Tối 30/9, tại Nhà hát Cao Văn Lầu, thành phố Bạc Liêu, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu tổ chức bế mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc 2023.
Diễn ra từ ngày 23 đến 30/9, trải qua 7 ngày đêm biểu diễn tranh tài, 60 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 30 đơn vị đã mang đến cho khá giả tỉnh Bạc Liêu nói riêng, khán giả các nước nói chung nhiều cảm xúc, cái nhìn đa sắc màu, hàm chứa trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại từ những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của nền nghệ thuật Cải lương Việt Nam.
Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Ca Lê Hồng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi Tài năng Diễn viên Cải lương toàn quốc 2023 chia sẻ: Phần lớn các trích đoạn được chọn trong Cuộc thi đã từng trình diễn thành công trước kia, nay được chọn, biên tập và dàn dựng lại mới hơn; cùng với đó nhiều trích đoạn mới được khai thác, biên tập từ các vở diễn cũng như chuyển thể từ tác phẩm văn học. Các trích đoạn được chọn để các nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn tranh tài trong Cuộc thi lần này tương đối đa dạng về đề tài: Đề tài lịch sử, đề tài cách mạng và đề tài dân gian, xã hội.
Hội đồng Giám khảo Cuộc thi Tài năng Diễn viên Cải lương toàn quốc 2023 đánh giá: Một trong những thành công của Cuộc thi là đã phát hiện ra rất nhiều diễn viên có chất giọng đẹp. Từ giọng thiên phú được rèn luyện có chất giọng sáng vang, có giọng trầm ấm vang khỏe, hào sảng, ngọt ngào, mùi mẫn và được xử lý trong các điệu Bắc, Xuân, Ai, Oán, các bài Lý và đặc biệt cách nói lối dẫn vào vọng cổ điêu luyện rất ấn tượng.
Phát biểu bế mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc 2023, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban Tổ chức đánh giá: Bên cạnh thành công của các trích đoạn và phần ca diễn dự thi được đầu tư công phu cả về kịch bản, dàn dựng, âm nhạc, ánh sáng, trang phục, đạo cụ, kỹ thuật ca diễn nhuần nhiễn, điêu luyện của các nghệ sĩ, diễn viên… cũng vẫn còn một số trích đoạn và phần ca diễn dự thi chưa được đầu tư, quan tâm một cách nghiêm túc.
Từ thực tế Cuộc thi lần này, về phía Cục nghệ thuật biểu diễn sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên của loại hình nghệ thuật Cải lương nói riêng, trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung; đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ, diễn viên tài năng của loại hình nghệ thuật Cải lương truyền thống.
Thông qua Cuộc thi này, ông Trần Hướng Dương đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố, các đơn vị nghệ thuật Cải lương tiếp tục chú trọng và tăng cường đầu tư hơn nữa các cơ chế thích hợp nhằm thu hút, tìm kiếm và đào tạo các tài năng nghệ thuật Cải lương, nhất là các tài năng trẻ.
Ban tổ chức đã trao 7 giải Nhất và 14 giải Nhì. Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam còn tặng Bằng khen cho các nghệ sĩ, diễn viên triển vọng.