Bệnh thời đại dịch

Thế Tuấn 11/04/2021 14:49

Giới nghiên cứu cho rằng, không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng triệu con người, dịch Covid-19 còn gây ra những rối loạn tâm thần kéo dài, kể ca sau khi thế giới đã đẩy lùi được đại dịch.

Càng ngày, trên truyền thông quốc tế, những từ như “lo lắng,” “căng thẳng,” “bất lực,” “cô độc”, “áp lực gia tăng” xuất hiện ngày càng nhiều. Người ta cho rằng những vết sẹo tinh thần do Covid-19 gây ra tới thời điểm này đã âm thầm xuất hiện ở hơn 13 triệu người. Trong đó, có những nạn nhân không thể thoát ra hoặc không thể lấy lại cảm giác bình thường. Có người đã tìm đến cái chết.

Covid-19 làm thần kinh căng thẳng, dễ dẫn tới những sang chấn tâm lý.

Mới đây, Viện Y tế toàn cầu của Tây Ban Nha (ISGlobal) cảnh báo rằng các vấn đề sức khỏe tâm thần do dịch Covid-19 gây ra sẽ là đại dịch tiếp theo. Còn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, sợ hãi, lo lắng và áp lực là những phản ứng của con người trước những mối đe dọa thực tiễn.

Việc con người cảm thấy lo lắng trong đại dịch Covid-19 là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, đại dịch kéo dài và luôn rình rập đã vượt quá mức bình thường, bởi bên cạnh cảm giác lo sợ mắc bệnh, nguy cơ và nỗi đau mất đi người thân, con người phải đối mặt, thậm chí dần nhận ra họ sẽ phải sống chung với những thay đổi đột ngột trong cuộc sống hằng ngày, bất kể khi nào.

Điều đó tác động nặng nề nhất lên phụ nữ và trẻ em. Với phụ nữ, họ phải đối mặt với việc giảm thu nhập của gia đình, phải tìm cách thích nghi với làm việc tại nhà hoặc nghỉ việc, đồng thời phải vật lộn với việc chăm sóc, dạy con học tại nhà mà không được trang bị kỹ năng sư phạm.

Đã vậy, bạo lực trong gia đình tăng lên khi người chồng cảm thấy bất lực, vùi đầu vào những cơn say liên miên. Còn với trẻ em, việc học trực tuyến cũng chỉ là giải pháp tình thế. Chúng ít được giao tiếp với bạn bè, không gian sống chủ yếu là trên mạng. Từ đó, lũ trẻ thu mình lại, càng xa cha mẹ hơn. Bệnh trầm cảm do đó mà phát tác.

Khi dịch Covid-19 mới bùng phát, thực hiện phong tỏa, giãn cách; nhiều người cho rằng mặt tích cực của nó là giúp con người sống chậm lại, suy ngẫm về bản thân, gia đình, bạn bè và xã hội tốt hơn. Nhưng rồi, dịch kéo quá dài thì mặt tích cực đó đã bị những vấn đề tiêu cực chèn lấn. Những bằng chứng khoa học chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động rất xấu tới sức khỏe tâm thần, làn sóng gia tăng áp lực tinh thần phủ bóng toàn cầu.

Một nghiên cứu thực hiện tháng 12/2020 của Cơ quan Thống kê dân số Mỹ, cho thấy 42% dân số nước này có biểu hiện lo âu hoặc thấy áp lực, tăng mạnh so với con số 11% ghi nhận trước đó một năm khi đại dịch chưa bùng phát.

Động viên, an ủi và sẻ chia là điều cần thiết để xoa dịu thần kinh trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: AFP.

Khảo sát của WHO cho thấy, đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Mất mát, cô lập, mất thu nhập và nỗi sợ hãi bệnh tật, chết chóc làm gia tăng các vấn đề về tâm thần hoặc làm trầm trọng thêm những tình trạng hiện có. Trong khi đó, bản thân Covid-19 có thể dẫn đến các biến chứng thần kinh và tâm thần, chẳng hạn như mê sảng, kích động và đột quỵ. Những người có sẵn các rối loạn về tâm thần, thần kinh hoặc sử dụng chất kích thích cũng dễ bị nhiễm SARS-CoV-2 hơn, họ có thể có nguy cơ cao bị các kết cục nghiêm trọng và thậm chí tử vong. Một trong những ưu tiên của năm 2021 mà WHO đề ra là ngăn ngừa và điều trị bệnh không lây nhiễm và các tình trạng sức khỏe tâm thần. WHO nhấn mạnh: Chúng ta cũng đã thấy tác động tàn phá của đại dịch, mất an ninh kinh tế, nỗi sợ hãi và sự chênh vênh của sức khỏe tâm thần của mọi người. Chúng ta cần hỗ trợ các nỗ lực mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cộng đồng.

Theo Tiến sĩ Erika Saunders, Chủ nhiệm Khoa Sức khỏe tâm thần và hành vi của Trung tâm Y tế Milton S. Hershey, bang Pennsylvania (Mỹ), thì nhìn chung các cấp độ lo âu, căng thẳng đều gia tăng trước những thay đổi về môi trường làm việc, giáo dục, trong khi nhu cầu điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần và hành vi, các trường hợp rối loạn tâm thần mức độ nặng đều tăng trong năm 2020. Số người mắc chứng mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng, ngủ không ngon giấc, cảm thấy áp lực hoặc vô vọng, mất tập trung, lo âu và mất thăng bằng, không ngừng lo lắng hoặc rất khó để tìm được cảm giác thư giãn tăng ít nhất 25% trong đại dịch. Đáng chú ý, trong khi đó các vụ sử dụng rượu và cần sa cũng tăng mạnh, đặc biệt là trong thời gian phong tỏa.

Báo Medical News Today của Anh dẫn một nghiên cứu cho rằng số người có cảm giác bất an tăng 25% trong thời gian phong tỏa. Tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm tại nước này cũng tăng gần gấp đôi trong đại dịch Covid-19.

Giới y tế Mỹ cho rằng, với người mắc Covid-19, cứ 3 bệnh nhân bình phục thì có 1 người bị chẩn đoán mắc các rối loạn chức năng não hoặc tâm thần học, kéo dài trong vòng 6 tháng, thay vì 3 tháng như trước.

Đáng nói là những người mắc bệnh tâm thần lại ít có cơ hội được gặp những chuyên gia hỗ trợ tâm lý, vì “bây giờ gặp nhau là điều nên tránh nếu bạn không muốn trở thành bệnh nhân Covid-19”.

Nghiên cứu của WHO tại 130 quốc gia chỉ ra rằng hơn 60% các quốc gia có tình trạng gián đoạn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhóm người dễ tổn thương, như trẻ em và trẻ vị thành niên, phụ nữ và người lớn tuổi. Cũng từ việc không được điều trị nên bệnh tình ngày một nặng hơn, đẩy nhiều người tới chỗ tự tìm cách tự xoa dịu bản thân nhờ rượu, chất kích thích…

Chưa hết, đối với những người trực tiếp chống dịch, cũng xuất hiện hậu chấn tâm lý khi ngày ngày phải tiếp xúc gần với các ca bệnh nặng và tử vong và sống trong nỗi lo sợ thường trực bị lây nhiễm. Một nghiên cứu cho rằng trong 4 nhân viên y tế lại có 1 người phải vật lộn với chứng trầm cảm và lo lắng trong bối cảnh dịch bệnh. 3 người thì có 1 người mắc chứng mất ngủ.

Trong những ngày dịch bùng phát ở Italy, người ta nhận thấy 7/10 số nhân viên y tế tại các tâm dịch rơi vào tình trạng kiệt sức, 9/10 trong số họ có những triệu chứng như cáu kỉnh, mất ngủ, gặp ác mộng và suy sụp tinh thần.

Cũng ít người biết rằng, kể cả trước đại dịch thì lo lắng và áp lực đã khiến sản lượng kinh tế Mỹ giảm khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm, và mỗi 1 USD đầu tư cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần sẽ mang lại lợi ích tương đương 5 USD. Nhà tâm lý học lâm sàng Luana Marques (Đại học Y Havard ở Boston), cho rằng tình trạng sức khỏe tâm thần của người dân sẽ không thể sớm trở lại mức thông thường ngay sau đại dịch và điều đó cũng sẽ tác động rất lớn tới việc tăng trưởng kinh tế nói chung.

Vẫn theo TS Erika Saunders, sức khỏe tâm thần sẽ gây chấn thương lớn với toàn xã hội và cả thế giới nói chung ở nhiều cấp độ, với những tác động lâu dài mà thế giới sẽ vẫn có thể cảm nhận rất lâu sau khi đại dịch qua đi.

“Thật đáng lo ngại khi các nghiên cứu đều chỉ ra rằng nhóm những người trẻ, tương lai của xã hội, lại là nhóm có nguy cơ cao hơn bị suy giảm sức khỏe tâm thần do tác động của đại dịch”- theo TS Saunders. Tương tự, một nghiên cứu với 50.000 người tham gia, công bố trên Tạp chí Journal of Psychiatry (Canada), cho thấy tình trạng lo âu xuất hiện ở 36% số người thuộc nhóm từ 15-34 tuổi, trong khi tỷ lệ này ở nhóm từ 35-54 tuổi và ở nhóm trên 55 tuổi giảm dần, lần lượt là 27,1% và 14,5%.

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, một trạng thái sức khỏe tinh thần tốt là nền tảng cơ bản để có một sức khỏe tổng thể ổn định và cuộc sống khỏe mạnh. Vì thế, WHO đã chọn chủ đề “Vì một thế giới công bằng hơn, khỏe mạnh hơn” cho Ngày Y tế thế giới 7/4 năm nay, với thông điệp đại dịch càng kéo dài, bất bình đẳng về y tế càng lộ rõ. Khắc phục tình trạng này chính là một trong những yếu tố giúp thế giới vượt qua những rối loạn tâm thần do Covid-19.

Các chuyên gia y tế đang nghiên cứu để hiểu thêm về một hội chứng mà họ gọi là “Covid kéo dài” trong số các bệnh nhân có nhiều triệu chứng liên quan dù đã được điều trị khỏi Covid-19 nhiều tháng. Tiến sĩ Alfonso Hernandez-Romieu, thành viên của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) nói rằng: “Những người có hội chứng Covid kéo dài thường có biểu hiện mệt mỏi nặng nề dai dẳng, đau đầu và sương mù não (được định nghĩa là triệu chứng suy giảm nhận thức chủ quan nhẹ), khoảng bốn tuần sau khi bị bệnh cấp tính”. Còn theo Tiến sĩ Allison Navis - Trường ĐH Y Icahn ở Mount Sinai thì một trong những triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng Covid kéo dài được gọi là “sương mù não”. Thông thường, đó là các biểu hiện về mất trí nhớ ngắn hạn, giảm khả năng tập trung hoặc khó khăn khi tìm từ ngữ diễn đạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh thời đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO