TAND TP Lạng Sơn vừa đưa ra xét xử vụ án dân sự giữa bà Hoàng Thị Nhị và bị đơn là ông Hoàng Tuấn Kỳ, Bí thư thôn Quảng Liên III, xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn (nguyên cán bộ trường Chính trị tỉnh Lạng Sơn). Sau phiên tòa, dư luận địa phương bất bình về việc phiên tòa có nhiều dấu hiệu bất thường và xét xử trái thẩm quyền.
Bí thư thôn bị tố làm chữ ký giả
Theo nội dung khởi kiện của công dân Hoàng Thị Nhị: Năm 1987, ông Hoàng Tuấn Kỳ (là cán bộ Trường Chính trị tỉnh Lạng Sơn) lợi dụng quen biết với ông Hoàng Văn Thông (bố bà Nhị) nên xin làm nhà ở trên đất do gia đình bà Nhị đang quản lý, sử dụng.
Khi đó, ông Kỳ có nói nếu xin được đất ở trường Đảng sẽ di chuyển đi nơi khác, trả lại đất cho gia đình bà.
Nhưng khi xin được đất ở trường Đảng thì ông Kỳ không trả lại đất. Ông Kỳ giả mạo chữ ký của ông Thông để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Năm 2001, mẹ bà Nhị là Hoàng Thị Nhu đã làm đơn đến UBND xã Quảng Lạc để đề nghị xem xét, giải quyết tranh chấp.
Mặc dù, trong Sổ mục kê đất xã Quảng Lạc năm 2003 (quyển số 01) tại thửa số 226 ghi rõ là “đất tranh chấp”, nhưng không hiểu sao, đến năm 2015 UBND TP Lạng Sơn vẫn tiến hành cấp GCNQSDĐ (thửa đất số 226) cho ông Hoàng Tuấn Kỳ.
Đầu năm 2019, ông Kỳ tiếp tục san ủi, lấn chiếm phần đất vườn của gia đình bà Nhị. Sau đó, bà Nhị đã khởi kiện, yêu cầu ông Kỳ trả lại quyền sử dụng đất là 874,3 m2 đất cho gia đình bà Nhị, hủy GCNQSDĐ số BT728120 cấp ngày 14/02/2015 của UBND TP Lạng Sơn đối với thửa đất mang tên Hoàng Tuấn Kỳ, bà Nông Thị Sáy; buộc ông Kỳ, bà Sáy phải di dời toàn bộ nhà ở, cây cối hoa màu trên diện tích đất tranh chấp.
Theo hồ sơ vụ án, trên tờ Giấy chuyển nhượng đất thổ cư (đề ngày 15/7/1987) do ông Kỳ cung cấp thể hiện ông Hoàng Văn Thông (bố bà Nhị) thống nhất chuyển nhượng 1.100 m2 đất cho ông Kỳ. Giấy chuyển nhượng viết tay, có chữ ký của ông Kỳ, ông Thông mà không có chữ ký của người làm chứng.
Trong quá trình giải quyết vụ án, cho rằng, chữ ký “Thông” ở Giấy chuyển nhượng đất là chữ ký “giả”, gia đình bà Nhị đã làm đơn kiến nghị Công an tỉnh Lạng Sơn và Bộ Quốc phòng giám định chữ ký.
Kết quả, Công an tỉnh Lạng Sơn kết luận chữ ký mang tên “Thông” trên tài liệu cần giám định và chữ ký dạng chữ viết của ông Hoàng Văn Thông trên các tài liệu mẫu không phải do cùng một người ký ra.
Ngày 27/7/2020, Phòng Giám định kỹ thuật Hình sự Bộ Quốc phòng đã tiến hành giám định và đưa ra kết luận: chữ ký dạng “Thông” dưới mục “Người chuyển nhượng” trên Giấy chuyển nhương đất thổ cư đề ngày 15/7/1987 với chữ ký mẫu so sánh ghi của ông Hoàng Văn Thông trên các mẫu tài liệu mẫu là không phải do cùng 1 người ký ra.
TAND TP Lạng Sơn cũng đã có Quyết định trưng cầu giám định gửi Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đề nghị xác định thời điểm ông Thông ký chữ “Thông” dưới mục “người chuyển nhượng” của Giấy chuyển nhượng đất thổ cư đề ngày 15/7/1987 là vào thời gian nào, có cùng thời điểm lập giấy chuyển nhượng không.
Viện Khoa học Hình sự đã từ chối giám định vì cho rằng hiện nay, Viện Khoa học Hình sự chưa giải quyết được các yêu cầu về giám định thời điểm viết trên tài liệu.
Xét xử trái thẩm quyền…?
Vừa qua, TAND TP Lạng Sơn đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Hoàng Tuấn Kỳ cũng thừa nhận, năm 1986 do chưa có nhà ở nên ông đã đến sinh sống trên mảnh đất do ông Hoàng Văn Thông đang quản lý, sử dụng. Năm 1987, ông Kỳ đã chủ động đến nhà ông Thông đặt vấn đề mua đất, hai bên thỏa thuận miệng giá 1.200.000 đồng.
Ngày 15/7/1987, ông Kỳ đem 1 triệu đồng tiền mua đất và Giấy chuyển nhượng đất thổ cư đến nhà ông Hoàng Văn Thông trả tiền và ký Giấy chuyển nhượng, không có người làm chứng.
Tại phiên tòa, mặc dù HĐXX cho rằng, quá trình giải quyết vụ án thực hiện 3 lần giám định chữ ký ông Hoàng Văn Thông, trong đó hai lần khẳng định chữ ký “Thông” trên giấy chuyển nhượng đất và trên mẫu so sánh không phải do cùng một người ký ra, một lần khẳng định chữ ký “Thông” do cùng một người ký ra, như vậy giám định mẫu có mâu thuẫn.
Tuy nhiên, không hiểu sao TAND TP Lạng Sơn vẫn tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hoàng Thị Nhị. Tòa đồng ý cho ông Hoàng Tuấn Kỳ được quyền quản lý, sử dụng diện tích đất 874,3 m2 tại xã Quảng Lạc.
Theo luật sư Hoàng Văn Tùng (Văn phòng Luật sư Trung Hòa, TP Hà Nội), việc TAND TP Lạng Sơn tiến hành giải quyết vụ án và đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về “Tranh chấp quyền sử dụng đất và tháo dỡ, di dời tài sản trên đất, yêu cầu hủy GCNQSDĐ” giữa bà Hoàng Thị Nhị và ông Hoàng Tuấn Kỳ là hoàn toàn trái thẩm quyền đã được quy định tại Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Luật sư Tùng cho rằng, trong vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất này, nguyên đơn là bà Hoàng Thị Nhị có yêu cầu Tòa án hủy quyết định cá biệt của cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ của UBND TP Lạng Sơn cấp thì thẩm quyền giải quyết vụ án phải thuộc TAND cấp tỉnh (TAND tỉnh Lạng Sơn).
Sau khi TAND TP Lạng Sơn thụ lý đơn khởi kiện của bà Nhị với những yêu cầu thuộc thẩm quyền của TAND tỉnh Lạng Sơn thì phải ra quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án lên TAND tỉnh Lạng Sơn giải quyết theo thẩm quyền.