Việc tìm ra các giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ cần thiết.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: dienbientv).
Sáng nay (10/5), Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức Hội thảo khoa học về bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nghệ nhân, cán bộ làm công tác di sản, văn hóa đến từ các tỉnh: Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Cao Bằng.
Tại hội thảo, các nghệ nhân, cán bộ làm công tác di sản văn hóa đến từ các tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến tập trung về các nội dung, như: Diện mạo, đặc trưng và những giá trị về văn hóa, xã hội, nghệ thuật của các di sản âm nhạc cổ truyền dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc; vị trí, vai trò của các di sản âm nhạc cổ truyền trong đời sống văn hóa tinh thần; thực trạng bảo tồn các di sản; nhìn nhận và đánh giá lại tính hiệu quả, kết quả thực thi chính sách bảo tồn, tính phù hợp thực tiễn, những đề xuất giải pháp cho việc bảo tồn phát huy các giá trị di sản âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc…
Đánh giá về mục tiêu của hội thảo này, Thạc sỹ Phạm Minh Hương, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh kinh tế, xã hội phát triển, sự giao lưu hội nhập văn hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có âm nhạc truyền thống của từng dân tộc, những giá trị âm nhạc làm nên bản sắc âm nhạc của từng dân tộc đang bị đe dọa, dần biến mất. Do đó việc tìm ra các giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở nước ta trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 đã được xác định là một nhiệm vụ cần thiết và rất cấp bách.
Năm 2017, Ủy ban dân tộc đã phê duyệt cho Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thực hiện đề tài cấp quốc gia về “Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam” để từ đó có được những ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, những nghệ nhân, nghệ sỹ và người quan tâm đến âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số tại địa phương.
"Hiện nay Viện đang thực hiện một đề tài cấp quốc gia. Hội thảo này là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ đề tài để lấy các ý kiến trực tiếp từ các địa phương; qua đó có tư vấn sát thực tế nhất đối với các nhà hoạt động chính sách cũng như các nhà xây dựng chính sách. Mục đích là nhằm xây dựng những chính sách thiết thực nhất đối với văn hóa nói chung, đối với âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số nói riêng" - Thạc sỹ Phạm Minh Hương nói.