Bế tắc tái định cư ở một vùng sạt lở

Nguyễn Chung 16/04/2018 08:30

Sau trận lụt lịch sử tháng 10/2017, các  thôn Đại Đồng, Quảng Phúc và Hiệp Lực thuộc xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng. Hàng trăm hộ dân tại đây đang phải đối mặt với hiểm nguy khi mùa mưa bão về.

Bế tắc tái định cư ở một vùng sạt lở

Tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng tại Xuân Thiên.

Sống trong sợ hãi!

Theo thống kê của chính quyền xã Xuân Thiên: Toàn xã có 110 hộ sống dọc bờ tả sông Chu bị ảnh hưởng bởi sạt lở trong đợt lụt năm 2017. Trong đó có 24 hộ bị sạt lở đến tận chân các công trình dân sinh, 12 hộ thuộc diện phải di dời khẩn cấp.

Qua tiến hành khảo sát cho thấy, nhiều điểm sạt sâu chỉ cách khu dân cư khoảng 20m, một số điểm vẫn đang tiếp tục sạt vì triền sông ở đây là đất cát pha, rất yếu. Dọc bờ sông Chu thuộc ba thôn Đại Đồng, Quảng Phúc và Hiệp Lực có hàng chục điểm sạt lở, có nơi sông đã ăn sâu vào 15m và dài tới 300m.

Ông Cao Văn Thanh, chủ hộ có đất bị sạt lở nhiều nhất nhì xã lo lắng: “Trước đợt lũ cuối năm 2017, nhà tôi còn cách vườn hơn 15m, nay thì bờ sông nằm ngay sát chân tường rồi. Nơi trước đây từng là đất canh tác, trồng cây ăn quả thì giờ đã nằm gọn dưới lòng sông”.

Cùng chung cảnh ngộ như hộ gia đình ông Thanh, gia đình bà Phạm Thị Ban (67 tuổi) thôn Quảng Phúc có nhà bị sạt lở tới tận chân móng. Trước đó, hằng trăm mét vuông đất và công trình phụ đều đã bị cuốn trôi.

Theo bà Ban: Trước đây khoảng vườn phía sau nhà rộng hàng trăm mét vuông, gia đình canh tác hoa màu, trồng nhiều loại cây lâu năm, thế nhưng trong đợt lũ năm ngoái, ruộng vườn cùng cây cối bị nước lũ cuốn trôi hết. “Cũng may mà nhà chưa trôi, chứ trôi thì cũng không biết gia đình ở đâu nữa”- bà Ban thở dài.

“Gia đình tôi luôn sống trong sự lo lắng, bất an! Những đêm mưa gió, tôi không tài nào ngủ được. Gia đình có 8 nhân khẩu nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, chưa có tiền mua đất nơi khác để chuyển đến nên bất đắc dĩ phải sống trong ngôi nhà cũ này.”– bà Ban bày tỏ.

Ông Nguyễn Duy Đào, Chủ tịch UBND xã Xuân Thiên cho biết: Trước năm 2017, trên bờ sông Chu đoạn chảy qua địa phận xã đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở nhưng mức độ chưa nghiêm trọng. Tới mùa mưa lũ hồi tháng 10 năm ngoái thì mức độ sạt lở đã ở mức báo động. Nhiều điểm sạt lở làm hư hại nhà dân, kéo theo các công trình dân sinh và đất đai xuống sông.

Chính quyền xã Xuân Thiên triển khai lực lượng giúp 24 hộ dân ven sông trong khu vực sạt lở nguy hiểm di dời tạm đến những gia đình họ hàng hoặc những hộ khác trên địa bàn xã nhằm bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, sau khi nước sông rút thì các hộ phải trở về nhà mình. “Điều lo lắng nhất hiện nay là chúng tôi chưa thể di dân triệt để. Nếu cứ để thế này, thiệt hại về người có thể xảy đến bất cứ lúc nào”– ông Đào nói.

Tìm hiểu thêm từ phía UBND huyện Thọ Xuân, được biết: Trên chiều dài gần 20km sông Chu, đoạn chảy qua huyện thì đã có tới 9 mỏ, bãi tập kết và khai thác cát được tỉnh Thanh Hóa cấp phép. Việc cấp quyền khai thác cát với mật độ dày đặc đã khiến dòng chảy của con sông bị thay đổi. Đây cũng được xem là một trong những nguyên chính gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc theo tuyến sông này trong suốt thời gian qua.

Cần di dời khẩn cấp

Thực tế cho thấy, đoạn sông Chu chảy qua địa bàn huyện Thọ Xuân cũng như xã Xuân Thiên không hề có bờ kè. Trong khi đó, dọc tuyến sông này có hàng trăm nhà dân ở san sát ven sông từ nhiều đời nay. Phần diện tích đất bị sạt xuống sông phần lớn là đất thổ cư hoặc đất vườn của các hộ.

Thống kê của UBND xã Xuân Thiên cho thấy số hộ sát sông bị ảnh hưởng thuộc các thôn Hiệp Lực, Đại Đồng và Quảng Phúc cần được tái định cư là 25 hộ, với tổng số 90 nhân khẩu, trong đó 12 hộ với gần 50 nhân khẩu trong diện cần phải di dời khẩn cấp trước mùa mưa bão sắp tới.

Ông Nguyễn Duy Đào - Chủ tịch UBND xã Xuân Thiên cho biết: Trước thực trạng trên, xã cũng đã có tờ trình gửi lên UBND huyện Thọ Xuân cũng như các ban ngành liên quan tìm phương án giúp địa phương về cơ chế, quy hoạch, cắt đất tái định cư, hỗ trợ di dời đối với các hộ trong vùng nguy hiểm. Thực tế, nhiều gia đình có thu nhập thấp, nếu được chuyển đi cũng không đủ tiền xây dựng nhà mới, nên rất cần có sự hỗ trợ, chung tay ủng hộ của các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân.

Trong 12 hộ dân cần được di dời khẩn cấp, có 2 hộ làm nghề chài lưới nên có nguyện vọng được xen cư tại chỗ. Những hộ còn lại, xã đã đưa ra phương án cho tái định cư ở khu vực Đồng Cổ trên địa bàn xã. “Tuy nhiên, đó mới chỉ là phương án do xã đề xuất. Cái khó nhất hiện nay là toàn bộ kinh phí, chủ trương, việc cấp đất, xây dựng khu tái định cư đều vượt tầm của UBND xã Xuân Thiên và UBND huyện Thọ Xuân”- ông Đào nói.

Về hướng giải quyết cho các hộ dân nằm trong diện phải di dời tại Xuân Thiên, ông Lê Đình Hải – Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: Để giải quyết những vấn đề tại Xuân Thiên, ngoài phương án di dân, huyện cũng đã tính đến phương án làm bờ kè để chống sạt lở. Tuy nhiên phương án này dường như thiếu khả thi vì số vốn phục vụ dự án rất lớn, quá sức của huyện. Huyện cũng đã chuẩn bị mặt bằng tái định cư để di dân khỏi vùng ảnh hưởng do sạt lở nhưng qua 2 lần gặp gỡ đối thoại, vận động vẫn chưa tìm được tiếng nói đồng thuận từ phía người dân.

“Để di dời về nơi ở mới, mỗi hộ dân phải đóng khoảng hơn 60 triệu đồng cho một suất đất ở rộng từ 120-150m2 nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, bà con muốn được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền đất ở. Thực tế, chúng tôi cũng rất muốn làm điều này để sớm ổn định đời sống cho người dân nhưng, làm như vậy là trái với quy định của Nhà nước. Rất khó!”– ông Hải chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bế tắc tái định cư ở một vùng sạt lở