Bảo vệ rùa biển

Tuấn Dương - Chí Sơn 03/11/2017 09:20

Rùa biển có nhiều loại khác nhau nhưng được ví như sứ giả của đại dương. Mỗi loài rùa biển có một vai trò quan trọng riêng trong hệ sinh thái mà chúng sinh sống. Tuy nhiên, theo đánh giá của các tổ chức bảo tồn, nhiều loại rùa biển như con vích chẳng hạn, chỉ có 1/1.000 cơ hội sống sót đến tuổi trưởng thành.


Rùa biển ở Côn Đảo.

1. Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong vòng 5 năm qua, trung bình mỗi năm có khoảng 150.000 cá thể vích non được ấp nở, trở về đại dương. Dựa vào tỷ lệ trên, các chuyên gia cho rằng, số lượng vích có thể sống đến tuổi trưởng thành chỉ còn khoảng 150 cá thể mỗi năm. Chưa kể, phải mất 15 đến 30 năm, một cá thể vích mới có thể sinh đẻ.

Sự tác động của biến đổi khí hậu và những hoạt động của con người đã đe dọa đến sự sống của loài rùa biển này. Cũng theo thông tin từ ENV, trong 60 năm qua, quần thể vích ở Việt Nam đã giảm tới 75%. Mỗi năm, hàng ngàn quả trứng vích và cá thế vích đã bị người dân khai thác để tiêu thụ và bán cho khách du lịch như một món ăn đặc sản.

Trước thực trạng nêu trên, từ năm 2014, các loài rùa biển, trong đó có vích đã được đưa vào danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Chính phủ.

Theo đó, các hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán sản phẩm (trứng), bộ phận rùa biển (thịt) phải bị xử lý hình sự bất kể số lượng, khối lượng, giá trị tang vật.

“Mặc dù vậy, cho đến nay, phần lớn các vi phạm liên quan đến rùa biển cũng mới chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc tịch thu tang vật”- đại diện ENV thông tin.

2. Ở Việt Nam, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) được coi là “thiên đường rùa biển” lớn nhất của Việt Nam. Tại đây, công tác bảo vệ rùa biển được tiến hành một cách khá bài bản. Tuy vậy thời gian qua vẫn xảy ra hiện tượng trộm trứng rùa biển đáng báo động.

Theo các chuyên gia, hiện Côn Đảo có 2 loài thường gặp là đồi mồi và tráng đông. Có 17 bãi cát được ghi nhận là bãi đẻ của rùa, trong đó có đến bốn bãi được ghi nhận là có 1.000 rùa mẹ lên đẻ hàng năm. Vích bắt đầu mùa đẻ trứng từ tháng 4, kéo dài đến tháng 10, nhưng cao điểm là từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm. Tại Côn Đảo có nhiều nơi có rùa lên đẻ trứng như hòn Cau, hòn Tre lớn, hòn Tài… nhưng nhiều nhất phải kể đến bãi cát lớn của hòn Bảy Cạnh. Khi muốn đẻ trứng, rùa mẹ sẽ chọn một khu vực cát mịn gần các lùm cây rồi dùng 2 chân trước của mình đào tổ, sau đó dùng 2 chân sau đào một lỗ sâu chừng 50 - 60cm, rộng khoảng 20 cm và bắt đầu đẻ trứng.

Các kiểm lâm ở Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết, tùy theo con nước, thời gian rùa mẹ lên bờ đẻ trứng dao động từ 20h đến 24h. Trung bình, một rùa mẹ đẻ được khoảng 80 trứng, nhưng cũng có trường hợp cá biệt, có con đẻ tới hơn 200 trứng. Sau khi đẻ xong, rùa biển lại dùng chân trước lấp xung quanh ổ với chiều dài 5 - 6m để xóa dấu vết và ngụy trang cho tổ trứng của mình…

3. Liên quan đến loài rùa biển này, ngày 10-10, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm, TP. Hội An (Quảng Nam) cho biết, đơn vị vừa tiến hành thả 420 cá thể rùa biển về với đại dương. Việc vận chuyển trứng rùa từ Côn Đảo về ấp nở tại Cù lao Chàm đã nhận được sự thống nhất của UBND tỉnh Quảng Nam, sự cho phép của Bộ NN&PTNT, UBND Bà Rịa - Vũng Tàu.

Số cá thể rùa biển này là kết quả sau 18 ngày Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm thực hiện ấp nở 5 tổ với 450 trứng rùa. Trước đó, số trứng này được vận chuyển chặng đường 1.000 km bằng đường biển, đường hàng không và đường bộ. Hành trình bắt đầu từ Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) ra Cù lao Chàm (Hội An, Quảng Nam). Cách đó khoảng 1 tháng, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm cũng đã ấp nở thành công 426 cá thể rùa.

Theo tập tính, 25 đến 50 năm sau, rùa có thể trở lại Cù lao Chàm nơi được sinh ra để đẻ trứng. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đang nỗ lực để giúp Cù lao Chàm trở thành nơi tập trung sinh sản của những cá thể rùa biển.

Ông Nguyễn Thế Hùng- Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, TP. Hội An sẽ tập trung truyền thông, vận động người dân, điều chỉnh quy hoạch vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm, hỗ trợ sinh kế cho ngư dân... để chuyển vùng khai thác thủy sản, khoanh vùng cấm để tạo sinh cảnh thuận lợi cho rùa biển sinh ra tại Cù lao Chàm rồi quay về đẻ trứng tại Cù lao Chàm theo quy luật tự nhiên.

Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm, UBND tỉnh Quảng Nam đã cho phép đơn vị xây dựng khu bảo tồn rùa. Bên cạnh đó, UBND TP Hội An đã ban hành kế hoạch hành động phục hồi và bảo tồn rùa biển tầm nhìn đến năm 2040.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ rùa biển