Bát thạch tiết dê của mẹ

ĐĂNG NGỌC 27/06/2023 07:18

Ăn cốc thạch đen Cao Bằng pha cùng sữa tươi tiệt trùng ngày nay, cả nhà ai cũng khen ngon. Nhưng với tôi, bát thạch tiết dê của mẹ làm cho những ngày thơ bé vẫn là nhớ đời. Và tôi đã làm món này để mọi người trong gia đình được thưởng thức mùi vị của quê hương trung du…

Cây tiết dê - nguyên liệu chế biến món thạch xanh mát giải nhiệt mùa hè.

1.Con bò cái nhà tôi đẻ chú bê vàng xinh xắn, ngày nào mẹ tôi cũng đi kiếm cỏ thài tài bồi dưỡng cho nó. Mẹ bảo, giống cỏ này bò cái ăn thì nhiều sữa lắm, và rủ tôi cùng đi. Mẹ cầm cây liềm sắc, tôi cầm cây liềm cũ, lưỡi đã mòn nhỏ, nhẹ vừa tay. Trên các bờ ruộng bậc thang trung du, cùng với cây sim, cây mua, cỏ tranh, bông lau vươn cao, thì lớp dưới thường là cỏ thài lài, mẹ bảo, có người gọi là cỏ chân vịt. Cắt được vài chét cỏ, bỗng mẹ gọi tới bên bờ cỏ mẹ đang cắt, bảo loại dây này có lá ăn được.

Tôi hỏi lại, mẹ giải thích, đó là dây tiết dê, lá của nó làm thạch. Thế là tôi biết thêm một loài dây leo mới. Ôi, những phiến lá như trái tim bé nhỏ, có lông mịn, xanh ngan ngát, làm dịu mắt khi trời nắng gắt. Đã bắt gặp nó lẩn trong các bụi lau, nứa tép ở bìa rừng cạnh nhà mình, giờ mới biết nó là “tiết dê”. Sao lại có tên này hả mẹ, không giải thích, mà mẹ bảo, nếu thấy, con hãy hái những lá bánh tẻ, không non, không già. Mẹ cũng hái, con được chét nào mang để cùng vào một bên rổ của mẹ. Từ lúc đó hai mẹ con vừa cắt cỏ thài lài, thỉnh thoảng dừng tay kiếm lá tiết dê. Mặt trời đã lên khá cao, gánh cỏ của hai mẹ con đã đầy, bên góc rổ cỏ là những chét lá cho người. Mẹ bảo, một công đôi việc.

Bò mẹ như đánh hơi thấy mùi cỏ thài lài, liền đứng dậy, con bê cũng ngoe nguẩy cái đuôi tũn tỡn. Tôi cùng mẹ nhặt những chét lá tiết dê ra cái sàng, rồi thả cỏ cho bò ăn.

Cơm trưa xong, mẹ đem sàng lá tiết dê, bảo tôi nhặt những lá cỏ còn vướng vào, còn mẹ loại bớt những lá già, múc nước giếng đá ong, rửa hai ba nước cho thật sạch cát bụi, ráo nước, mẹ lấy liễn sành da lươn vò nát từng nắm, từng nắm…

Tôi vào bếp đun ấm nước sôi rồi quạt nguội như lời mẹ dặn. Ra nơi đầu hồi nhà hướng Nam, nơi mẹ ngồi vò lá tiết dê, đã thấy nửa liễn nước màu xanh rêu đặc quánh. Mẹ sai lấy bát tô nước sôi để nguội và tiếp tục vắt những nắm lá tiết dê cho kiệt nước. Rửa tay, mẹ xuống bếp tìm cái rây bột vẫn thường dùng rây bột tẻ, bột nếp làm bánh vào những dịp lễ tết. Tôi đưa mẹ bát tô nước sôi nguội, mẹ đổ khoảng hơn nửa vào liễn nước tiết dê đặc, khuấy đều, rồi múc từng muôi đổ vào cái rây bột, lọc hết những vụn lá tiết dê nhỏ ly ti.

Nhìn những dòng nước trong xanh chảy từ cái rây xuống bát tô men trắng tưởng như nó đang rót vào cổ họng mình, mà thấy đã khát. Mẹ bảo, con phải chờ lâu đấy, chưa ăn được đâu. Mẹ mang tô nước tiết dê tìm nơi mát mẻ nhất trong nhà, có chiếc chõng tre, để vào đó, rồi lấy cái rây bột úp lên cho khỏi ruồi muỗi, dặn mọi người nhớ để ý, không kéo lại làm đổ bát nước xanh kỳ công của mẹ…

Tôi cùng đám trẻ hiếu động hàng xóm, thường đá bóng bện bằng lá chuối khô, về đến nhà mồ hôi nhễ nhại, rôm sảy khắp người, ngứa ngáy. Hình như mẹ chỉ chờ tôi về để thưởng cho một bát thạch to, xứng với công sức bỏ ra. Mẹ dùng dao bài cắt thành miếng nhỏ, sai tôi xuống chạn lấy thìa, bát. Mẹ chia đều những miếng “thạch xanh” vào từng bát. Ngày đó, đường mía cũng hiếm, lấy đâu ra đường cát, chỉ những nhà có người là cán bộ, may ra mới có. Cả làng đều dùng mật mía. Thi thoảng nấu nồi chè đỗ đen với mật, nếu ăn bánh sắn khô mà được chấm mật thì sướng biết chừng nào. Mẹ lấy lọ mật mía mua từ chợ Bâm để dùng dần, rót vào từng bát, ai ăn thì người đó trộn đều lên. Biết tôi háo ngọt, mẹ cho thêm một thìa. Thứ mật mía mà trong, mà vàng như mật ong, phủ dày trên thạch xanh, khiến tôi cứ nuốt nước bọt ừng ực... Thật là lạ miệng, khoái khẩu! Vị ngọt của mật, mùi thơm thơm, man mát của những viên thạch vuông vuông cứ thế trôi tuồn tuột xuống làm mát họng. Thạch đến đâu trong bụng cũng cảm thấy mát tới đó, người cứ tỉnh ra, cái ngứa ngáy vì rôm sảy cũng biến mất.

2.Ngày Đại đội pháo cao xạ chúng tôi kéo về bảo vệ sân bay Kép-Bắc Giang, đồng đất trung du, sao mà giống quê tôi đến vậy. Trước công sự của khẩu đội là bờ mương, tôi nhận ra nhiều thứ cây cỏ cũng giống quê hương mình, nhất là dây tiết dê. Tôi là pháo thủ số 3, Thao là pháo thủ số 4, chỗ nằm trong lều bạt cũng gần nhau.

Thao quê ở Ninh Giang, Hải Dương, hằng đêm hai đứa cứ kể chuyện về nơi chôn nhau cắt rốn của mình cho nhau nghe. Quê Thao có cây lá gai, làm nên những chiếc bánh gai nổi tiếng. Còn tôi khoe quê Lập Thạch có thứ đất ăn được, người nơi khác cứ bảo người làng ấy là “dân ăn đất”. Thao ngạc nhiên đến khó tin, cho tôi “kẻ nói phét thành thần”. Không đâu anh ơi, cách nhà tôi khoảng 3 cây số, dốc Chiền đi vào có mỏ đất ngói, dân thường gọi là ngói. Sau khi đào những cục ngói này về, xắt thành miếng nhỏ như lát sắn khô, có thể ăn ngay được, nhưng đem hun khói với lá sim tươi thì ăn vài lần là nghiện.

Còn một thứ nữa, ăn một lần sẽ nhớ đời là thạch tiết dê. Bữa nào đó, không phải phiên trực chiến máy bay, chúng ta sẽ đi kiếm lá tiết dê, mình cũng đã nhìn thấy nó ở bờ cỏ gần đây. Cứ trực chiến mãi thế này biết khi nào mới đi được. Nhưng cơ hội đã tới. Đến phiên khẩu đội tôi vào rừng cắt tranh về làm nhà bếp cho anh nuôi. Trong lúc cắt tranh, tôi chỉ cho Thao dây tiết dê và bảo đồng đội, ngắt được chét nào thì mang đặt lên tàu lá chuối rừng mà tôi đã chuẩn bị.

Về doanh trại, giao những bó tranh cho tiểu đội anh nuôi, cầm gói lá chuối trên tay, anh nuôi trưởng Bé, hỏi có gì của rừng đấy? Lá tiết dê, thế nào rồi cũng phải nhờ đến xoong nồi nhà bếp để đựng “thạch xanh”. Tôi nói úp mở gây sự tò mò cho bếp trưởng…

Chẳng có lúc nào lại nhớ nhà, nhớ mẹ như lúc này, khi tay tôi vò, vắt lá tiết dê, lọc thứ nước xanh ấy đúng như các động tác mẹ đã làm. Bếp trưởng Bé, Thao hau háu nhìn, miệng tủm tỉm, ta sắp được món ngon rồi… Phải chờ hơi lâu đấy nhé, tôi nói vậy rồi tìm góc mát nhất trong nhà bếp để cho tiết dê đông đặc nhanh. Khi ăn phải có nước đường pha đặc chan vào thạch, nếu không sẽ nhạt miệng. Thao và cả khẩu đội thưởng thức bát thạch xanh cứ xuýt xoa, sao mà ngọt mà mát đến thế! Tôi sung sướng vì đã có dịp đãi đồng đội món giải nhiệt lạ miệng từ quê hương mình.

3.Người Việt luôn sống gần gũi, hài hòa với thiên nhiên, ngay từ xa xưa thức uống giải nhiệt hàng ngày đều từ các loại cỏ cây, hoa quả như nước nụ vối, lá vối, nước trà xanh, chè vằng, sang lắm mới có nước mía. Người miền núi còn dùng một số lá, rễ hay thân cây rừng đun lên hãm lấy nước uống. Ở các tỉnh phía Nam, trà đá là phổ thông, rồi nước rau má, nước dừa… Mãi sau này mới có nước ép trái cây. Còn thạch thì từ xa xưa đã có thạch lá găng, thạch rau câu, thạch đen hay còn gọi là sương sáo, được chiết xuất từ cây thạch đen trồng nhiều ở Cao Bằng.

Sau này có thêm thạch lá nếp, được làm từ nước ép của cây lá nếp. Chuyện về nước giải khát bây giờ, bọn trẻ nhà tôi thường nhắc tới những đồ giải khát đang làm chủ ẩm thực đường phố, nào là thạch trân châu 3Q, thạch thủy tinh, thạch phô mai, pudding trà sữa…

Bọn trẻ bảo, thạch thủy tinh trước đây phải nhập từ Đài Loan, nên ăn cốc thạch chịu giá cao, nay chúng con có thể tự tay làm, vì cô giáo đã dạy cách. Nếu vậy thì còn gì bằng. Các cháu làm món ấy thì ông sẽ chiêu đãi món cổ truyền - thạch tiết dê. Sau bữa ăn chính mà được tráng miệng cốc thạch thì cũng đã lắm.

Tôi gọi điện trước về quê cho thằng cháu chuẩn bị ít lá tiết dê. Nó bảo, bây giờ quanh quẩn chỗ nhà mình xưa không còn nhiều thứ lá này, vì bờ vùng bờ thửa, lau, nứa giờ chẳng còn mấy, phải đi lên mạn Kèo Cài mới kiếm được…

Cả gia đình tôi, nhất là các cháu lần đầu đã tìm được hương vị quê nhà qua món thạch tiết dê tráng miệng sau bữa cơm ngày giỗ tổ họ Bùi. Cái thứ giải nhiệt quê mùa đó, giờ được bọn trẻ hiện đại hóa, pha cùng sữa tươi tự nhiên để lạnh, thêm chút mật ong có được từ những đõ ong vườn nhà, hình như không ai tìm thấy sự khiếm khuyết nào của thứ ẩm thực này.

Chỉ có tôi nhắc lại chuyện bát thạch tiết dê xưa và ngầm so sánh, tiết dê xưa có cái thơm ngon, cái thanh mát của nó. Nay thêm các loại sữa tươi có vị thơm ngon hiện đại, vị xưa tôn vị nay và ngược lại, bổ sung cho nhau, một sự kết hợp thật hài hòa. Tất cả đều thi vị, khó quên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bát thạch tiết dê của mẹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO