Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các bảo tàng đều chịu ảnh hưởng nặng nề và đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với việc chuyển đổi công nghệ, số hoá đang tạo ra hướng đi hiệu quả để các đơn vị thích ứng với tình hình.
Nắm bắt cơ hội
Theo số liệu thống kê của Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTTDL), trước ảnh hưởng của Covid-19 thì gần 200 bảo tàng từ công lập đến tư nhân đều giảm sút về số lượng khách tham quan, hoạt động cầm chừng thậm chí phải đóng cửa. Tuy nhiên, chính khoảng thời gian “tĩnh” này nhiều đơn vị bảo tàng đã chủ động áp dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm thích ứng với tình hình.
Mới đây, nhân kỷ niệm 55 năm thành lập, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chính thức cho ra mắt ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA được xây dựng và phát triển trên nền tảng công nghệ trực tuyến 3D tích hợp trên nền tảng website của Bảo tàng.
Trên trang chủ của bảo tàng (vnfam.vn) du khách có thể chọn mục 3D tour và tự do khám phá 24 phòng trong hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng, nghe giới thiệu các chuyên đề và bộ sưu tập để hiểu rõ thêm về sự phát triển nền mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ, từ Tiền - Sơ sử cho đến ngày nay.
Đặc biệt, nền tảng trực tuyến này còn hỗ trợ khách tham quan tìm hiểu kỹ hơn các hiện vật tiêu biểu thông qua video chất lượng cao (Tượng Phật bà Quan Âm) và liên kết với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, được nhận biết dễ dàng thông qua các biểu tượng đặt cạnh hiện vật.
Trước đó, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng đã nghiên cứu, thử nghiệm hình thức “Giờ học lịch sử online” qua ứng dụng Zoom và nhận được những hiệu ứng, phản hồi tích cực từ phía học sinh, phụ huynh và giáo viên.
Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2021, bảo tàng đã tổ chức được với 94 buổi giờ học lịch sử tại bảo tàng cho 4.756 học sinh và với 90 buổi “Giờ học lịch sử online” cho 650 học sinh. Hiện tại đơn vị cũng bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục mới mang tên “Sáng mãi những tấm gương anh hùng” dành cho đối tượng là học sinh khối tiểu học. Chương trình gồm 5 buổi học gắn với 5 chủ đề tìm hiểu về những tấm gương anh hùng ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu như Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng, Nguyễn Bá Ngọc...
Đặc biệt, mới đây trưng bày chuyên đề online “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa” đã được hoàn thiện và đưa vào phục vụ công chúng. Thông qua cách kể chuyện hấp dẫn như “Di tích Bãi Cọi là gì?”; “Đánh thức cụm di tích Bãi Cọi”; “Bí ẩn trong những ngôi mộ Chum”; “Hiện vật kể chuyện: Bãi Cọi- nơi gặp gỡ các nền văn hóa” hay “Độc đáo trang sức Bãi Cọi”... những bí ẩn về di tích Bãi Cọi thời tiền sơ sử Việt Nam cách ngày nay hơn 2000 năm lần lượt được giải mã thông qua các hiện vật, sưu tập hiện vật độc đáo, có giá trị...
Tránh để tụt hậu
Có thể nói, trưng bày ảo 3D, trưng bày online, giờ học lịch sử online… dù là hình thức không mới nhưng khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì đây đang là những giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, để những ứng dụng công nghệ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng lại đang đặt ra những thách thức.
Bởi thực tế, trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đa phần các bảo tàng ở Việt Nam đều trong tình trạng hoạt động cầm chừng, sự thu hút khách tham quan ở mức thấp, kể cả những bảo tàng mở cửa tự do, không thu phí. Vòng luẩn quẩn ấy đang đòi hỏi từng bảo tàng phải nhanh chóng tìm được biện pháp tháo gỡ.
Với cách nghĩ, cách làm “xưa cũ” cho nên tại khá nhiều bảo tàng mô hình thường thấy vẫn là các phòng trưng bày hiện vật sắp xếp theo thời gian. Thậm chí ở một số bảo tàng, thông tin giới thiệu lại sơ sài, cẩu thả. Chưa kể các hoạt động của phần lớn các bảo tàng đều đơn điệu, nhàm chán cho nên khó hấp dẫn được khách tham quan… đã dẫn đến kết cục tất yếu là bảo tàng mở cửa nhưng vắng người, không thiếu bảo tàng khánh thành xong chỉ có “vỏ” mà không có “ruột”, gây lãng phí lớn.
Để tháo gỡ những bất cập này, theo TS Đặng Xuân Thanh, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, việc tổ chức hoạt động tại các bảo tàng cần đa dạng, hấp dẫn, phù hợp đời sống đương đại, không thể đóng khung, biến thành “tháp ngà”, nặng tính hàn lâm nhưng lại xa lạ với cộng đồng.
Sự xuất hiện của bảo tàng thông minh đang mở ra một hướng đi mới, đòi hỏi các bảo tàng cần nhanh chóng nắm bắt, kịp thời thích ứng với xu thế thời đại. Tuy nhiên, TS Đặng Xuân Thanh cũng cho rằng, cần nhìn nhận rằng dù sự tham gia của công nghệ vào lĩnh vực bảo tàng có phát triển đến đâu thì cũng không thể thay thế được vai trò của con người.
Vì vậy, đội ngũ những người làm công tác bảo tàng cần không ngừng nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nắm bắt và đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe của công chúng. Sự kết nối giữa bảo tàng với các chương trình giáo dục trong nhà trường và cộng đồng, cũng như sự phối hợp với ngành du lịch cần được tăng cường, góp phần mở rộng đối tượng tham quan và đa dạng hóa các chương trình hoạt động, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng.