Diễn ra từ ngày 30/9 đến 5/10, Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc -2020 vừa chính thức khép lại bằng lễ Bế mạc và trao giải, tại Nhà hát Chèo Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định, cuộc thi lần này thực sự là một ngày hội của các nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ dân tộc trên cả nước với sự tham gia của 35 đơn vị với 276 tiết mục cùng sự tham gia của gần 700 nghệ sỹ.
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Cuộc thi của chúng ta đã diễn ra một cách an toàn tuyệt đối và thành công, đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp thêm động lực sáng tạo với các nghệ sỹ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung, nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ dân tộc nói riêng.
Thứ trưởng cũng ghi nhận và biểu dương sáng kiến của Cục Nghệ thuật biểu diễn khi tổ chức thực hiện được việc ghi hình phát trực tiếp tất cả các chương trình, tiết mục của các đơn vị tham gia dự thi trên kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam để đông đảo nghệ sỹ và khán giả cùng thưởng thức. Tính đến ngày cuối cùng của Cuộc thi, Ban Tổ chức đã thống kê được gần 60 nghìn lượt truy cập, một con số thực sự ấn tượng.
Đánh giá chất lượng Cuộc thi, NSND Nguyễn Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Mỗi cuộc thi đều có mục đích, chủ trương nhằm phù hợp thực tế và khuyến khích sự sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Vì vậy đối với các nhà quản lý các đơn vị nghệ thuật, các đạo diễn, chỉ huy dàn dựng cần nghiên cứu kỹ các quy chế, quy định được đưa ra của BTC, xác định rõ, tránh sự hầm lẫn, hoặc sai lầm trong cách đầu tư xây dựng chương trình, tiết mục.
Cuộc thi độc tấu, hoà tấu lần này nhằm phát hiện, ghi nhận và tôn vinh những tài năng cá nhân, những tập thể dàn nhạc dân tộc là những người trực tiếp tham gia biểu diễn nhạc cụ dân tộc trên sân khấu mặc dù để có được mỗi tiết mục hay một phần trình diễn thì đều có sự kết hợp cộng hưởng từ nhiều yếu tố sáng tạo khác mới có thể thành công…
Bên cạnh một số đơn vị đã mạnh dạn khai thác kết hợp nhiều yếu tố kỹ thuật, yếu tố trình diễn khác tạo nên những hiệu quả mạnh mẽ cho phần trình diễn thì vẫn có những đơn vị mới chỉ tận dụng những sản phẩm đã có mà ít đầu tư dàn dựng mới hoặc chưa khai thác phát huy những thế mạnh của nghệ sĩ hoặc phong cách thể hiện mới cho hấp dẫn hơn. Hoặc cũng có những đơn vị lại áp dụng quá liều các nhạc cụ điện tử hoặc sử dụng quá mạnh về cường độ kỹ thuật làm thay đổi tính chất của những cây nhạc cụ dân tộc và làm giảm hiệu quả của phần trình diễn của nghệ sĩ.
Kết quả, BTC đã trao các giải Nhất, Nhì, Ba và các giải thưởng khác cho các tiết mục xuất sắc. Không chỉ đơn thuần để dự thi, sau cuộc thi các tiết mục sẽ được các đoàn tiếp tục mang đi biểu diễn phục vụ công chúng. Tính chất vùng miền trong mỗi tiết mục sẽ giúp công chúng cảm nhận và hiểu hơn về âm nhạc dân tộc, từ đó góp phần giữ gìn, bảo tồn các loại hình âm nhạc truyền thống của địa phương, dân tộc.