Công tác chi ngân sách còn bất cập; tình trạng sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định chưa được khắc phục, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) triền miên... là những điệp khúc, nói mãi chưa dứt.
Tình trạng một số bộ, ngành, địa phương phân bổ, giao vốn vượt tổng mức đầu tư, vượt mức hỗ trợ, vượt nhu cầu,...phân bổ cho các dự án khi chưa đủ điều kiện hoặc không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn là tình trạng tiếp diễn nhiều năm nay. Trong khi ngân sách hạn hẹp, nhiều công trình cần đầu tư nhưng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm giải ngân chậm và tình trạng chấp hành chưa nghiêm quy định trong hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư, có địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư chưa đủ thủ tục, chưa đúng thẩm quyền; phê duyệt án chưa đúng quy định; có dự án hồ sơ khảo sát chưa đầy đủ, chính xác, thiết kế, dự toán còn sai sót, hình thức lựa chọn nhà thầu chưa đúng quy định; nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án được kiểm toán đều có sai sót…dù đã được cảnh báo và nêu ra rất nhiều xong vẫn không có giải pháp khắc phục.
Có dự án điều chỉnh nhiều lần, có dự án điều chỉnh tăng gấp 2 lần, 3 lần tổng mức đầu tư ban đầu, cá biệt có dự án tăng gấp 39 lần. Theo kết quả kiểm toán NSNN năm 2017 cho thấy dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi điều chỉnh 3 lần; dự án đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh điều chỉnh 6 lần, tăng tổng mức đầu tư hơn 3 lần; dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Cửa Đại điều chỉnh 4 lần; dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tình Ninh Thuận điều chỉnh 3 lần; dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng phát triển Việt Nam tại Nha Trang điều chỉnh 4 lần, tổng mức đầu tư tăng hơn 39 lần.
Thực tế cũng chỉ ra trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp. Do vậy thâm hụt NSNN thường xuyên ở mức cao và hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực. Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là nợ công gia tăng.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, bài toán lớn nhất của Việt Nam hiện là áp lực chi. Nếu cấu trúc lại thu ngân sách mà không đặt ưu tiên vào chi “thì là cả một vấn đề.” Giới chuyên gia cho rằng, cơ cấu NSNN hiện nay quá nhiều bất cập và cần phải đưa ra từng giải pháp căn cơ, cặn kẽ. Nhiệm vụ đặt ra là tiếp tục cơ cấu lại nợ công. Trong khi các nước trong khu vực chỉ có mức nợ công 48% GDP, chúng ta dù đã giảm nhưng tỷ lệ nợ công vẫn còn cao, chiếm 58% GDP. Như vậy, cần tiếp tục hạ tỷ lệ này để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Đồng thời tiếp tục cơ cấu lại nợ công. Ngoài ra cần phải quản lý chi tiêu ngân sách sao cho giải quyết được tình trạng giải ngân chậm, sử dụng không hiệu quả trong đầu tư công, quản lý ngân sách qua đầu ra, tăng đầu tư công trong chi tiêu ngân sách.