách, vẫn còn tình trạng thờ ơ, vô cảm. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, phải thấy rõ được hiểm hoạ đang tiềm ẩn phía sau những hành vi thiếu ý thức của học sinh và việc củng cố, xây dựng văn hoá học đường là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, giáo dục nhân cách cho học sinh rất quan trọng, nếu giáo dục kỹ năng ứng xử trong cộng đồng thì các thầy giáo, cô giáo chính là giáo cụ trực quan. Cho nên tôi nghĩ phẩm cách của các thầy, cô ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh, vì vậy mong các thầy, cô mãi là tấm gương sáng cho các em noi theo.
Hàn Minh(ghi)