Chính trị

Bế mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024

THÀNH LUÂN - QUANG VINH 16/03/2024 20:34

Chiều 16/3, Diễn đàn báo chí toàn quốc trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2024 đã bế mạc sau hai ngày làm việc, với nhiều phiên thảo luận chất lượng cao.


z5255521191837_d69afc9c2968e144dc0b932ecf5c6034.jpg
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại phiên bế mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc chiều 16/3. (Ảnh: Hồng Phúc).

Đến dự Lễ bế mạc có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và đại diện các cơ quan quản lý báo chí, các Bộ ban ngành trung ương và địa phương.

Nhà báo Lê Quốc Minh đánh giá, sau 2 ngày diễn ra, Diễn đàn báo chí toàn quốc đã tổ chức thành công 12 phiên, với nhiều vấn đề trọng yếu của báo chí Việt Nam, cùng sự tham gia của 60 diễn giả, khách mời trong nước và quốc tế, thu hút hàng ngàn tham dự viên.

z5255521195902_362b42f862093212d30ec6b5f26f9bd8(1).jpg
Quang cảnh Lễ bế mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024 vào chiều 16/3 tại TP HCM. (Ảnh: Hồng Phúc).

Tại diễn đàn, rất nhiều tham luận, ý kiến đánh giá, thảo luận tâm huyết từ các nhà báo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu dành cho Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024.

Diễn đàn đã tập trung cao độ vào các vấn đề quan trọng, như: Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; Xây dựng môi trường văn hóa báo chí; Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội; Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI; Phát thanh năng động trong môi trường số; Nâng cao chất lượng phóng sự, phóng sự điều tra; Đầu tư, ứng dụng công nghệ tại các tòa soạn; Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí; Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo; Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số.

z5255522847336_4c3a3b7fcb264e17892ab37f824e021e.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (ngoài cùng bên phải, bàn đầu) tham dự Lễ bế mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024 vào chiều nay, 16/3. (Ảnh: Hồng Phúc).

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, các tham luận, ý kiến của các diễn giả, khách mời và sự tương tác tại các phiên thảo luận đã đóng góp phần làm sáng tỏ những hơn từng chủ đề của diễn đàn.

Từ đó, gợi mở cho các nhà báo, các nhà quản lý báo chí hướng ứng dụng và các giải pháp đổi mới sáng tạo, nâng tầm chiến lược và tính thực tế cho các cơ quan báo chí để chúng ta tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí trong kỷ nguyên số hiện nay.

Đánh giá về chất lượng các phiên thảo luận chuyên đề tại Diễn đàn báo chí toàn quốc năm nay, Nhà báo Lê Quốc Minh dành nhiều ấn tượng và cảm xúc khi chia sẻ về phiên thảo luận với chủ để "Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích" do Nhà báo điều tra Đỗ Doãn Hoàng, Báo điện tử Dân Việt chủ trì.

Phiên thảo luận có sự tham dự tham luận, phát biểu thảo luận của các diễn giả nổi tiếng trong mảng phóng sự điều tra, gồm: Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong; Nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết. Các phóng viên Hồ Trí, Đài Truyền hình Việt Nam; Chu Trung Đức, Đài Tiếng nói Việt Nam; Võ Mạnh Hùng, Báo Điện tử VietnamPlus;...

Chia sẻ tại phiên thảo luận này, Nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết cho biết, thực tế tác nghiệp phóng viên thường xuyên đối diện với rủi ro có thể trở thành tội phạm, trong các tình huống như: không báo cáo cơ quan khi đi tác nghiệp; nhập vai đường dây mua bán hàng hóa pháp luật; tham gia sự kiện có vấn đề; tham gia điều tra kiểu đặc tình của công an;… để làm rõ dấu hiệu, lấy chứng cứ vi phạm của đối tượng;…

Nhà báo Lê Anh Đạt cho rằng, đối với các tình huống kể trên đều có thể bị quy là thúc đẩy phạm tội, hoặc là phạm tội. Đó là những nguy hiểm rình rập nếu tòa soạn và phóng viên không ý thức một cách nghiêm túc ngay từ khi triển khai đề tài.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này tại phiên thảo luận, Nhà báo Lê Anh Đạt hiến kế, khi điều tra nhập vai có dấu hiệu nguy hiểm, liên quan các hành vi vi phạm pháp luật, các tòa soạn nên có kế hoạch và thông báo (tùy mức độ, linh hoạt, sáng tạo) với cơ quan công an, chính quyền địa phương…, để tránh các rủi ro (ví dụ xâm nhập đường dây buôn lậu, buôn bán ma túy, mai dâm, hoặc mua bán hàng hóa trái luật…

Tham luận với chủ đề
Nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết tham gia phiên thảo luận "Phóng sự, điều tra - Hành trình làm điều có ích". (Ảnh: Quang Vinh).

Bên cạnh đó, trong quá trình tác nghiệp nhà báo phải tự bảo vệ mình, tuân thủ các quy định nghề nghiệp, pháp luật để không vượt qua các ranh giới. Để thực hiện các đề tài phóng sự - điều tra đảm bảo an toàn cho nhà báo, các tòa soạn cũng cần phải có cả một hệ thống (lập tổ) chuyên gia cùng thẩm định các chi tiết trong bài điều tra.

Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hiến kế của diễn giả tại phiên thảo luận này, Nhà báo Lê Quốc Minh đúc kết 4 giải pháp và kiến nghị được các đại biểu và diễn giả truyền tải tại phiên thảo luận, bao gồm:

Một là, tiếp tục có chương trình, giáo trình, có đội ngũ nhân sự để đào tạo các phóng viên điều tra ngay từ khi các em còn học đại học.

Hai là, tại các cơ quan báo chí nhất là các cơ quan báo chí lớn, tuỳ điều kiện khôi phục lại nhóm/tổ/phòng ban chuyên về thể loại điều tra. Trên các số báo; giao diện; chương trình của các cơ quan báo chí nên duy trì những chuyên mục, mục, chương trình với tên gọi gắn với thể loại nhằm “giữ lửa” cho thể loại và giữ chân độc giả yêu thích thể loại này đồng thời lôi kéo phát triển các nhóm độc giả mới.

z5251843220181_f39fa39a823b8ad7632a448a9960e955-5d1186d78c05348755940181b27ec1f5.jpg
Trong 2 ngày làm việc (15-16/3), Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024 đã thành công tốt đẹp, với nhiều phiên thảo luận có chất lượng chuyên môn cao. (Ảnh: Quang Vinh).

Ba là, cần có cơ chế chính sách phù hợp về điều kiện làm việc, thu nhập, nhằm khuyến khích những cây viết lĩnh vực này yên tâm công tác, có thu nhập khá, có sự đảm bảo khi gặp rủi ro, sự cố. Cần thiết có thể thành lập “Quỹ phòng ngừa rủi ro”. Cơ quan báo chí ưu tiên đầu tư về công nghệ phương tiện để hỗ trợ các tác phẩm báo chí không chỉ có chất lượng cao mà còn có hình thức hấp dẫn, tiếp cận nhanh nhất đến độc giả.

Bốn là, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu cơ chế, chính sách; đưa ra các kiến nghị để coi người làm báo chí điều tra là những người thi hành công vụ.

Sau Lễ bế mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc vào chiều nay, ngày mai (17/3) Hội Báo toàn quốc năm 2024 cũng sẽ tổ chức Lễ bế mạc trong lần đầu tiên tổ chức tại thành phố mang tên Bác.

Trong khuôn khổ lễ bế mạc, Ban Tổ chức cũng sẽ công bố và trao các giải thưởng, như: "Giải Gian trưng bày xuất sắc"; "Giải Bìa báo Tết ấn tượng"; "Giải Chương trình phát thanh Tết ấn tượng"; "Giải Chương trình truyền hình Tết ấn tượng"; "Giải Giao diện điện tử Tết ấn tượng" và "Giải báo chí dành cho phóng sự xuất sắc về Hội Báo toàn quốc 2024".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bế mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024