Bị lừa đảo qua mạng, điện thoại có lấy lại được tiền không?

Hoàng Chiến 10/03/2023 15:09

Phương thức lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh nhân viên của các nhà mạng, gọi điện thoại tới khách hàng thông báo nợ cước nhằm chiếm đoạt tài sản không còn mới. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều người đã sập bẫy của các đối tượng. Đa phần đó thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí.

Mất 800 triệu đồng sau cuộc gọi giả mạo

Mới đây, Công an TP Hà Nội vừa phát đi cảnh báo cuộc gọi lừa đảo nợ cước điện thoại. Với thủ đoạn này các nạn nhân đã mất hàng trăm triệu đồng.

Theo đó, thời gian gần đây Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đang xác minh, điều tra vụ giả danh nhân viên Viettel, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là hơn 800 triệu đồng.

Ảnh minh hoạ.

Theo đó, vào ngày 3/3/2023, Công an phường Dịch Vọng tiếp nhận đơn trình báo của ông T. (77 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) về việc ông T. có nhận được cuộc gọi của một đối tượng giới thiệu là nhân viên Viettel thông báo ông đang nợ cước điện thoại. Sau đó, đối tượng kết nối điện thoại cho ông gặp một người tự xưng là Công an.

Người này cho ông xem ảnh lệnh bắt khẩn cấp và phong tỏa tài sản. Ông T. đã cung cấp cho đối tượng thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng và mã OTP. Sau đó, ông phát hiện tài khoản bị mất hơn 800 triệu đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Với các vấn đề liên quan đến thanh toán cước điện thoại hoặc nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ, người dân cần liên hệ đường dây nóng của nhà mạng hoặc tới các phòng giao dịch để được tư vấn giải quyết kịp thời.

Đối với cơ quan Công an, để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Nếu bị lừa đảo qua mạng, điện thoại thì có lấy lại được tiền không?

Trả lời về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, khi các đối tượng đã chủ định lừa bạn qua mạng, điện thoại là có chủ đích ngay từ ban đầu chiếm đoạt tài sản của bạn. Hành vi, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt và che giấu toàn bộ các thông tin thật của các đối tượng.

Các đối tượng sẽ không bao giờ tự nguyện hoàn trả lại tiền cho bạn và càng không có chuyện các đối tượng chịu đàm phán, thương lượng. Các thông tin mà đối tượng cho bạn biết đều là giả mạo, gian dối và rất khó có thể liên hệ, tìm được các đối tượng này.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối.

Vì thế, trường hợp này nạn nhân chỉ có cách duy nhất là trình báo ra cơ quan công an nơi mình cư trú, sau này sẽ được giải quyết theo quy trình tố tụng và bạn được coi là bị hại. Quá trình giải quyết, các cơ quan tố tụng sẽ tiến hành xác minh, thu giữ số tiền vi phạm, hoặc các đối tượng khắc phục hậu quả. Trường hợp này các nạn nhân sẽ có cơ hội hoàn trả tiền theo bản án có hiệu lực của Tòa án và thi thành án.

Hiện nay, cũng có rất nhiều đối tượng lợi dụng mong muốn sớm lấy lại tiền của nạn nhân để tiếp tục lừa bằng thủ đoạn nộp thêm ít tiền để các đối tượng này sử dụng các biện pháp can thiệp, tác động vào hệ thống để lấy lại tiền. Các đối tượng đưa ra rất nhiều thủ đoạn hứa hẹn, đánh vào tâm lý muốn lấy lại tiền và chấp nhận bỏ ra trước một ít tiền. Nhưng đây lại tiếp tục là thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi, xảo quyết của các đối tượng. Để tạo niềm tin, các đối tượng giả danh người có uy tín như Luật sư, cơ quan nhà nước, thậm chí lấy cả hình ảnh, thông tin người có uy tín để lừa đảo.

Vì số tiền lừa đảo trên mạng, điện thoại, các hình thức như trên mỗi nạn nhân mất số tiền không lớn, nhưng sau khi điều tra cơ quan công an sẽ khởi tố trên số tiền thực tế chiếm đoạt. Theo tính chất, mức độ, tổng số tiền lừa đảo thì mức hình phạt sẽ tương ứng về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

“Nếu gặp trường hợp này nạn nhân nên xác minh kĩ thông tin người liên hệ như địa chỉ trụ sở, văn phòng, thông tin chính chủ như tìm kiếm trên website, fanpage, facebook hoặc nếu cần thiết bạn nên đến trụ sở chính của họ để tìm hiểu, hỗ trợ. Nếu những người này có biểu hiện dan giối, mập mờ thì bạn không nên giao dịch vợi họ. Các nạn nhân cố gắng tỉnh táo, tránh gặp trường hợp tiền mất rồi lại mất thêm cho những kẻ lừa đảo khác”, Luật sư khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bị lừa đảo qua mạng, điện thoại có lấy lại được tiền không?