Kinh tế

Bị bắt vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Shark Thủy kinh doanh ra sao?

Văn Thanh 26/03/2024 15:50

Nhiều doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của Shark Thủy đang trong tình trạng nợ bảo hiểm, nợ lương nhân viên và dư nợ tài chính ở mức "khủng".

Ngày 26/3, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), Chủ tịch Tập đoàn EGroup và Đặng Văn Hiền, Trưởng ban Quan hệ cổ đông, Công ty EGame về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản.

Để phục vụ công tác điều tra, xử lý đối với hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Ngọc Thủy cùng đồng phạm và đảm bảo quyền lợi của người bị hại theo quy định của pháp luật, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị những người mua cổ phần, cho vay tiền bằng hình thức thế chấp cổ phần Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup đang còn dư nợ chưa đến trình báo thì khẩn trương liên hệ để cung cấp hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

bi-bat-vi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-shark-thuy-kinh-doanh-ra-sao-ddk.png
Shark Thuỷ bị khởi tố vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước khi bị bắt, ông Nguyễn Ngọc Thủy được biết đến là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Anh ngữ Apax.

Egroup được giới thiệu là doanh nghiệp đặt mục tiêu trở thành tập đoàn số một Việt Nam về giáo dục trực tuyến, với nhiều công ty con hoạt động trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh, giáo dục mầm non, giáo dục trực tuyến, phát triển tư duy sáng tạo cho trẻ em thông qua robot thông minh và tính nhẩm, giáo dục kỹ năng nghề và du học,...

Trong số đó phải kể đến Công ty Cổ phần đầu tư Apax Holdings (MCK: IBC), doanh nghiệp đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia... Apax Holdings chính là đơn vị nắm giữ lượng lớn vốn tại CTCP Anh ngữ Apax.

Về tình hình kinh doanh, trong năm 2022, doanh thu thuần của Apax Holdings ở mức âm 1.336 tỷ đồng và lỗ sau thuế 81,4 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Apax Holdings là 3.076 tỷ đồng, trong đó tổng vay và nợ thuê tài chính là 1.915 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 617 tỷ đồng và vay nợ dài hạn là 1.298,4 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Hà Nội đã công bố danh sách đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp từ 1 tháng trở lên trên địa bàn TP Hà Nội tháng 2/2024 (số liệu tính đến hết ngày 29/2/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/3/2024).

Số tiền nợ bảo hiểm đơn vị nộp trong tháng 3/2024 (nếu có) sẽ được ghi nhận vào thông báo kết quả đóng bảo hiểm tháng 3/2024 của đơn vị.

Theo danh sách này, có 60.757 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm, với mức nợ thấp nhất hơn 1,2 triệu đồng đến cao nhất là hơn 57 tỷ đồng.

Trong đó, Anh ngữ APAX đứng đầu danh sách nợ của BHXH TP Hà Nội với số tiền chậm đóng là hơn 57,1 tỷ đồng và số tháng chậm là 48 tháng.

Một doanh nghiệp khác trong "hệ sinh thái" của Shark Thủy là Công ty CP Phát triển giáo dục Igarten cũng "có tên" trong danh sách chậm đóng bảo hiểm tháng 2/2024 với số tiền lên tới hơn 18,4 tỷ đồng, số tháng chậm đóng là 22 tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bị bắt vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Shark Thủy kinh doanh ra sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO