Các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo bệnh “siêu sốt rét” tại Đông Nam Á trong thời gian gần đây có thể lan tới cả châu Phi.
Sốt rét bắt nguồn từ ký sinh trùng do muỗi truyền sang người.
Dạng nguy hiểm của nó xuất hiện đầu tiên ở Campuchia nhưng sau đó đã lan sang các khu vực khác bao gồm Thái Lan, Lào và miền Nam Việt Nam.
Đội ngũ các nhà khoa học tại Cơ quan Nghiên cứu Y học Nhiệt đới Oxford ở Bangkok (Thái Lan) nhận định rằng mối nguy hiểm thực sự đã xảy ra khi loại siêu sốt rét này không thể chữa khỏi.
Giáo sư Arjen Dondorp của Cơ quan này nói: “Chúng tôi cho rằng đây là mối đe dọa nguy hiểm. Điều đáng quan tâm là chiều hướng này đang lan nhanh qua toàn khu vực và chúng tôi quan ngại chúng có thể lan tới cả châu Phi”.
Có khoảng 212 triệu người mắc sốt rét mỗi năm. Muỗi có chứa loài ký sinh trùng gây sốt rét là nguyên nhân chính gây bệnh. Lựa chọn hàng đầu cho điều trị sốt rét hiện nay là artemisinin kết hợp cùng piperaquine.
Tuy nhiên, artemisinin đang dần trở nên thiếu hiệu quả trong khi loài ký sinh trùng gây sốt rét đã phát triển khả năng kháng piperaquine. Giáo sư Dondorp cho biết việc điều trị sốt rét tại Campuchia đã vấp phải thách thức 60% thất bại.
Theo Giáo sư Dondorp, ở Việt Nam, tỉ lệ kháng thuốc là khoảng 1/3. Việc kháng thuốc như trên sẽ thật sự nguy hiểm ở các quốc gia châu Phi, nơi tỉ lệ mắc sốt rét lên đến 92%.
Giáo sư Dondorp khẳng định: “Đây là cuộc đua với thời gian, chúng ta phải loại bỏ chúng trước khi sốt rét biến thành căn bệnh không có thuốc điều trị và gây ra nhiều cái chết”.
Ông Michael Chew thuộc Tổ chức Thiện nguyện Nghiên cứu y học Wellcome Trust cho biết: “Việc lan rộng của siêu ký sinh trùng gây sốt rét kháng thuốc là đáng báo động và liên quan tới y tế công cộng toàn cầu. Khoảng 70.000 người sẽ tử vong mỗi năm do nhiễm những virus, ký sinh trùng kháng thuốc, trong đó bao gồm cả sốt rét. Nếu không có động thái nào, đến năm 2050 con số này có thể tăng lên hàng triệu người”.