Chiều 15/12, Thành ủy Hạ Long và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững TP Hạ Long”.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành uỷ Hạ Long Vũ Quyết Tiến đã nêu bật những giá trị của Hạ Long. Đây là một trong những vùng đất hình thành lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam, là một trong các nôi văn hóa của người Việt cổ với 3 nền văn hóa nổi tiếng nối tiếp nhau từ thời tiền - sơ sử, đó là Văn hóa Soi Nhụ, Văn hóa Cái Bèo, Văn hóa Hạ Long. Đặc biệt với Văn hóa Hạ Long còn là 1 trong 4 nền văn hóa biển có vị trí rất quan trọng trong nền cảnh văn hóa tiền sử Việt Nam. Theo đó, các trầm tích văn hóa được bồi tụ và thấm sâu vào đời sống qua hàng nghìn năm lịch sử tạo nên hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú về loại hình, giàu có về giá trị, đặc sắc về nội dung, hiện hữu sinh động qua những huyền tích, đền miếu, văn bia, nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán của cộng đồng cư dân Hạ Long.
TP Hạ Long hiện có 96/638 di tích lịch sử - văn hóa của toàn tỉnh. Trong đó có Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; 6 di tích cấp quốc gia, 11 lễ hội độc đáo.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh khẳng định: TP Hạ Long là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại, dịch vụ du lịch của tỉnh Quảng Ninh; có vị trí, vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh và khu vực. Di sản văn hóa của thành phố chính là nguồn lực đặc biệt cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh mong muốn thông qua hội thảo sẽ có nhiều hơn nữa những tư liệu, ý kiến quý báu của các học giả, các nhà nghiên cứu, diễn giả để nhận diện, đưa ra giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu đó phục vụ phát triển bền vững.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá khách quan, khoa học, khẳng định được các giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của các di sản văn hóa trên địa bàn TP Hạ Long. Từ đó nghiên cứu bổ sung lý luận, tổng hợp khái quát có hệ thống, khoa học các tư liệu lịch sử liên quan, làm sáng tỏ cơ sở khoa học cho việc huy động các nguồn lực vào công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di sản văn hóa, với định hướng phát triển bền vững.
Tham luận tại Hội thảo, PGS - TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội đề xuất: "TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cần xem xét lập hồ sơ đề nghị cụm di tích của núi Bài Thơ với 11 di tích là di tích quốc gia đặc biệt. Tôi nghĩ là với giá trị tự thân của di tích đã xứng đáng trở thành di tích quốc gia đặc biệt nhưng còn một giá trị, ý nghĩa lớn hơn nữa đó là cụm di tích núi Bài Thơ là biểu tượng, là tượng đài thể hiện chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Đông Bắc". Đây cũng là ý kiến được nhiều chuyên gia hưởng ứng và tán thành tại Hội thảo.
Từ những đề xuất và ý kiến đóng góp tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long chia sẻ: Chúng tôi đã có cái nhìn tổng thể để đưa ra các giải pháp mang tính toàn diện liên quan đến bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn. Chúng tôi sẽ thiết kế, tạo thêm những sản phẩm du lịch mới vừa bảo tồn phát huy giá trị di sản và vừa phát triển kinh tế. Đây cũng là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới.
Hội thảo khoa học có ý nghĩa to lớn cho thấy sự quyết tâm của TP Hạ Long trong việc xây dựng sức mạnh văn hóa con người Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung. Đồng thời, tạo động lực cho sự phát triển nhanh của thành phố, hướng tới trở thành thành phố sáng tạo được UNESCO công nhận, tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu và đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh.