Bất an dưới thủy đài

Đoàn Xá 30/09/2015 07:25

Dù được xây dựng từ thời Pháp thuộc và đến nay, tất cả hơn 100 thủy đài (bồn nước công cộng - tháp nước) lớn nhỏ khắp TP Hồ Chí Minh đã không còn hoạt động nhưng lại không thấy có phương án xử lý. Ngoài việc làm ảnh hưởng đến không gian đô thị, việc các công trình cao tới vài chục mét này đang đồng loạt xuống cấp, gây bất an cho cuộc sống của người dân xung quanh…

Hàng trăm thủy đài đang khiến người dân thành phố lo lắng.

Là những công trình có kiến trúc khá công phu, được xây dựng kiểu hình nấm dùng làm bồn chứa nước, thủy đài cao khoảng 10-20 mét, tùy từng công suất, ở trên cùng là một chiếc bồn lớn, có thể tích hàng trăm mét khối nước. Đã có rất nhiều các vụ tai nạn ở những địa điểm là thủy đài này trong thời gian qua ở khu vực thành phố.

Nặng thì sập hầm nước dẫn tới chết người, bị thương bất tỉnh (trong lòng thủy đài) hay nhẹ thì nứt, vỡ, rơi các mảng vật liệu của thủy đài. Hơn nữa, vị trí của các thủy đài đều thuộc các khu vực trung tâm, nơi tập trung đông đúc người sinh sống.

Gần đây, theo phản ánh của nhiều người dân, thủy đài ở khu vực cầu vượt Quang Trung (quận 12) đã xuống cấp, thường xuyên rơi rớt các mảng bê-tông xuống nhà dân, gây lo lắng cho nhiều người. Có trường hợp, vật liệu rớt trúng đầu nhưng không biết kêu ai xử lý bởi thực tế, thủy đài này hầu như bỏ hoang cả mấy chục năm qua.

Tương tự là hàng chục các thủy đài bỏ hoang khác cũng gây phiền hà, lo lắng cho người dân như thủy đài ở khu vực đường Hoàng Diệu (quận 4), đường Lê Đại Hành (quận 11), đường Hồ Văn Huê (Phú Nhuận)… bởi các loại nguyên vật liệu rớt xuống, nhất là mùa mưa như hiện nay.

Ngoài ra, diện tích đất của những thủy đài chiếm chỗ cũng lên đến hàng ngàn mét vuông, gây lãng phí nguồn quỹ đất của thành phố vào các quy hoạch công trình khác. Vì vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, nếu không có giá trị sử dụng thì nên phá hủy, sử dụng quỹ đất vào việc khác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty cấp thoát nước Sài Gòn, SAWACO cho biết, mặc dù có hàng trăm thủy đài ở khắp thành phố nhưng thực tế, phía công ty chỉ quản lý 8 thủy đài, từng được sử dụng để cấp nước, điều phối áp lực nước sau giải phóng.

Tuy nhiên, khoảng vài chục năm trở lại đây đều bỏ hoang do tường bao cũ kỹ, nước hay bị rò rỉ, không đạt chuẩn chất lượng nên không sử dụng được. Về hướng giải quyết, vị lãnh đạo này cũng cho rằng 8 chiếc thủy đài trên tuy cũ kỹ, không có giá trị sử dụng nhưng chưa xuống cấp, chưa gây nguy hiểm nên chưa phá bỏ.

Còn các thủy đài khác, theo một lãnh đạo của Sở GTVT thành phố thì hầu hết đều nằm ở những vị trí khá đặc biệt, thuộc sự quản lý của nhiều đơn vị. Vì thế, việc đồng loạt xử lý các thủy đài bằng cách đập bỏ cần phải được sự nhất trí của lãnh đạo thành phố, hoặc tất cả các đơn vị quản lý cùng thống nhất với nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất an dưới thủy đài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO