Tết Trung thu đang đến gần trong lúc dịch Covid-19 vẫn diễn biến vẫn phức tạp. Tận dụng lợi thế của thương mại điện tử, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh đã rao bán bánh trung thu với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, chất lượng loại bánh “online” này là rất đáng bàn.
Theo các chuyên gia, việc mua bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro. Theo đó, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm.
Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát. Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, ngày 6/9, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo, khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng và có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất cũng như hướng dẫn sử dụng, bảo quản.
Đáng lưu ý, sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. “Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu” - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.
Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng lưu ý người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu website gồm tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế; Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về điều kiên giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.
Đặc biệt, nếu mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm. Người mua hàng tuyệt đối không nên mua ở những trang mạng không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.
Còn theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), người tiêu dùng cần cẩn trọng, đặc biệt là cần lưu ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi mua hàng online. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã kiểm tra, thu giữ nhiều lô bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh thực phẩm tại địa phương và phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm tại huyện Tam Dương đang bày bán 128 chiếc bánh Trung thu có nhãn bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa trên.
Đáng chú ý, ngày 25/8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Thái Nguyên) kiểm tra xe vận chuyển hàng hóa phát hiện gần 2.500 gói bánh Trung thu, chả cay các loại. Toàn bộ số hàng hóa trên có xuất xứ nước ngoài, trên bao bì ghi “Made in”. Làm việc với đoàn kiểm tra, lái xe kiêm chủ hàng không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ gì liên quan. Người này khai nhận đã mua trôi nổi số hàng trên tại các chợ đầu mối ở Lạng Sơn đưa về Thái Nguyên tiêu thụ.