Bia đá kể chuyện

Hoàng Minh 12/10/2022 06:39

Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa khai trương Trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” với chủ đề “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia”.

Trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện”.

Trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” với chủ đề “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia” được thể hiện qua các nội dung: “Chiêu mộ hiền tài” giới thiệu một số nét chính về khoa cử của nước ta giai đoạn từ năm 1442 đến năm 1529; “Con đường khoa cử” giới thiệu thông tin về thi cử và chế độ đãi ngộ dành cho những người đỗ đạt; “Gương sáng tiền nhân” giới thiệu một số danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà và một số lĩnh vực khác; “Lưu danh muôn thuở” giới thiệu một trong những câu trích dẫn nổi tiếng về giá trị của đào tạo và sử dụng nhân tài.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là Bảo vật quốc gia, là Di sản tư liệu thế giới phản ánh phong phú lịch sử, văn hóa, giáo dục, mỹ thuật, 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam, thể hiện ở tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài. Tuy nhiên, việc tiếp cận nội dung trên bia Tiến sĩ lại không hề dễ dàng với công chúng, với khách tham quan. Xuất phát từ mong muốn 82 bia Tiến sĩ phải đến được gần hơn với công chúng, thông qua đó quảng bá, phát huy giá trị di sản, bia đá nằm im lìm suốt thời gian qua sẽ cất lên tiếng nói, câu chuyện về những danh nhân, những bậc hiền tài của đất nước.

Cũng theo TS Lê Xuân Kiêu, trưng bày lựa chọn giới thiệu 14 bia Tiến sĩ đầu tiên có liên quan đến các khoa thi trong giai đoạn 1442 - 1529, tương ứng với những khoa thi được tổ chức dưới triều Lê Sơ và kết thúc bằng khoa thi đầu tiên của nhà Mạc. Những bia Tiến sĩ còn lại sẽ tiếp tục được giới thiệu đến khách tham quan trong những cuộc trưng bày triển lãm sau này. “Đây là bước thí điểm về công nghệ của chúng tôi khi du khách sử dụng mã QR để truy cập thông tin. Trong không gian khu Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám có mạng wifi miễn phí nên du khách có thể sử dụng để tiếp cận thông tin của triển lãm” - Giám đốc Trung tâm cho biết.

Nằm trong quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hình ảnh những hàng bia đá trên lưng rùa đã trở thành một biểu tượng đẹp của tinh thần hiếu học, đề cao sự nghiệp học hành, khoa cử của dân tộc Việt Nam. Có thể tìm thấy ở đây tên tuổi của nhiều danh nhân từng được nhắc nhiều trong các sách sử Việt Nam như: nhà sử học Ngô Sĩ Liên - Tiến sĩ đã soạn bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư; nhà bác học Lê Quý Đôn - tác giả của cuốn Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ…; nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc Ngô Thì Nhậm đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1775… Trưng bày sẽ kéo dài đến hết ngày 8/11.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bia đá kể chuyện