Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đang xác minh, làm rõ việc nâng khống giá máy giặt, sấy công nghiệp tại 4 bệnh viện của địa phương này lên gấp khoảng 6 lần. Việc có hay không sự cấu kết giữa lãnh đạo các bệnh viện với đơn vị cung cấp thiết bị, nâng giá lên gấp nhiều lần so với giá trị thật của thiết bị vẫn phải đợi kết luận của cơ quan công an. Song, ngay cả khi “không xác định được” hành vi cấu kết, thì việc “ném tiền qua cửa sổ” nói trên cũng đã có dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan chức năng xác định, Công ty CP trang thiết bị y tế Hà Tĩnh mua 4 bộ máy giặt, máy sấy công nghiệp của Công ty CP The One Việt Nam (địa chỉ trụ sở tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) với tổng giá trị là hơn 2 tỷ đồng. Sau đó, Công ty CP trang thiết bị y tế Hà Tĩnh đã lắp đặt 4 bộ máy giặt, sấy công nghiệp trên cho 4 bệnh viện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (BVĐK huyện Thạch Hà, BVĐK huyện Can Lộc, BVĐK huyện Đức Thọ, BVĐK huyện Hương Sơn), với tổng giá trị 12 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong 4 bộ máy giặt, sấy lắp cho 4 bệnh viện, chỉ có 1 bộ lắp tại BVĐK Thạch Hà có hợp đồng ký giữa Công ty CP The One Việt Nam và bệnh viện, 3 bộ còn lại không có hợp đồng. Lý do của việc không có hợp đồng giữa bên mua và bên bán, mà chỉ có “hợp đồng miệng” giữa 3 bệnh viện còn lại với Công ty CP trang thiết bị y tế Hà Tĩnh là vì trong quá trình mua bán, Công ty The One không đồng ý ghi hóa đơn nâng khống giá thiết bị lên nhiều lần theo yêu cầu của Công ty CP trang thiết bị y tế Hà Tĩnh.
Để hợp thức hóa việc nâng khống giá trị thiết bị lên gấp 6 lần so với giá trị thực (từ 2 tỷ đồng lên 12 tỷ đồng), Công ty CP Trang thiết bị y tế Hà Tĩnh đã ký hợp đồng “ma” với Công ty CP thiết bị y tế Bảo Anh (trụ sở tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) thể hiện mua 4 bộ máy giặt, sấy công nghiệp kể trên với giá 10 tỷ đồng. Đến thời điểm bị phát hiện, Công ty CP trang thiết bị y tế Hà Tĩnh đã nhận đủ 12 tỷ đồng của 4 bệnh viện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có lắp đặt các bộ máy giặt, sấy công nghiệp.
Việc nâng khống giá các bộ máy giặt, sấy công nghiệp tại 4 bệnh viện tuyến huyện của Hà Tĩnh lên tới 6 lần là vi phạm rất nghiêm trọng, có dấu hiệu của hành vi trục lợi, rút ruột ngân sách nhà nước. Song, thay vì nhận trách nhiệm để tìm cách tháo gỡ thì cả Sở Y tế và Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh đều đưa ra những cách lý giải thiếu thuyết phục để trốn tránh trách nhiệm. Lẽ nào các bệnh viện có thể “tự tung tự tác” trong việc mua sắm trang thiết bị khi không có cái “gật đầu” của các sở ngành liên quan?
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh thì cho rằng, các bộ máy giặt, sấy công nghiệp không phải là trang thiết bị y tế nên các bệnh viện không cần phải xin ý kiến đơn vị này. Và vì lý do đó nên Sở Y tế Hà Tĩnh không biết gì về việc mua bán trên. Còn lãnh đạo Sở Tài chính Hà Tĩnh thì khẳng định có thẩm định phê duyệt kế hoạch mua nhưng không thẩm định giá, mà chỉ căn cứ vào chứng thư thẩm định giá do Công ty CP trang thiết bị y tế Hà Tĩnh trình lên. Và vì thế việc phê duyệt gói thầu của Sở Tài chính là không sai.
Dư luận cho rằng, không thể chấp nhận được thái độ rũ bỏ trách nhiệm của cả Sở Y tế và Sở Tài chính Hà Tĩnh. Với vai trò quản lý nhà nước đối với các bệnh viện tuyến huyện, Sở Y tế Hà Tĩnh không thể nói là không biết gì việc mua sắm trang thiết bị của các đơn vị trực thuộc. Dù có là trang thiết bị y tế hay không thì Sở Y tế cũng buộc phải biết, không lẽ cấp dưới bán cả bệnh viện mà Sở cũng không cần biết? Tương tự, Sở Tài chính cũng không thể chỉ căn cứ chứng thư thẩm định giá để “nhắm mắt” phê duyệt gói thầu.
Nhiều ý kiến khẳng định, có “ăn gan hùm” thì lãnh đạo các bệnh viện tuyến huyện cũng không dám “qua mặt” Sở Y tế và Sở Tài chính trong việc mua sắm trang thiết bị. Vậy nên việc nâng khống lên gấp 6 lần giá các bộ máy giặt, sấy công nghiệp, ngoài vi phạm của công ty cung cấp thiết bị, lãnh đạo các bệnh viện tuyến huyện, cũng không thiếu phần trách nhiệm của Sở Y tế, Sở Tài chính Hà Tĩnh. Thay vì chối bỏ trách nhiệm, lãnh đạo các sở này cần cầu thị nhận lỗi để đưa ra những biện pháp khắc phục triệt để.
Sau vụ án nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 Realtime PCR của CDC Hà Nội và một loạt tỉnh, thành phố khác, qua rà soát cơ quan chức năng phát hiện thêm nhiều vụ việc nâng khống giá thiết bị, có dấu hiệu của hành vi trục lợi, vơ vét tiền ngân sách. Điều đó cho thấy còn nhiều “con sâu” đang lẩn khuất đâu đó sau những lớp ngụy trang tinh vi chưa bị phát hiện. Đó chính là lý do bắt mãi mà vẫn chưa hết sâu. Song, để “thân cây ngân sách” được khỏe mạnh, dù mất thời gian đến đâu cũng cần kiên trì bắt cho kỳ hết sâu đục khoét.