Ngày 4/8, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã khảo sát Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia - Địa đạo Phú Thọ Hòa tại quận Tân Phú, TP HCM.
Tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Văn Nên đánh giá rất cao ban quản lý địa đạo và nhân dân địa phương đã góp phần rất lớn vào quá trình bảo vệ, bảo tồn địa đạo. Trong đó, dù quang cảnh địa đạo đã trùng tu nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ mang một ý nghĩa riêng biệt, cần giữ gìn.
Đây là một công trình đầy sáng tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân Lộc Hòa, Phú Thọ và hiện là một trong những di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia của TP HCM.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Đảng bộ TP HCM cũng yêu cầu tiếp tục công tác cải tạo, tu bổ không gian khuôn viên địa đạo, cũng như bổ sung thêm các nội dung, tư liệu, hình ảnh để địa đạo mang tầm vóc lịch sử, xây dựng nơi đây trở thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh của thành phố.
Lãnh đạo TP HCM cũng rất quan tâm để di tích địa đạo Phú Thọ Hòa trở thành địa chỉ về nguồn của thành phố để góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Địa đạo Phú Thọ Hòa được xây dựng vào năm 1947 tại thôn Lộc Hòa và vùng phụ cận, nay thuộc phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú. Tiền thân của địa đạo là những hầm bí mật, nhất là hầm ếch, với đặc điểm có nắp đậy nghi trang, có ngách và lỗ thông hơi.
Qua quá trình trùng tu, hiện nay địa đạo chạy theo địa hình, địa vật kéo dài trên 10 cây số. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, địa đạo Phú Thọ Hòa đã trở thành nơi che giấu hàng ngàn cán bộ, du kích, bộ đội.
Dịp này, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn lãnh đạo TP HCM cũng dành thời gian thăm hỏi ông Nguyễn Hùng Minh (con trai của ông Nguyễn Văn Lự, là một trong những người tham gia đào địa đạo Phú Thọ Hòa năm xưa)./.