Tình trạng bạo lực học đường diễn biến phức tạp, gây nhức nhối xã hội. Tranh luận, mổ xẻ vấn đề này, không ít ý kiến tỏ ra lo ngại, cho rằng gia đình, nhà trường và cả xã hội dường như đã “bó tay”. Chính vì thế, ngăn chặn bạo lực học đường càng trở nên cấp bách.
Những hình ảnh bạo lực học đường gây bức xúc dư luận.
Vấn đề nghiêm trọng
Vừa qua trên các trang mạng xã hội chia sẻ đoạn clip dài 1phút 30’ giây ghi lại hình ảnh 1 học sinh nữ bị 2 người khác thay nhau đánh đập, tát liên tiếp vào mặt. Thời điểm này, xung quanh có rất nhiều bạn nữ khác cũng chứng kiến sự việc nhưng không ai vào can ngăn, giúp đỡ nạn nhân.
Vụ việc xảy ra vào cuối giờ chiều 10/12 tại khu đô thị mới Vườn Xanh ở thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Danh tính nữ sinh đánh bạn có tên là Nguyễn Thị H. (từng học lớp 12B Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đô Lương).
Nạn nhân bị đánh được xác định là Lê Kim O. (học sinh lớp 10G Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đô Lương) đã được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương để chữa trị. Thông tin từ bệnh viện cho biết, bệnh nhân Lê Kim O nhập viện trong tình trạng phía trên mắt trái bị sưng, bầm tím, thái dương có các vết bầm tím, xây xước.
Trước đó, sáng 5/10, một video clip dài gần 1 phút 40 giây xuất hiện trên facebook, trong đó hai nữ sinh bị đánh hội đồng bằng dép, tát và đối phương dùng chân đạp liên tiếp vào người kia như phim hành động cũng tại Nghệ An.
Kết cục hai nữ sinh bị đánh bị trấn thương rất nặng về cả tinh thần lẫn thể chất. Theo kết quả xác minh, có 8 nữ sinh, trong đó 6 nữ sinh lớp 9 Trường THCS Quỳnh Long đánh 2 nữ sinh Trường THCS Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Trước nữa, khoảng 17h ngày 23-9, chỉ vì tham gia bình luận bức ảnh được đăng tải trên facebook, nữ sinh của hai trường THPT trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã hẹn nhau ra ngoài để giải quyết mâu thuẫn và lao vào đánh nhau. Nhiều người xem cảm thấy choáng váng trước một đoạn clip dài hơn 5 phút ghi lại cảnh nhóm nữ sinh đánh nhau trước sự chứng kiến và dửng dưng của nhiều người khác xung quanh, đặc biệt, hầu hết là những bạn trẻ.
Được biết, hai bên có hẹn nhau ra để giải quyết mâu thuẫn. Khi cả hai bên đã có mặt tại điểm hẹn, sau một hồi “trao đổi” thì lao vào đánh nhau…
Thầy Lê Anh Niên- Hiệu trưởng Trường THPT Thiệu Hóa xác nhận, người bị đánh là học sinh của nhà trường. Nữ sinh bị đánh là em Đ.T.T.O, học sinh lớp 11. Theo tường trình của nữ sinh này, sau khi nhìn thấy ảnh của học sinh trường khác đăng lên facebook thì có tham gia bình luận. Sau đó giữa hai bên có nói đi nói lại rồi hẹn ra đánh nhau ở khu vực cách khu vực Trường THPT Thiệu Hóa khoảng 400m để giải quyết mâu thuẫn.
Thiếu kỹ năng kiểm soát hành vi và giải quyết xung đột
Nguyên nhân của những cuộc ẩu đả ở lứa tuổi học đường có nhiều, song nhìn ở góc độ khoa học xã hội, TS. Vũ Thu Hương- giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng do các em ít được hoạt động thể chất, xã hội, nên năng lượng tích tụ.
Dường như các em chỉ biết tập trung học và quan hệ bạn bè nên có thể nói đối với một số em, khi việc học chán chường, bạn bè sẽ có giá trị cao nhất. Khi mối quan hệ với bạn bè bị ảnh hưởng bởi một lý do nào đó, sẽ dẫn đến việc bạo lực.
Thứ hai, hiện nhiều gia đình vẫn quan niệm tình cảm yêu đương là việc làm rất xấu với các em. Thay vì quan tâm, chia sẻ với con cái, nhiều gia đình phản ứng rất quyết liệt và bực bội. Nhiều học sinh không được chia sẻ từ bố mẹ nên các em không biết làm sao vượt qua và cuối cùng là... tự tìm cách giải quyết.
Thứ ba, theo TS Hương, phương pháp dạy học ở nhiều trường, mặc dù chúng ta cho rằng phải thoải mái và gần gũi hơn với học sinh nhưng thực chất vẫn rất bảo thủ. Học sinh thiếu các hoạt động xã hội, ít được tìm hiểu cuộc sống nên nhiều em cảm thấy bức bách và chịu áp lực tinh thần.
Khi bị khủng hoảng về tinh thần, tâm lý hoặc do không được dạy dỗ chu đáo ngay trong chính gia đình của mình hoặc bị đối xử chưa công bằng và chưa được trang bị đầy đủ nhận thức và kỹ năng sống phù hợp trước những thử thách của môi trường giao tiếp cộng đồng… các em đều dễ nảy sinh những hành động bột phát dễ hậu quả khôn lường.
Cụ thể, trường hợp em Nguyễn Thị H - Chủ mưu vụ đánh bạn ở Nghệ An mới đây có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Bố H. bị bệnh thần kinh nhiều năm. Năm 2015, trong khi lên cơn, ông châm lửa đốt nhà và bị chết cháy. Nguyễn Thị H. và hai người em được mẹ nuôi nấng. Buồn chán, em H. đã có đơn xin thôi học cách thời điểm xảy ra sự việc vài hôm với lý do ... “không có nhu cầu học tập”. Còn em O. mồ côi cha từ nhỏ, mẹ lại đi lấy chồng rồi sinh sống ở xa , em ở với bà ngoại. Sau khi sự việc xảy ra, em rất lo sợ, tinh thần hoảng loạn.
Cùng quan điểm về vấn đề này, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng có lẽ ngành giáo dục phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, để bạo lực không lan rộng như vậy.
Theo bà An, về việc dạy kiến thức, trong chương trình học, những gì không cần thiết có thể lược bỏ. Bù lại, các em cần có thời gian chơi, học tập thể thao, học nhạc... Những môn học này sẽ kéo các em ra khỏi các cạm bẫy xã hội, giúp các em xây dựng ý thức cộng đồng và nhân cách.
Có thể thấy, khi vụ việc xảy ra, các trường đều nỗ lực phối hợp với lực lượng công an làm rõ vụ việc. Song hầu hết các trường đều giải quyết kỷ luật nội bộ với mục đích vừa răn đe vừa tạo điều kiện cho học sinh sửa chữa. Hình thức này được cho là nhân văn nhất. Song cũng có nhiều ý kiến kiên quyết như TS LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng đã đến lúc cần có thái độ và hành động quyết liệt.
Như ông Trạch phân tích, với học sinh cá biệt nếu cứ để nhà trường “tự giải quyết” thì hiện tượng bạo lực học đường chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng, tạo nên môi trường xấu cho xã hội.
Còn theo TS Hoàng Mai Khanh - Trưởng khoa Giáo dục ĐH KHXH&NV TP HCM thì bạo lực học đường không chỉ xuất phát từ bản thân học sinh mà còn bao gồm các yếu tố khác như gia đình, nhà trường, xã hội. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất chính là việc trẻ không được đón nhận và yêu thương đúng cách.
TS Khanh cũng cho rằng biện pháp tốt nhất để không xảy ra bạo lực học đường chính là phải ngăn chặn trước khi sự việc xảy ra. Điều này phụ thuộc rất lớn vào môi trường sống của trẻ, trước tiên là gia đình.
Cha mẹ phải làm sao để trẻ cảm thấy được đón nhận, được đóng góp hay được tham gia vào nơi mình đang sống. Bên cạnh đó, nhà trường thì không nên xếp riêng trẻ có hành vi tiêu cực vào một nhóm được đặt tên là “cá biệt”, bởi điều này sẽ đẩy các em đi xa hơn nữa với những hành vi lệch lạc.