Bảo vệ Hội An trong mùa bão lũ

Tấn Thành - Chí Đại 19/10/2023 06:46

Đến mùa bão lũ, chính quyền TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) lại khẩn trương tiến hành khảo sát các di tích trong thành phố để xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó phù hợp nhằm bảo vệ phòng tránh tác hại của thiên tai lên các di tích.

Ngôi nhà cổ số 34, đường Trần Phú (TP Hội An) xuống cấp cần gìn giữ, bảo tồn.

Theo báo cáo của Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa (Trung tâm BTDSVH) Hội An, khu phố cổ Hội An gồm có hơn 1.100 di tích kiến trúc, được chia làm 5 loại di tích, trong đó có 41 di tích xếp loại đặc biệt; 97 di tích loại I. Từ năm 1999 đến nay đã triển khai thực hiện tu bổ, tôn tạo hơn 300 di tích từ nguồn ngân sách Nhà nước. Việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích đã góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, thu hút du khách đến tham quan, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương hiệu quả.

Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm BTDSVH Hội An cho biết, trung tâm luôn chú trọng, thường xuyên thực hiện việc khảo sát các di tích trong khu phố cổ Hội An cũng như các di tích ở vùng ven. Qua đó, đánh giá tình hình di tích, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó phù hợp nhằm phòng tránh, giảm thiểu các tác hại của thiên tai, bão lũ lên di tích.

Qua khảo sát, có 41 di tích xuống cấp, trong đó 10 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 21 di tích xuống cấp nặng, 10 di tích xuống cấp nhẹ. Hầu hết là các ngôi nhà cổ nằm ở các tuyến đường trung tâm như các nhà số 17 Hoàng Diệu, 56/10 Lê Lợi, 7/2 Nguyễn Huệ, 34 Trần Phú, 12/11, số 34 Bạch Đằng; 11/10 Trần Phú;... Các di tích xuống cấp ở các tình trạng như: Tường nứt, hệ khung gỗ bị mục, hệ gỗ mái đòn tay, rui, lách bị mối mọt, kết cấu gỗ, hệ mái ngói hư hỏng nặng,…

Với tình trạng nêu trên nên công tác bảo vệ, tôn tạo các di tích, nhất là các di tích xuống cấp là vô cùng cần thiết. Càng đáng lo khi Hội An ở cuối sông Thu Bồn và rốn hứng lũ từ thượng nguồn đổ về, mưa lớn luôn gây ngập lụt, ảnh hưởng đến các di tích cổ. Do đó, việc bảo vệ di tích không chỉ là trách nhiệm của Trung tâm BTDSVH Hội An mà chính quyền địa phương cũng luôn chú trọng.

Theo ông Ngọc, trong nhiều năm qua, phố cổ Hội An không có trường hợp di tích bị sụp đổ do ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết; giảm thiểu các trường hợp hỏa hoạn là một cố gắng không ngừng nghỉ của trung tâm và chính quyền các cấp cũng như ý thức của người dân.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: “Hàng năm, lãnh đạo TP Hội An chỉ đạo Trung tâm BTDSVH Hội An tổ chức kiểm tra, xây dựng kế hoạch để có biện pháp chằng chống các ngôi nhà cổ xuống cấp, nếu nhà cổ thuộc sở hữu của người dân thì chính quyền cho mượn dụng cụ hay hướng dẫn họ chằng chống để đảm bảo an toàn”.

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích đã phát huy giá trị di sản văn hóa tại TP Hội An, qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, thu hút du khách đến tham quan, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Vì thế, việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích, di sản cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh một cách hợp lý theo tình hình thực tế, góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An trong hiện tại và tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ Hội An trong mùa bão lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO