Giám sát - Phản biện

Bất cập nhà tái định cư

LÊ ANH 17/06/2024 08:42

Theo Sở Xây dựng TPHCM, trên địa bàn TPHCM hiện có gần 9.000 căn hộ tái định cư thuộc sở hữu Nhà nước chưa được bố trí cho người dân, nằm tại 85 chung cư và cụm chung cư.

baiduoi.jpg
Hàng nghìn căn hộ tái định cư tại phường Bình Khánh, TP Thủ Đức do không có người ở, hạ tầng căn hộ đang xuống cấp trầm trọng. Ảnh: H.Phúc.

Đây là những căn hộ được dự kiến dùng làm nơi bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án. Điều đáng nói, các căn hộ này chưa có người vào ở, thành phố còn phải tốn nhiều chi phí quản lý vận hành hàng năm, tạo ra gánh nặng ngân sách không hề nhỏ.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM tháng 5/2024, ông Đinh Thiên Tân - Trưởng phòng Quản lý vận hành thuộc Sở Xây dựng TPHCM cho biết trong số 39 dự án chung cư đang nợ chi phí quản lý, vận hành các căn hộ trống đã phát sinh số tiền hơn 81 tỷ đồng. Theo quyết định của UBND TPHCM, phía Trung tâm chưa được ủy quyền tham gia Hội nghị nhà chung cư và tham gia Ban quản trị của các chung cư. Do đó, cũng không thể tham dự với vai trò chủ sở hữu để bỏ phiếu bầu Ban quản trị nhà chung cư, thống nhất đơn giá quản lý, vận hành. Ngoài ra, Trung tâm cũng chưa được giao chủ trương thanh toán chi phí quản lý vận hành chung cư tái định cư.

Ông Tân cho biết, Trung tâm đã tổng hợp, báo cáo Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất UBND TPHCM ủy quyền tham dự Hội nghị nhà chung cư, tham gia Ban quản trị, thanh toán các chi phí quản lý, vận hành căn hộ trống. Sau khi UBND TPHCM chấp thuận chủ trương, Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị và địa phương có liên quan để thống nhất mức phí quản lý vận hành phải thanh toán, hình thức thanh toán.

Trong khi còn nhiều bất cập, vướng mắc về mặt quản lý nhà nước, việc còn gần 9.000 căn hộ tái định cư đang bị bỏ trống, chưa có người ở đang gây ra các lãng phí lớn cho ngân sách. Trong khi đó còn nhiều người chưa có nhà ở hoặc đối tượng gia đình công nhân, lao động, người có thu nhập thấp chưa có điều kiện để tiếp cận được với nhà ở. Để tháo gỡ, TPHCM có chủ trương đấu giá gần 5.000 căn hộ (4.927 căn hộ, 42 nền đất), trong đó tập trung chủ yếu ở khu tái định cư Thủ Thiêm (3.790 căn, tại TP Thủ Đức) và gần 1.000 căn ở xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TPHCM). Theo dự kiến, đến cuối năm 2024 sẽ hoàn tất các thủ tục, để cho đấu giá trước 3.790 căn hộ tái định cư ở phường Bình Khánh (TP Thủ Đức). Dù vậy, chính đại diện Sở Xây dựng TPHCM cũng thừa nhận, ngay cả giải pháp cho đấu giá căn hộ tái định cư đã tồn tại khó khăn suốt nhiều năm qua. Cụ thể, đối với 3.790 căn hộ tái định cư tại phường Bình Khánh (TP Thủ Đức), Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TPHCM đã mở đấu giá nhiều lần từ năm 2017 đến năm 2021, với các mức khởi điểm qua từng lần là 8.800; 9.100 và 9.900 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Nguyên nhân chủ yếu là do các căn hộ tái định cư này đang trong tình trạng xuống cấp, nhiều năm không được bảo dưỡng, quản lý tốt, khiến cỏ mọc hoang hóa. Các nhà đầu tư lo ngại nếu đấu giá thành công có thể phải bỏ ra khoản chi phí lớn để sửa chữa, hoàn thiện, khiến giá thành đội lên cao, dẫn đến thua lỗ.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa UBND TPHCM và Đoàn ĐBQH TPHCM, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, cũng có phương án chuyển đổi căn hộ tái định cư sang quỹ nhà ở xã hội (NƠXH). Thế nhưng, phương án này cũng gặp khó khăn do quy định về NƠXH hiện còn rất khắt khe. Cụ thể, mặc dù NƠXH được miễn tiền sử dụng đất, nghĩa là không tính chi phí sử dụng đất vào giá thành, nhưng chi phí bồi thường vẫn được tính. Vì vậy, bài toán về “đội giá” cho nhà đầu tư vẫn chưa thể giải quyết, khiến không thể thu hút được doanh nghiệp tham gia. Do loay hoay chưa thể tìm được giải pháp khả dĩ tốt hơn, hiện nay TPHCM vẫn giữ chủ trương cũ là chuyển quỹ nhà ở tái định cư để bán đấu giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất cập nhà tái định cư