Khi nói đến siêu du thuyền, kích thước là một yếu tố vô cùng quan trọng để đánh giá. Hiện nay, danh hiệu siêu du thuyền lớn nhất thế giới đang thuộc về một con thuyền dài 180 m và trong tương lai, một chiếc siêu du thuyền dài hơn 200 m sẽ có thể trở thành hiện thực.
Con tàu El Mahrousa đã từng giữ danh hiệu du thuyền lớn nhất thế giới trong hơn một thế kỷ. Nhưng danh hiệu đó đã được “đổi chủ” thường xuyên hơn trong những năm sau đó khi ngày càng có nhiều du thuyền siêu lớn xuất hiện trên thị trường.
Trong khi nhu cầu về du thuyền lớn tăng đều đặn trong vài thập kỷ qua, doanh số bán hàng đã tăng đáng kể kể từ năm 2019 do số lượng tỷ phú nổi lên ngày càng nhiều cũng như tác động của đại dịch.
Nhiều du thuyền lớn nhất trên mặt nước được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Lurssen, thuộc sở hữu của công ty có 8 nhà máy đóng tàu trên khắp miền Bắc nước Đức.
Ông Michael Breman, Giám đốc Kinh doanh của Lurssen, cho biết: "Mỗi chiếc du thuyền lớn mà bạn thấy xuất phát từ xưởng đóng tàu của chúng tôi là kết quả của quá trình thảo luận rất cẩn thận và tỉ mỉ với các nhà thiết kế, chủ sở hữu và cố vấn để đảm bảo rằng nó đáp ứng mong muốn của chủ sở hữu".
Du thuyền lớn nhất thế giới hiện tại có chiều dài 180 mét và một chiếc dài 183 mét sẽ được giao vào năm 2024. Ông Stirling nhấn mạnh, sẽ đến một thời điểm mà siêu du thuyền "không thể phát triển thêm nữa", nhưng ông tin rằng, chúng ta sắp thấy một siêu du thuyền dài hơn 200 mét.
Từ những chiếc du thuyền lớn thuộc sở hữu tư nhân, đến những chiếc chuyên để cho thuê và thậm chí cả những chiếc tàu vẫn đang được thi công, cùng điểm qua 10 siêu du thuyền lớn nhất trên thế giới.
Azzam
Azzam là con thuyền dài 180 m giữ kỷ lục siêu du thuyền thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất thế giới kể từ năm 2013. Tuy nhiên, ban đầu, nó chỉ dài 145 m.
Siêu du thuyền này do Công ty Lurssen đóng với sự điều hành của kỹ sư Mubarak Saad al Ahbabi. Du thuyền Azzam, với chi phí sản xuất ước tính khoảng 600 triệu USD, ngày càng dài ra trong quá trình tối ưu hóa.
Với sức chứa lên đến 36 khách và ít nhất 80 thành viên phi hành đoàn, nó được trang bị phòng tập thể dục trên tàu cũng như phòng tập golf.
Kiểu dáng bên ngoài của siêu du thuyền là tác phẩm của Nauta Design và người sáng lập hãng phim Mario Pedol. Không giống như các tàu có kích thước tương tự, Azzam chỉ đạt tốc độ đạt tới 31,5 hải lý/giờ.
Eclipse
Khi Eclipse được hạ thủy tại nhà máy đóng tàu Blohm + Voss Hamburg vào năm 2010, nó là du thuyền tư nhân lớn nhất thế giới.
Nhưng con thuyền dài 162,5 mét đã bị Azzam làm lu mờ vài năm sau đó. Cùng với đó, việc bàn giao chiếc Fulk Al Salamah dài 164 mét vào năm 2016 đã khiến nó tụt xuống sâu hơn nữa trong bảng xếp hạng các du thuyền lớn nhất. Tuy nhiên, Eclipse vẫn là một trong những siêu du thuyền lớn nhất và ấn tượng nhất từng xuất hiện trên mặt biển.
Eclipse thuộc sở hữu của tỷ phú người Nga Roman Abramovich, được trang bị 4 động cơ diesel MTU và có tốc độ tối đa 25 hải lý/giờ và tốc độ hành trình 22 hải lý/giờ.
Eclipse được trang bị 18 cabin dành cho hành khách và hai sân đỗ trực thăng, tàu có thể chứa tối đa 36 khách và 66 thành viên thủy thủ đoàn cùng một lúc. Các tính năng nổi bật khác của nó bao gồm một hồ bơi 16 m có thể biến thành một sàn nhảy.
Dilbar
Dilbar có thể không phải là du thuyền dài nhất thế giới, nhưng nó chắc chắn là du thuyền lớn nhất tính theo thể tích bên trong, với tổng tải trọng là 16.000 tấn.
Được đặt theo tên người mẹ quá cố của chủ sở hữu, tỷ phú người Uzbekistan Alisher Usmanov, con tàu dài 156 m do kiến trúc sư hải quân Espen Oino thiết kế và được Lurssen chuyển giao vào năm 2016.
Vỏ của con tàu được làm bằng thép và cấu trúc boong bằng nhôm, Dilbar có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 22,5 hải lý/giờ và được trang bị bể bơi dài 25 m, bể bơi lớn nhất từng được lắp đặt trên siêu du thuyền.
Tàu có không gian chứa tối đa 24 khách và khoảng 100 thành viên phi hành đoàn. Ngoài ra, con tàu còn có một khu vườn rộng, cùng với hai sân đáp trực thăng.
Siêu du thuyền được trang bị động cơ hybrid điện-diesel, giúp giảm lượng khí thải đồng thời cung cấp tốc độ tối đa 22,5 hải lý/giờ.
Ông Breman nói: “Một trong những điều chúng tôi cảm nhận được là các khách hàng rất nhạy cảm về cách chúng tôi có thể cải thiện tính bền vững với môi trường của sản phẩm. Chúng tôi hy vọng rằng trong 10 đến 15 năm tới, chúng tôi sẽ có thể cung cấp một chiếc du thuyền không phát thải. Chúng tôi coi đó là một bước đi tích cực", ông Breman nói.
El Mahrousa
Với kích thước 145,72 m, du thuyền của Tổng thống Ai Cập được hạ thủy vào năm 1865 bởi xưởng đóng tàu Samuda Brothers.
Mặc dù nó đã mất danh hiệu du thuyền lớn nhất thế giới vào tay du thuyền Hoàng tử Abdulaziz dài 147 m vào những năm 1980 và ngày càng tụt xuống dưới danh sách trong những năm sau đó, El Mahrousa vẫn là một con tàu quan trọng trong thế giới du thuyền do tính lịch sử phong phú của nó.
Được thiết kế bởi kiến trúc sư hải quân người Anh Oliver Lang, người cũng đã sáng chế ra du thuyền hơi nước Victoria & Albert II của Nữ hoàng Victoria, El Mahrousa ban đầu được xây dựng cho Khedive Ismail, Thống đốc Ottoman của Ai Cập.
Du thuyền năm tầng trở thành con tàu đầu tiên đi qua kênh đào Suez vào năm 1869 và sau đó trở thành tàu huấn luyện hải quân cho chính phủ Ai Cập. Nó được hỗ trợ bởi 3 tuabin hơi nước Parsons, đây là siêu du thuyền còn hoạt động lâu đời nhất trên thế giới và có thể đạt tốc độ tối đa 16 hải lý/giờ.
Flying Fox
Một chiếc tàu khác cũng do Lurssen chế tạo, Flying Fox có chiều dài 136 m và là tàu cho thuê lớn nhất trên thế giới. Mặc dù điều này có nghĩa là bạn không cần phải sở hữu mới có thể trải nghiệm cảm giác thư thái trên tàu, nhưng những người muốn thuê siêu du thuyền sang trọng này phải chi tối thiểu 3 triệu euro (3,5 triệu USD)/tuần.
Trên thực tế, một phát ngôn viên của Imperial Yachts, công ty môi giới du thuyền quản lý Flying Fox và cũng là người giám sát việc xây dựng con thuyền, trả lời CNN Travel rằng, nhu cầu đã tăng lên trong năm ngoái, thời gian thuê tàu thường kéo dài hơn bảy ngày.
Được tạo thành từ sáu boong, Flying Fox có thể chứa tối đa 36 thành viên thủy thủ đoàn và 25 khách qua đêm, những người sẽ có thể tận dụng trung tâm lặn nghệ thuật hiện đại, cũng như spa rộng 400 mét vuông, được trang bị một phòng xông hơi khô, lạnh.
Ông Breman nói: “Trong 10 đến 15 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự dịch chuyển của các dịch vụ như spa và thể dục thể thao từ trên cạn xuống thuyền. "Một số spa mà chúng tôi đặt trên thuyền rất đặc biệt".
Cặp đôi nổi tiếng Beyonce và Jay Z đã xuất hiện trên chiếc siêu du thuyền có tốc độ tối đa 20 hải lý/giờ và tốc độ hành trình 15 hải lý này vào đầu năm nay.
Sailing Yacht A
Sailing Yacht A là một trong số những siêu du thuyền quan trọng của nhà thiết kế tài ba Philippe Starck và được cho là có chi phí sản xuất hơn 400 triệu USD.
Con thuyền được nhà sản xuất Nobiskrug của Đức lắp ráp, có động cơ hỗ trợ cột buồm. Du thuyền có chiều dài 143 m được trang bị hai động cơ, cho tốc độ tối đa 21 hải lý/giờ. Thuyền bao gồm tám boong, con tàu tương lai có thể chứa tối đa 14 khách và 37 thành viên thủy thủ đoàn.
Trong khi các chi tiết liên quan đến các tiện nghi của nó phần lớn được giữ kín, Sailing Yacht A được đồn đại sẽ được trang bị một khoang quan sát bằng kính, cùng sân đsap trực thăng và tàu ngầm loại nhỏ.
“Ra đời từ mong muốn của chủ sở hữu là vượt qua ranh giới của kỹ thuật và thách thức hiện trạng của ngành, Sailing Yacht A chắc chắn là một trong những dự án có tầm nhìn xa nhất mà Nobiskrug từng tham gia", ông Holger Kahl, Giám đốc Điều hành của Nobiskrug, cho biết vào thời điểm ra mắt hồi năm 2017.
Dubai
Dubai là du thuyền lớn nhất thế giới tính theo khối lượng tại thời điểm nó được đóng, Dubai ban đầu thuộc sở hữu của Hoàng tử Jefri Bolkiah của Brunei.
Tuy nhiên, dự án đầy tham vọng, có tổng trọng tải 12.488 đã được thông qua trong quá trình xây dựng trước khi được Hoàng tử Sheik Mohammed bin Rashid al-Maktoum của Dubai sở hữu.
Siêu du thuyền dài 162 m do nhà thiết kế Andrew Winch của Winch Design thiết kế, được chế tạo bởi Platinum Yachts ở Dubai với chi phí ước tính khoảng 400 triệu USD.
Tàu Dubai chứa mọi thứ, từ vũ trường, đến rạp chiếu phim, cùng với một tàu ngầm và một bể tôm hùm trên tám boong tàu. Nó có bốn động cơ diesel MTU-20V có thể đạt tốc độ tối đa ít nhất 25 hải lý/giờ.
Nord
Được giao hàng bởi Lurssen vào năm 2021, Nord là một trong những siêu du thuyền mới nhất và lớn nhất trên mặt nước.
Trước đây, Nord được gọi là Dự án Opus, siêu du thuyền dài 142 m, có vỏ bằng thép và cấu trúc bên trong bằng nhôm, do studio thiết kế của Ý Nuvolari Lenard đảm nhận.
Trước khi mô tả con tàu là "một tàu chiến mặc lễ phục", ông Dan Lennard từ Nuvolari-Lenard cho biết, "Nord được thiết kế với một ý tưởng rằng gây cảm xúc mạnh mẽ cho mọi người khi nhìn thấy, không chỉ thông qua kích thước tuyệt đối, mà còn với chính thiết kế bên ngoài. Dù bạn có thích thiết kế của nó hay không, nó vẫn tấn công thị giác của bạn. Trước hết, Nord là một con tàu đúng nghĩa, nhưng nó cũng vượt qua “ngôn ngữ truyền thống” của một du thuyền".
Được trang bị bốn động cơ, Nord có tốc độ tối đa khoảng 20 hải lý/giờ và tổng tải trọng là 10.154 tấn. Nord bao gồm sáu boong và có thể chứa tối đa 36 khách trong 20 cabin, với các tiện nghi như câu lạc bộ bãi biển, cũng như spa và hai sân bay trực thăng trên tàu.
REV
Được phát triển bởi REV (Research Expedition Vessel) Ocean, một tổ chức phi lợi nhuận do tỷ phú Na Uy Kjell Inge Rokke thành lập, REV là một siêu du thuyền hoàn toàn khác.
Con tàu thám hiểm dài 183 m hiện đang được đóng tại nhà máy đóng tàu VARD của Na Uy dự kiến giao hàng vào năm 2024. REV được thiết kế bởi kiến trúc sư hải quân Espen Oino, trang bị động cơ hybrid siêu êm và sẽ có tốc độ tối đa 17 hải lý/giờ. Sau khi hạ thủy, về mặt kỹ thuật, nó sẽ tiếp quản danh hiệu của tàu Azzam với tư cách là siêu du thuyền lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh luận về việc liệu REV có thể được xếp vào loại siêu du thuyền hay không vì mục đích chính của nó là nghiên cứu các đại dương trên thế giới, mặc dù nó sẽ sẵn sàng để cho thuê cho các mục đích giải trí và thám hiểm.
Với sức chứa 28 khách trong 18 cabin, con tàu được đóng bằng vỏ thép và cấu trúc thượng tầng bằng nhôm và có tổng trọng tải là 17.440 tấn.
Dự án Y910
Không giống như nhiều siêu du thuyền khác, Dự án Y910 vẫn đang trong quá trình thi công. Nhưng dự án du thuyền dài 120 m này hiện đang được bán đấu giá, nó có thể gia nhập hàng ngũ là một trong những siêu du thuyền lớn nhất thế giới trong vòng hai năm tới nếu sớm tìm được khách.
Ban đầu được chế tạo bởi nhà máy đóng tàu Stocznia Gdynia của Ba Lan, Dự án Y910 được hạ thủy như một con tàu chở khách dài 90 m mang tên Vladimir Chivilikhin vào năm 1990, hoạt động như một tàu thương mại trong gần một thập kỷ trước khi nó được tái trang bị và mở rộng. Tuy nhiên, dự án sau đó bị đình trệ và vẫn còn dang dở.
Dự án Y910 đã được niêm yết để bán với giá chào 25 triệu euro và hiện đang được bán đấu giá trực tuyến thông qua Concierge Auctions, hợp tác với Boathouse Auctions.
Mặc dù du thuyền cỡ này được dự tính mất khoảng 5 năm để hoàn thiện, nhưng Dự án Y910 đã hoàn thành một phần, có nghĩa là quá trình này có thể sẽ ngắn hơn rất nhiều.
Ông Stirling, người đã tham gia thiết kế cho dự án hơn 20 năm, cho biết: “Dự án Y910 là một con tàu tuyệt vời với những gì nó có thể cung cấp cho một chủ sở hữu tiềm năng. Nó được thiết kế để trở thành một loại du thuyền thám hiểm, có thể đi đến bất cứ đâu, cho dù đó là vùng địa cực, Thái Bình Dương hay Địa Trung Hải. Những địa điểm mạo hiểm bạn muốn đến”.
Con tàu đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ những người tham gia đấu giá. Nó sẽ trở thành chiếc du thuyền lớn nhất từng được bán dưới hình thức đấu giá.
Ông Stirling cho biết thêm: “Sẽ thật tuyệt nếu thấy con tàu được hoàn thiện".