Xã hội

Bão Yagi mạnh nhất trong 30 năm qua

N.Anh - T.Hoàng - P.Thanh - T.Nhung - Đ.Minh - Đ.Bắc - H.Nguyên - C.Kỳ 07/09/2024 07:11

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Yagi), các địa phương đã và đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

anh Cove chinh
Trận mưa lớn chiều 6/9 ở Hà Nội khiến nhiều cây lớn bị gãy đổ. Ảnh: CTV.

Chiều 6/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thị sát, kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại Quảng Ninh, Hải Phòng.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết tỉnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 trên địa bàn, đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành và địa phương chịu trách nhiệm nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ gây thiệt hại về người và tài sản.

ảnh 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng chống bão tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Ngọc Anh.

Từ 11h ngày 6/9, Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ Đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi. Đến trưa 6/9, gần 5.600 tàu cá các loại đã nhận được thông tin về bão, di dời về nơi tránh trú bão an toàn. Trên 2.800 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển đã thực hiện gia cố, chằng chống, buộc dây đảm bảo an toàn…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết, càng kỹ, càng cụ thể, nhiều phương án chủ động ứng phó sẽ càng giảm tối đa tổn thất, thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng, tài sản của nhân dân. Tuyệt đối không được có tư tưởng chủ quan.

Các địa phương cần phải tập trung trên tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là dựa trên “4 tại chỗ”, tăng cường công tác kiểm tra, đưa ra các kịch bản cho các vùng và từng khu vực chống bão.

Phó Thủ tướng lưu ý, đối với cơn bão số 3, ngoài sức gió mạnh, còn một vấn đề cần quan tâm đó là vùng hoàn lưu bão rất lớn, có khả năng có những khu vực có mưa lớn... Như vậy, đối với các vùng ven biển, các vùng đồi núi, các địa phương cần phải chú ý vấn đề khác của thiên tai như sạt lở, lũ quét,… và đặc biệt quan tâm tới các cơ sở sản xuất như mỏ lộ thiên, hầm lò, các khu vực xung yếu…

“Mỗi địa bàn cần có sự phân công cụ thể. Người đứng đầu giữ vai trò tổng chỉ huy và đưa ra càng nhiều kịch bản dự phòng với tính chủ động càng cao thì việc chống bão mới hiệu quả” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Tàu thuyền đánh cá neo đậu tại khu tránh trú ở cửa sông Ninh Cơ (Nam Định) phòng tránh bão số 3. Ảnh: Duy Hưng.
Tàu thuyền đánh cá neo đậu tại khu tránh trú ở cửa sông Ninh Cơ (Nam Định) phòng tránh bão số 3. Ảnh: Duy Hưng.

Bão Yagi mạnh nhất 30 năm qua trên Biển Đông

Nhận định về cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi), ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết, các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, sau đó đi vào Biển Đông và thường giảm cường độ, hiếm có siêu bão hình thành ngay trên Biển Đông. Theo thống kê, chưa có cơn bão nào đi vào Biển Đông, mạnh lên thành siêu bão mà ảnh hưởng đến Việt Nam.

Chỉ có 2 cơn đi từ Tây Bắc Thái Bình Dương vào khu vực này đạt siêu bão, nhưng không ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Đó là bão Rai tháng 12/2021, đạt cấp 16 ở Biển Đông, hướng vào miền Trung nhưng sau đó đi vòng lên, tan dần ở Bắc Biển Đông. Thứ hai là bão Sao La tháng 8/2023, đạt cấp siêu bão trên Biển Đông và đi vào nam Trung Quốc.

Như vậy có thể thấy Yagi là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông.

Một đặc điểm khác biệt của bão Yagi là quá trình mạnh lên rất nhanh. Ngày 2/9, bão mới ở cấp 8 thì hơn hai ngày sau đã mạnh thêm tới 8 cấp. Điều này cũng tương đối hiếm gặp với bão trên Biển Đông. Thời gian duy trì cấp 16 hơn một ngày cũng là khá dài đối với một cơn bão trên khu vực này.

Cũng theo ông Khiêm, có 3 điều đáng lo ngại nhất từ tác động của bão Yagi là gió mạnh, sóng lớn và mưa sau bão kích hoạt lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Về gió mạnh, từ đêm 6/9 đến gần sáng 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14. Nơi đón gió mạnh cấp 6 đầu tiên trên đất liền nhiều khả năng là Móng Cái của Quảng Ninh, khoảng 1-4h ngày 7/9. Thời điểm gió mạnh nhất là từ trưa đến tối 7/9.

Khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ, bao gồm các tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa có gió mạnh muộn và yếu hơn, phổ biến cấp 6-8, giật cấp 9-11 từ trưa 7/9.

“Người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình - những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số Yagi - cần tuyệt đối không ra ngoài lúc mưa to, gió lớn. Các đô thị, vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa đối mặt với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình nhà tạm. Chính quyền cần tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn. Tôi cho rằng việc này phải thực hiện kiên quyết” - ông Khiêm nhấn mạnh, đồng thời lưu ý: Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất còn hiện hữu những ngày sau đó nên người dân cần tiếp tục đề phòng.

Cơ sở y tế sẵn sàng cho các tình huống xấu

Ngày 6/9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có văn bản về việc triển khai công tác phòng chống, ứng phó bão số 3 (Yagi) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Văn bản được gửi tới các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh thành khu vực miền Bắc và miền Trung về việc triển khai công tác phòng chống, ứng phó bão số 3 tại cơ sở khám bệnh chữa bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Yagi), Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai công tác phòng chống, ứng phó, sẵn sàng phương án tổng thể với các tình huống giả định xấu nhất để đối phó với bão, trong đó chuẩn bị về nhân lực, vật lực, hậu cần…

Cụ thể, đối với các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố: Chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, cơ số xe cấp cứu, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao cho tối thiểu 2 đội cấp cứu lưu động... Đội cấp cứu lưu động có quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể, kèm danh sách liên lạc, trực 24/24 sẵn sàng ứng cứu cho các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão khi được lệnh điều động.

Đối với Sở Y tế, bố trí lãnh đạo Sở trực chỉ huy 24/24, chỉ đạo và chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra các bệnh viện, các đơn vị trực thuộc để chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng cho các tình huống khẩn cấp trước, trong và sau bão.

T.S

Hà Nội: Nhiều cây gãy đổ, một người chết

Chiều 6/9, ảnh hưởng hoàn lưu trước bão, Hà Nội nổi cơn dông, mưa xối xả 30 phút khiến nhiều cây gãy đổ, trong đó một cây phượng ở quận Hoàng Mai bật gốc đè chết một phụ nữ. Trận mưa dông còn khiến hàng trăm cây xanh trên một số tuyến đường ngã đổ. Nhiều ngả đường đã bị tắc nghẽn…

Tại cuộc họp ứng phó bão số 3 ngày 6/9 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở vào cuộc tham gia phòng, chống bão số 3 trên tinh thần không chủ quan, thực hiện bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống bão một cách chủ động, đồng bộ, toàn diện với phương châm “4 tại chỗ”; trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...

Hải Phòng: Sơ tán hơn 4.000 người dân

Đến 20h ngày 6/9, các địa phương của Hải Phòng đã chủ động sơ tán hàng nghìn người dân sinh sống tại các khu vực xung yếu, nguy hiểm đến nơi an toàn để chống bão.

Trong đó, quận Lê Chân, quận Ngô Quyền và huyện Thuỷ Nguyên là 3 địa phương tập trung đông số dân phải sơ tán. Toàn bộ người dân sống trong các chung cư cũ, yếu; các hộ ngoài đê; các hộ có sạt lở núi; các hộ nuôi trồng thuỷ sản ngoài đê; chòi canh ngao… được di chuyển đến trụ sở UBND các phường, nhà văn hoá và các trường học trên địa bàn. Ngoài ra, Hải Phòng cũng sử dụng quỹ nhà trống của thành phố còn khoảng 600 căn để sơ tán người dân trong trường hợp khẩn cấp.

UBND huyện Cát Hải (TP Hải Phòng) đã đề nghị các cơ sở kinh doanh lưu trú giảm giá 50% dịch vụ phòng nghỉ trong trường hợp khách du lịch bị mắc kẹt bất khả kháng không kịp về đất liền do ảnh hưởng của bão số 3. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại Cát Hải không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, các chương trình cho khách tham quan du lịch.

Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, đến chiều 6/9, 98 phương tiện cùng 125 lao động đã được đưa lên bờ, không còn phương tiện hoạt động trên biển. Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ tiếp tục phối hợp với trạm Radar quan sát của Hải quân rà soát về lượng phương tiện đang hoạt động quanh đảo Bạch Long Vĩ để tuyên truyền, vận động ngư dân khẩn trương tránh bão.

Ninh Bình: Dừng hoạt động tham quan do mưa bão

Trước thời điểm bão số 3 đổ bộ vào đất liền, chiều ngày 6/9, tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), các thuyền đánh bắt ngao ngoài bãi bồi đã cấp tập đưa hàng tấn ngao trở về điểm thu mua để đưa đi tiêu thụ. Anh Lê Văn Hà - chủ cơ sở thu mua ngao nói: “Kể từ chiều ngày 6/9, cơ sở thu mua ngao của tôi dừng hoạt động, 30 anh em công nhân được cho nghỉ để tránh bão”.

Ông Vũ Văn Tấn - Trưởng Phòng NNPTNT, UBND huyện Kim Sơn cho biết: Toàn huyện có 1.200ha nuôi ngao thương phẩm, tập trung ở vùng ngoài đê Bình Minh III đến Cồn Nổi. Các lực lượng chức năng của huyện đã vận động người dân trông coi tại các chòi ngao nhanh chóng trở về bờ. Đến chiều ngày 6/9, cơ bản không còn trường hợp nào xuất hiện tại các chòi ngao.

Trong khi đó, ông Nguyễn Cao Tấn - Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, đã chỉ đạo các khu, điểm du lịch chủ động phải dừng ngay hoạt động tham quan, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp.

anh them
Người dân huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) gấp rút gặt lúa chạy bão số 3 ngày 6/9. Ảnh: Đình Minh.

Thanh Hóa: 6.110 phương tiện đã vào nơi tránh trú bão

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, ngày 6/9, trên cánh đồng thuộc xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), các máy gặt đập liên hợp đang gặt lúa cho người dân. Bà Phạm Thị Mỉnh, trú thôn Thành Ninh, xã Thành Lộc cho biết: 2,5 sào lúa nhà bà bị đổ rạp sau trận gió lốc vào rạng sáng 6/9. “Bão sắp về, nếu không kịp thu hoạch, lúa sẽ bị ngập úng nên từ sáng sớm, tôi đã gọi máy đến ruộng để gặt” - bà Mỉnh nói.

Theo ông Lê Ngọc Doãn - Chủ tịch UBND xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc, trong mấy ngày qua xã đã vận động nhiều cá nhân, đơn vị có máy gặt ra đồng gặt lúa cho người dân trước khi bão đổ bộ. Đến chiều 6/9, đã cơ bản gặt được 100ha trong tổng diện tích đất trồng lúa 320ha. Tại nhiều huyện khác như Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc…, người dân cũng đã thu hoạch lúa chạy bão.

Về công tác phòng chống bão, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa: Toàn tỉnh có trên 6.110 phương tiện, với hơn 19.900 lao động khai thác hải sản trên biển. Sau khi UBND tỉnh có lệnh cấm biển từ 12h ngày 6/9, các tàu thuyền và thuyền viên đã cơ bản trở về nơi tránh trú bão.

Nghệ An: Người dân “chạy nước rút” ứng phó siêu bão

Nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản, từ chiều 5/9 đến sáng 6/9, người dân từ miền núi đến vùng biển tại Nghệ An đã “chạy nước rút” ứng phó với siêu bão Yaghi.

“Sau khi có thông tin về bão số 3, ngư dân chúng tôi tiến hành đưa thuyền vào bờ để neo đậu. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của cơn bão, dự kiến sẽ sóng to nên từ chiều 5/9, chúng tôi đã tiến hàng đưa thuyền lên cao hơn, thậm chí đưa sâu vào mép đường lớn để hạn chế sóng đánh trôi thuyền” - anh Nguyễn Phúc Lĩnh (48 tuổi) trú xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu cho biết.

Lốc xoáy khiến một số nhà dân ở huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) bị tốc mái.
Lốc xoáy khiến một số nhà dân ở huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) bị tốc mái.

Hà Tĩnh: Gia cố tàu thuyền, lồng bè nuôi hải sản

Chiều 6/9, thống kê của cơ quan chức năng Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 3.056 phương tiện tàu thuyền đánh bắt trên biển với 9.740 lao động của tỉnh đã nắm được thông tin về bão số 3 và đã vào nơi tránh trú hoặc di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão. Tại các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh hiện có 474 tàu thuyền đang neo đậu.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã gửi công văn về các địa phương, yêu cầu các bộ phận liên quan triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản.

Ghi nhận tại các địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản trọng điểm như: Cẩm Lộc, Cẩm Lĩnh, Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên); Thạch Sơn (Thạch Hà); Hộ Độ, Mai Phụ (Lộc Hà); Kỳ Thư, Kỳ Hà (Kỳ Anh)... người dân đã tích cực, chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các hồ nuôi tôm, vùng nuôi cá lồng bè, nuôi nhuyễn thể.

17 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ tránh bão Yagi

Tính đến đêm ngày 6/9, đã có 17 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học để tránh bão số 3. Cụ thể, các Sở GDĐT Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tuyên Quang… đã thông báo cho tất cả trẻ mầm non và học sinh nghỉ học. Trong đó, Thái Bình, Nam Định cho nghỉ ngày 6-7/9, còn lại cho nghỉ ngày 7/9. Các trường học phải theo dõi chặt diễn biến của bão, cử người trực 24/24, giữ liên hệ với cơ quan chức năng và lực lượng cứu hộ để kịp thời ứng phó nếu có sự cố. Riêng Phú Thọ yêu cầu không tổ chức bất kỳ hoạt động giáo dục nào đến ngày 8/9. Những trường có học sinh nội trú cần đảm bảo an toàn cho các em, chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, nước uống.

Tất cả địa phương yêu cầu trường học kịp thời di dời tài sản, hồ sơ, học liệu đến nơi an toàn, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do bão. Sau khi bão tan, các trường dọn dẹp sạch sẽ khuôn viên để phòng, chống dịch bệnh, bố trí học bù để đảm bảo kiến thức cho học sinh.

P.V

Hủy nhiều chuyến tàu, chuyến bay

Để ứng phó với cơn bão số 3 (bão Yagi), Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội bãi bỏ 10 mác tàu. Cụ thể, bãi bỏ tàu SE11 xuất phát Hà Nội ngày 9, 10/9/2024 và tàu SE12 xuất phát Sài Gòn ngày 11, 12/9/2024. Đồng thời, bãi bỏ tàu LP5/HP2, tàu LP8/7 ngày 7/9/2024; bãi bỏ tàu HP1, LP2 ngày 8/9/2024; bãi bỏ tàu NA1/NA2 ngày 7/9/2024.

Hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã yêu cầu các đơn vị tổ chức thường trực 24/24 để kịp thời chỉ đạo công tác khắc phục sự cố; lập phương án sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra khi có mưa lớn để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện, thiết bị, nhà xưởng và an toàn giao thông đường sắt. Đồng thời, trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động khi thực hiện nhiệm vụ ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định tạm ngừng khai thác 4 sân bay Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân trong ngày 7/9 do ảnh hưởng bão số 3 (Yagi). Khoảng 240 chuyến bay nội địa và 70 chuyến bay quốc tế bị hủy trong ngày 7/9. Các địa phương đang gấp rút triển khai các biện pháp phòng, chống bão để giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản.

D.Anh

Chợ, siêu thị “cháy” thực phẩm vì bão

anh bài nhỏ 2
Người dân xếp hàng dài tại siêu thị Fujimart (Hà Nội) sáng 6/9.

Trước thông tin bão Yagi (bão số 3) sắp đổ bộ vào đất liền, ngày 6/9, tại các siêu thị, chợ dân sinh, người dân Thủ đô ồ ạt mua sắm tích trữ lương thực, thực phẩm. Ghi nhận thực tế, nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội luôn trong tình trạng cháy hàng thực phẩm như thịt, cá, rau, củ…

Tại một số siêu thị lớn như Big C, Winmart, lượng khách mua hàng tăng đột biến khiến một số thời điểm, kệ hàng rau thịt hết hàng.

Tại siêu thị WinMart Đại La, Hà Nội rất đông người dân tới mua sắm. Đông nhất là khu vực bán thịt và rau củ quả, nhiều thời điểm khu vực này quá tải. Nhân viên phục vụ tại đây cho biết lượng người tới siêu thị để mua sắm tăng mạnh từ tối qua, buộc nhân viên phải tăng ca làm việc liên tục.

Chị Nguyễn Thu Hằng (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, lo ngại mưa bão ảnh hưởng nên chủ động đi mua sắm đồ thiết yếu trước. "9h sáng tôi đến siêu thị thì quầy rau củ đã gần như sạch bong" - chị Hằng thông tin.

Đại diện chuỗi siêu thị Winmart/ Winmart+ cho biết trong sáng 6/9, các siêu thị, cửa hàng thuộc hệ thống ghi nhận các mặt hàng có sức mua tăng cao như thực phẩm tươi sống, rau củ có xu hướng lưu trữ lâu như bầu, bí hay các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, mì gói… Theo Giám đốc Winmart Thăng Long, sức mua rau, thực phẩm trong sáng 6/9 tăng khoảng 350% so với ngày thường.

Trong khi đó, tại các chợ dân sinh như Nhân Chính, Cầu Giấy, Thành Công... lượng hàng hóa cung ứng cũng không xuể với nhu cầu người dân phòng chống bão số 3. Nhiều người tiêu dùng cho biết, tầm 9h sáng 6/9 ra chợ các quầy thịt, cá, rau xanh đã thưa thớt, hầu như không còn hàng để mua.

Để bảo đảm cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, đơn vị đã chuẩn bị nguồn hàng hóa, nhất là các loại nhu yếu phẩm cần thiết, với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Sở Công thương sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp bảo đảm cung ứng, hỗ trợ người dân các địa phương trong trường hợp xảy ra mưa lũ, chia cắt.

Thanh Xuân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bão Yagi mạnh nhất trong 30 năm qua