Nằm ở điểm cuối cùng của dải đất Trường Sơn Nam, vườn quốc gia Bù Gia Mập thuộc địa giới hành chính huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) nhưng liền kề và có một phần rừng đệm ở địa bàn tỉnh Đắc Nông.
Nơi đây, với diện tích rộng hàng chục ngàn héc-ta, là một “báu vật” đúng nghĩa, với quần thể rừng nguyên sinh tự nhiên gần như nguyên vẹn từ trăm năm qua cùng một số loài linh trưởng, động vật hoang dã quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, cộng đồng người dân tộc S’tiêng, M’nông sinh sống lâu đời cũng mang đến nét văn hoá đặc sắc, riêng biệt và là kho báu để cho các hoạt động du lịch tìm tới, khai thác.
Nằm vắt mình giữa dải đất Tây Nguyên hùng vĩ và vùng đồi núi thấp miền Đông Nam bộ trù phú, vườn quốc gia Bù Gia Mập mang đầy đủ nét đặc trưng hoang dã bí ẩn của đại ngàn nguyên sinh nhưng cũng chỉ cách trung tâm TPHCM chừng 150 cây số. Sự đa dạng này được thể hiện đầy đủ trong những thảm rừng, hệ sinh thái động thực vật cũng như quần thể suối thác, hồ nước trong rừng.
Chúng tôi bắt đầu khám phá vườn quốc gia Bù Gia Mập bằng cuộc hẹn trước với những người bạn kiểm lâm giữ rừng. Từ thành phố Thủ Đức, thật lạ là chỉ mất vỏn vẹn ba giờ đồng hồ, men theo quốc lộ 13 và 14, chúng tôi đã bắt đầu chạm vào Bù Gia Mập, mảnh đất biên giới mà nhiều người còn tưởng rất xa xôi. Nói đúng hơn là chạm vào màu xanh bạt ngàn, bất tận của Bù Gia Mập. Màu xanh như làm người ta lạc lối bởi nhìn đâu cũng chỉ núi rừng, màu xanh. Ngoài một đoạn ở tỉnh Bình Dương, hầu hết tuyến đường còn lại đều ít người, ít phương tiện. Qua khỏi thị xã Phước Long một đoạn, những địa danh ven đường như Bù Dung, Bù Lim, Bù Gia Phúc, Bù Bưng xen lẫn các địa danh như Đắc U, Đắc Ơ, Đắc Mai… tạo cho người ta cảm giác đang ở dải đất đan xen giữa miền Đông và Tây Nguyên. Mà cũng thật lạ, dải đất Tây Nguyên với độ cao khoảng 1.000 mét so với đồng bằng, nên tất cả các con đường nối với Tây Nguyên đều có các cung đèo lớn. Từ đèo An Khê nối Gia Lai-Phú Yên, đèo Phượng Hoàng, Khánh Lê nối Khánh Hoà-Đắc Lắc, đèo Ngoạn Mục nối Ninh Thuận-Lâm Đồng, đèo Gia Bắc, Đại Linh nối Bình Thuận-Lâm Đồng hay Bảo Lộc nối Đồng Nai - Lâm Đồng. Chỉ duy nhất một con đường từ Bình Phước lên Tây Nguyên lại không có những cung đèo hùng vĩ hiểm trở như thế. Và Bù Gia Mập nằm trọn vẹn như bước đệm dẫn dụ bước chân người từ đồng bằng lên cao nguyên mà không phải chinh phục cung đèo hiểm trở nào. Đó chỉ là những cung đường uốn lượn, thoai thoải xen lẫn vài con đèo nhỏ, quanh co như con dốc lớn. Thực tế, khu vực Bù Gia Mập có độ cao trung bình từ 300 tới 500 mét so với mực nước biển, chỉ một vài ngọn núi quanh vùng Đắc Ơ có độ cao khoảng 700 mét. Trong khi đó, vùng Đắc Nông tiếp giáp Bù Gia Mập có độ cao chừng 1.000 mét. Vì địa hình đặc biệt như vậy nên ban ngày Bù Gia Mập có khí hậu nóng bức của Đông Nam bộ nhưng ban đêm lại chìm vào sương mù lành lạnh của cao nguyên, điều khiến nơi đây càng đặc biệt và thú vị.
Hiện nay, đường 14C hay còn gọi là tỉnh lộ 741 chạy xuyên rừng quốc gia được làm khá đẹp, hai làn xe chạy rất mượt khiến rừng già như gần với con người hơn, không thâm u huyền bí như trước. Nếu như xe gắn máy có thể chạy thoải mái ra vào những trạm gác của kiểm lâm ven đường rừng thì ô-tô đều phải dừng lại, tài xế xuống xe mở cửa cho kiểm lâm kiểm tra nhằm đề phòng kẻ gian “mang của rừng đi”. Tuy nhiên, để khám phá những khu vực rừng già nguyên sinh thì phải có kiểm lâm dẫn đường hoặc một số ít hộ dân làm công tác bảo vệ rừng mới được phép vào. Ở những con lộ đất nhỏ từ đường 14C dẫn vào sâu trong rừng đều có trạm gác để kiểm tra việc đi lại. Tại trạm gác Tre Gai, chúng tôi được các anh kiểm lâm dẫn vào con lộ nhỏ bằng đất. Theo giới thiệu, khu vực này sẽ dẫn tới cánh rừng già trăm tuổi cùng quần thể động vật quý hiếm phong phú. Mùa mưa, đường ẩm ướt nhưng vẫn có thể di chuyển bằng xe gắn máy dễ dàng. Chỉ một vài đoạn có dòng suối chảy chắn ngang đường thì xuống xe lội qua.
Mùa này rừng ẩm thấp và mát mẻ. Càng đi sâu vào rừng, âm thanh của đại ngàn càng nghe rất rõ. Đó là tiếng của những loài vượn hú phía xa xa, như cao như thấp. Thi thoảng có vài con chim bay ngang trước mặt, một vài con chồn nhỏ vụt qua rất nhanh. Tuy nhiên, vì chúng tôi di chuyển bằng xe gắn máy nên rất khó để tận mắt thấy được rõ ràng. Đi khoảng ba cây số, chúng tôi dừng lại để ngắm nhìn những thảm rừng đang sinh sôi mùa mưa. Bên cạnh nhiều tán rừng xanh, rừng màu vàng nhạt và đỏ thẫm đang đâm chồi thay lá cũng hiện ra như một bức tranh. Dưới tán của nhiều cây dây leo, các loại nấm mọc lên từ các gốc cây, thân cây, từ dưới đất nhiều vô kể, chi chít. Các anh kiểm lâm bảo, nấm ở rừng rất nhiều mùa mưa. Kinh nghiệm là nấm nào có màu càng đẹp thì càng không nên ăn. Chỉ ăn những loại nấm có màu nâu, màu xám, màu đen nhìn xấu xí mà thôi. Tự nhiên đôi khi cũng như cuộc đời, những màu sắc đẹp đẽ thường ẩn giấu tai hoạ chết người. Tiếp tục chạy xe gắn máy, chúng tôi gặp thêm mấy con suối nhỏ vắt ngang đường. Mùa mưa nhưng nước suối rất trong bởi thảm lá rừng ở đây rất dày, chắt lọc nhiều tầng khiến dòng nước càng về xuôi càng trong vắt. Ở đây dường như không còn dấu vết của con người. Tiếng vượn hót nhiều và gần hơn nhưng chúng tôi cũng chỉ nhìn được các đám lá cây, cành cây rung rung ở nơi có tiếng hú mà thôi. Những đàn linh trưởng di chuyển rất nhanh và ẩn trong tầng tầng cây rừng khiến mắt thường rất khó thấy. Đi thêm một đoạn đường nữa thì chúng tôi dừng lại để ẩn mình vào núi rừng, quan sát và chờ đợi những loài linh trưởng xuất hiện. Các anh kiểm lâm bảo khu vực này gần tới đồn biên phòng Đắc Nô, giáp với biên giới Campuchia, là nơi mà nhiều loài linh trưởng như khỉ đuôi lợn, khỉ vàng, khỉ mặt chó… và đặc biệt là vọoc chà vá chân đen, loài quý hiếm trong sách đỏ thường xuất hiện ở đây. Theo những người kiểm lâm, khu vực này có thảm rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới rộng lớn nên được coi là “nhà” của nhiều loài linh trưởng. Chúng sinh sống, kiếm thức ăn, tìm bạn tình và ẩn nấp ở đây nhiều năm, với số lượng vài trăm con nên dạn dĩ với con người hơn những nơi khác. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải sử dụng ống nhòm chuyên dụng để có thể quan sát được chúng kỹ hơn vì thảm lá rừng ken dày, chằng chịt. Mặc dù đã từng tới nhiều khu rừng già nhưng có lẽ chưa ở đâu", thế giới động thực vật lại phong phú và nhiều như ở Bù Gia Mập. Nhờ chiếc ống nhóm, chúng tôi có thể ngắm nhìn được rất nhiều loài thú khác nhau thoắt ẩn, thoắt hiện dưới tán lá. Những hình ảnh ấy như món quà thoáng lướt qua nhưng lại vô cùng đặc biệt, không dễ gì bắt gặp lần khác trong đời.
Cũng đặc biệt không kém, trong chuyến xuyên rừng chúng tôi gặp rất nhiều các cây săng, cây sộp, cây tung… những sinh vật có tuổi đời khoảng 250 tới 450 năm ở Bù Gia Mập. Đây đều là các loại cây đặc trưng trong khu vực, hiện đã được ghi nhận trong danh sách Cây Di sản Việt Nam để bảo tồn và phát triển. Đó không chỉ là những sinh vật cao tuổi của rừng mà còn là những viên “kim cương xanh” của đại ngàn, chứa đựng rất nhiều giá trị cho thế hệ hôm nay và mai sau. Dường như, trong một thế giới biến đổi nhanh chóng không phải từng ngày mà hàng giờ, hàng phút như hiện nay, không có gì thích thú bằng việc đi sâu vào rừng xanh, ngắm nhìn, chìm đắm, thoả thuê trong một thế giới mà tay chạm vào sinh vật đã có tuổi đời vài trăm năm như thế. Những gốc cây rừng vằn vện, rễ nổi lên như những chú trăn khổng lồ uốn lượn có tuổi đời vài trăm năm như một lời thách thức với tạo hoá về sự bền bỉ, vĩnh hằng. Đó là không chỉ là vẻ đẹp, là sự trường tồn mà còn là một báu vật đúng nghĩa cần được gìn giữ, bảo vệ và dành cho thế hệ mai sau.
Ngày nay, cũng như nhiều khu vườn quốc gia khác vừa có mục đích bảo vệ rừng, tài nguyên hệ động thực vật vừa kết hợp cho phép mở cửa một số khu vực để tham quan du lịch. Việc mở cửa cho người dân du lịch ngoài việc tạo nguồn thu còn mang tới những ý nghĩa tích cực, tác động sâu sắc tới cộng đồng, nhất là giới trẻ cũng như ý thức bảo vệ rừng trong tương lai. Tại vườn quốc gia Bù Gia Mập, lợi thế là sự đa dạng hiếm có của dải đất trải dài qua nhiều địa tầng, có sự thay đổi đáng kể về khí hậu, hệ động thực vật trong rừng. Đó là lý do nếu du khách dành một vài ngày cuối tuần khám phá vườn quốc gia này có thể cảm nhận rõ ràng. Bởi khi bắt đầu ở cửa rừng, du khách có thể thấy cái nắng nóng “nung người” của biên giới miền Đông đất đỏ nhưng càng đi sâu vào rừng, khí hậu càng mát mẻ hiền hoà. Dù không lạnh như Đà Lạt danh tiếng nhưng vùng đất tiếp giáp Đắc Nông ở khu vực này cũng rất mát mẻ, buổi chiều khí hậu trong rừng không khác gì Tà Đùng, Gia Nghĩa gần đó. Với cư dân địa phương, ban ngày đi ngoài đường thường phải mang theo một chiếc áo khoác dày để lỡ về nhà muộn khi mặt trời lặn có thể mặc vì buổi tối nhiệt độ xuống khá thấp.
Theo những cư dân địa phương, đặc sản mà du khách thích thú khi tới Bù Gia Mập là khám phá suối thác, nhất là khi mùa mưa tới. Suối thác Bù Gia Mập như những mạch máu chằng chịt, lúc sâu thẳm giữa rừng già, lúc lại trườn lên giữa thảo nguyên bằng phẳng như cái eo của người thiếu nữ S’tiêng, M’nông. Suối và thác ở đây không dựng đứng, chảy ầm ào như Tây Nguyên mà êm đềm, len lỏi, nhẹ nhàng quyến luyến. Những người bạn kiểm lâm của tôi bảo không có gì đẹp bằng rừng già lúc mùa mưa. Đây là lúc cả trời đất chuyển mùa. Những loài cây cối hàng trăm năm dường như cũng chuyển mình. Những ai từng gắn bó với rừng nhiều năm cảm nhận rõ nét nhất sự thay đổi này, thậm chí là từng ngày trong rừng. Càng đi sâu vào rừng, sự thay đổi càng rõ nét và dễ nhìn thấy, cảm nhận được. Hiện nay những suối thác như Đắc Mai, Đắc Bô, Đắc Sam, Đắc Rốt… đều là các địa điểm du lịch lý thú của cư dân địa phương và hãng lữ hành. Hầu hết các thác đẹp và cao ở Bù Gia Mập nằm ở dải địa tầng chuyển giao giữa Tây Nguyên và miền Đông nên ngoài thác, suối còn có nhiều các tảng đá lớn được dòng nước bào mòn qua ngàn năm tạo thành quần thể hài hoà.
Đặc biệt hơn nữa, những kiểm lâm ở Bù Gia Mập cho biết hiện nay do nhiều du khách tới tham quan, ở đây cũng mở một số tour ban đêm dành cho du khách đi khám phá rừng và quan sát thú rừng. Đây là một phần của những hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của du khách. Bởi nhiều người hiện thích khám phá các dịch vụ đi bộ trong rừng, cắm trại, tận hưởng cảm giác hoang sơ giữa rừng núi, suối đồi và ngủ qua đêm trong rừng… Dù không phát triển quá rầm rộ như một số vườn quốc gia khác nhưng ở Bù Gia Mập, khá nhiều dịch vụ này được mở ra dành cho du khách trong khu vực rừng trồng và vùng rừng đệm bên ngoài. Xin nói thêm, những vùng rừng này hiện nay vẫn có nhiều cộng đồng người dân tộc, người bản địa sinh sống. Nhiều trong số các hộ dân này hợp tác với vườn quốc gia để cùng giữ rừng có hưởng chế độ lương theo quy định của pháp luật. Việc cho phép và liên kết với chính những cư dân bản địa, những người thường sống dựa vào rừng để giữ rừng là một chính sách đúng đắn và bền vững, hạn chế rất nhiều tình trạng phá rừng bữa bãi hay khai thác trái phép, tận diệt.
Ngoài những thứ quý giá mà thiên nhiên ban tặng và được gìn giữ tới ngày nay, rừng Bù Gia Mập còn có một Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt mang tên VK96, là điểm cuối cùng của Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt VK96 là điểm cuối của đường ống xăng dầu được dẫn từ miền Bắc vào tiếp tế và chi viện cho miền Nam thời gian đó, hiện nằm ở địa giới hành chính của xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, cách đường 14C không xa. Theo những tài liệu lịch sử, đường ống dẫn xăng dầu từ ngoài bắc len lỏi hàng ngàn cây số dọc dãy núi Trường Sơn hùng vĩ sau đó đến rừng Bù Gia Mập với một tổng kho mang tên VK96. Từ tổng kho này, nguồn xăng dầu sau đó được bí mật vận chuyển đi chi viện cho nhiều khu vực do bộ đội ta chiếm giữ ở vùng Bình Phước, Tây Ninh khi đó. Dù chỉ tồn tại một thời gian ngắn vì tháng 4/1975 đất nước hoàn toàn giải phóng, việc vận chuyển xăng dầu không cần bí mật và khó khăn như vậy nhưng Di tích VK96 vẫn mang một ý nghĩa lịch sử to lớn, biểu tượng cho sự sáng tạo, ý chí và quyết tâm chi viện cho miền Nam của bộ đội ta thời gian đó. Hiện ở VK96 vẫn còn dấu tích của 6 hố chôn các bồn chứa xăng dầu với kích cỡ chiều ngang 4-5 mét, dài từ 8-12 mét cùng các đường rãnh sâu 1-2 mét để dẫn xăng dầu. Hiện nay, rất nhiều đoàn khách du lịch cũng lựa chọn tới đây tham quan để biết thêm về một quá khứ hào hùng đầy gian khó và sáng tạo của thế hệ cha ông đi trước.
Chia tay Bù Gia Mập, chia tay những thảm rừng già thâm u, những thảo nguyên chập trùng cỏ thấp, những suối hồ ầm ào… để trở lại thành phố mà cảm giác như vừa bước ra khỏi một bộ phim. Bộ phim về thế giới rừng với những báu vật còn lưu giữ từ hàng ngàn năm qua, dần dần được quay chậm trở lại giúp cho chúng tôi được tận mắt nhìn thấy, tận tay chạm vào để cảm nhận rõ hơn sự quý báu, nguyên sơ tự nhiên.