Dự án tu bổ, nâng cấp đê hữu sông Hoàng, đoạn từ xã Dân Lý đến xã Đồng Thắng (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) dài gần 10km, với tổng mức đầu tư lên đến gần 45 tỷ đồng, được đưa vào vận hành từ cuối năm 2019. Tuy nhiên, tới nay mặt đê đã bị hư hỏng nghiêm trọng.
Những vụ tai nạn thương tâm
Đó là đoạn thuộc đê hữu sông Hoàng (đoạn từ xã Dân Lý đến xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn) được đưa vào sử dụng từ năm 2019. Sau 5 năm vận hành, mặt đê xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài suốt toàn tuyến, có nhiều đoạn vết nứt đã rộng cả 5 - 7cm, mặt đê bị bong tróc, rỗ chằng chịt... Đã có nhiều vụ tai nạn (thậm chí chết người) xảy ra. Điều này đã gây ra nhiều mối lo lắng, bất an cho người tham gia giao thông.
Gần đây nhất, vào khoảng 19 giờ, ngày 6/9/2024, trên đường đê, đoạn chạy qua thôn 11, xã Khuyến Nông, huyện Triệu Sơn đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 1 người chết. Nạn nhân là anh Lê Văn H. (SN 1975), có địa chỉ tại xã Khuyến Nông. Theo nhiều nhân chứng cho biết: Anh H. gặp tai nạn khi lưu thông bằng xe máy vào lúc trời chạng vạng, phải tránh ổ gà trên đường nhưng do mặt đê xấu, anh bị trượt ngã và đập đầu xuống đường bê tông, chấn thương sọ não dẫn đến tử vong.
Cách hiện trường vụ tai nạn dẫn đến cái chết của anh H. khoảng 200m về phía hạ lưu sông Hoàng, vào tối ngày 15/12/2021 cũng đã xảy ra một vụ tai nạn chết người nghiêm trọng khác. Nạn nhân là anh Nguyễn Quang D. (21 tuổi), trú tại xã Khuyến Nông. Do mặt đường đê bị biến dạng, anh D. điều khiển xe máy tránh ổ gà nhưng bị trượt bánh trước, khiến anh bị ngã và đập đầu vào thành cầu bê tông trên đường và tử vong tại chỗ. Thời điểm đó, D. đang là sinh viên năm thứ 2 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về quê nghỉ Tết…
2 vụ tai nạn nêu trên chỉ là điển hình cho hàng chục vụ tai nạn giao thông khác, xảy ra trên tuyến đường đê dài chưa đầy 10km này. Các nạn nhân, nhẹ thì xây xước mặt mũi, gãy chân, gãy tay, nặng thì tử vong... Chừng nào mặt đê chưa được duy tu, bảo dưỡng thì người tham gia giao thông qua đây còn bất an, lo lắng không yên.
Chưa có kế hoạch sửa chữa
Anh Nguyễn Văn Luyện - người dân trú tại thôn 4 (xã Khuyến Nông, huyện Triệu Sơn) lo lắng nói: “Mặc dù là đường đê nhưng đây lại là đường nối từ QL47, chạy qua nhiều xã đến tỉnh lộ 10 nên hàng ngày có rất nhiều người và phương tiện lưu thông qua lại. Đường xuống cấp, hư hỏng nhiều năm nay. Là người địa phương đã quen với đường đất nhưng mỗi khi có việc phải đi qua, chúng tôi cũng rất lo sợ. Chỉ cần sao nhãng, yếu tay lái là bị quật xuống đường ngay. Nếu đê không sớm được sửa chữa, tôi nghĩ còn nhiều những vụ tai nạn thương tâm nữa có thể sẽ xảy ra”.
Thực tế cho thấy, không chỉ đoạn đê chạy qua xã Khuyến Nông bị hư hỏng nặng nề mà tại đoạn chạy qua khu vực thôn 1, xã Đồng Tiến xuất hiện điểm nứt gãy khá nghiêm trọng. Các vết nứt há rộng hàng chục centimet cắm sâu vào thân đê. Phần mặt bê tông trên thân đê bị gãy vỡ nham nhở, tạo thành những “ổ trâu, ổ gà” khấp khểnh. Bà Lê Thị Hoa - người dân trú tại thôn 1, xã Đồng Tiến (huyện Triệu Sơn) bức xúc cho biết: Tuyến đường chỉ mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng 5 năm trở lại đây nhưng đã bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, các con đường bê tông trong xã, thôn do người dân bỏ tiền làm trước hoặc cùng thời điểm vẫn còn phẳng lỳ, chắc đanh. “Chả hiểu nhà thầu thi công kiểu gì, họ làm ra sao mà đá 1 - 2 trên mặt đường bị bong ra như ngô, các vết nứt thì xuất hiện dày đặc”- bà Hoa nói.
Được biết, đoạn đường trên thuộc Dự án tu bổ, nâng cấp đê hữu sông Hoàng được Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn phê duyệt từ năm 2017, với quy mô đầu tư tu bổ, nâng cấp hoàn thiện mặt cắt đê, gia cố mặt đê này với chiều dài 9,24 km; làm mới 35 dốc lên đê; sửa chữa và làm mới 23 cống qua đê; cải tạo, nâng cấp 3 tuyến đường dân sinh kết nối với đê, chiều dài 1,813km. Dự án được giao cho Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng hạ tầng Huy Hoàng (DN Huy Hoàng) làm nhà thầu khảo sát, thiết kế, lập dự toán xây dựng với tổng mức đầu tư gần 44,7 tỷ đồng; đơn vị thi công là Công ty Xây dựng Hoàng Hải (DN Hoàng Hải). Như vậy, với quyết định trên, định giá cho một ki lô mét đường bê tông trong dự án này khoảng gần 5 tỷ đồng.
Về sự việc trên, ông Đồng Văn Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho biết: Tình trạng mặt đê bị xuống cấp, hư hỏng không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã xảy ra ngay từ khi dự án còn trong thời gian bảo hành. Nhưng đây là công trình địa phương được thụ hưởng nên việc giám sát đối với dự án trên chỉ mang tính chất ghi nhận và kiến nghị.
Trong khi đó, ông Lương Văn Thịnh - Trưởng Ban Quản lý dự án, UBND huyện Triệu Sơn cho biết: “Hiện tại, tôi cũng chưa nắm được thực trạng của tuyến đường như báo chí vừa nêu. Sắp tới, chúng tôi sẽ cho rà soát lại thực tế và có phương án xử lý sớm nhất có thể”.
Nhiều người dân cho rằng, cùng với việc ngành chức năng cần sớm tu sửa tuyến đê thì cũng cần xem xét đến trách nhiệm, năng lực của 2 nhà thầu tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công là DN Huy Hoàng và DN Hoàng Hải. 1km đê tiêu tốn gần 5 tỷ đồng nhưng trong giai đoạn bảo hành đã xảy ra hư hỏng thì đó là vấn đề cần được điều tra, làm rõ về trách nhiệm của các đơn vị liên quan, xem xét có việc rút ruột công trình hay không?