Trong một cuộc họp báo mới đây để công bố kết quả thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam, cơ quan chức năng kiến nghị đối với các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Kết luận kiểm tra và tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam của TikTok Singapore. Và cũng trên cơ sở công bố các nội dung vi phạm, đoàn kiểm tra đã đề nghị các biện pháp xử lý theo quy định hiện hành.
Có thể nói, kể từ khi chính thức xuất hiện tại Việt Nam vào cuối tháng 4/2019, TikTok đã trở thành nền tảng phát triển mạnh ở nước ta, nhất là kể từ khi bùng phát dịch Covid-19. Theo số liệu thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường DataReportal, kết quả khảo sát tháng 2/2023, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới với khoảng 49,9 triệu người dùng. Còn trên thế giới, hiện nền tảng mạng xã hội này đã có trên 1 tỷ lượt tải về.
Cùng với những nội dung chia sẻ kiến thức, cuộc sống, góc nhìn bổ ích thì phần lớn nội dung trên TikTok được cho là độc hại với người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Không khó để tìm thấy trên TikTok nhan nhản những hình ảnh có nội dung người lớn. Rồi, TikTok còn mở rộng “biên giới” khi cho phép người dùng có thể liên hệ với bất kỳ tài khoản nào, ở bất cứ khu vực nào trên thế giới - điều đó đồng nghĩa, người dùng, nhất là những người dùng trẻ sẽ dễ dàng bị tiếp xúc với kẻ xấu mà không biết họ xấu đến mức độ nào. Như thế có nghĩa, người dùng trẻ sẽ thụ động/bị động trong việc phòng tránh các tác nhân gây hại cho bản thân. Đó là chưa kể nhiều video câu view trên TikTok có khả năng dẫn dụ các em nhỏ lao vào những thử thách nguy hại đến tính mạng; rồi những video lôi kéo, dụ dỗ các em làm việc xấu. Nếu không thế thì tại sao đến nay đã có hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ cấm TikTok. Nhiều quốc gia trong số này là những nước phát triển như: Đan Mạch, Bỉ, Ấn Độ, Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, Na Uy, Hà Lan, Anh, Pháp và Ủy ban châu Âu (EC). TikTok cũng đã nhận án phạt kỷ lục 5,7 triệu USD từ Ủy ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ (FTC) vì vi phạm đạo luật bảo vệ thông tin cá nhân trực tuyến của trẻ em.
Ở Việt Nam cũng vậy, nhiều bậc cha mẹ đã nhận thấy sự nguy hiểm mà TikTok đang bủa vây con mình. Còn ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong một lần chia sẻ với báo giới đã cho biết: Nhiều trường hợp các video độc hại từ nước ngoài hay ở trong nước cũng được thuật toán của TikTok gợi ý tạo thành “trend”, gây tác động ảnh hưởng lớn đến giới trẻ. Tác động lớn nhất là những hành vi gây nguy hiểm như: Nhảy trước xe tải, thử thách ăn đồ độc hại… Nói tóm lại là những video, livestream rất dễ khiến người xem bị “thao túng tâm lý”, nhất là trẻ em - đối tượng còn non nớt về nhận thức cái tốt - cái xấu.
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận xét, bên cạnh những thông tin giải trí hữu ích thì có không ít người đưa thông tin sai lệch, xấu độc, phản cảm, dung tục, mê tín dị đoan… ảnh hưởng tới giới trẻ đặc biệt là trẻ nhỏ và học sinh trên TikTok. Để tránh TikTok nói riêng và các mạng xã hội khác nói chung ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, vai trò giáo dục của cha mẹ vô cùng quan trọng.
Nhưng có lẽ, vai trò quan trọng bậc nhất vẫn là sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý. Trở lại với cuộc họp báo công bố kết quả thanh tra TikTok mà chúng tôi vừa nhắc ở đầu bài viết này, chỉ nói riêng việc bảo vệ trẻ em trước sự xâm lấn, tấn công của TikTok, cơ quan quản lý đã làm được những gì?
Tại kết luận thanh tra, cơ quan chức năng Việt Nam đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp xử lý buộc TikTok Singapore khắc phục ngay các sai phạm trong việc cung cấp dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới vào Việt Nam đã được chỉ ra tại kết luận kiểm tra. Đặc biệt, triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ trên môi trường mạng của Nghị định số 56 ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng ứng dụng dành riêng cho trẻ em (app for kid) tại Việt Nam; cải thiện hệ thống kiểm duyệt nội dung (đặc biệt là với hình thức livestream) nhằm chủ động ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng TikTok.
Điều này có nghĩa, cơ quan quản lý đã biết, đã nhận diện được nguy hại của TikTok. Giờ vấn đề là quản lý cho chặt để nó không thể gây hại với con em chúng ta cả từ biện pháp phạt hành chính, tuyên truyền hay thậm chí là cấm vĩnh viễn nền tảng này tại Việt Nam.