UBND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) đang nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch. Đồng tình với việc phát triển cảnh quan khu vực này, song dư luận đặt vấn đề: Quy hoạch thế nào để bảo đảm an toàn đê điều, vệ sinh môi trường cho dòng sông là vấn đề cần tính toán kỹ.
Hướng đến một thành phố bên sông
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, việc phát triển khu vực bãi giữa, bãi bồi sông Hồng hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, địa phương khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch.
Theo quy hoạch, Công viên văn hóa du lịch Hà Nội sẽ được xây dựng chủ yếu dựa trên địa hình tự nhiên; tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, kết hợp với xây dựng không gian du lịch văn hóa gắn kết lịch sử, phong tục tập quán truyền thống, văn hóa gắn liền với sông nước. Mạng lưới giao thông nội bộ, đường dạo của khu vực bãi giữa, bãi ven sông Hồng theo hướng thiết kế thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu truyền thống, tổ chức lại bãi tắm sông hiện có cho sạch đẹp, hấp dẫn du khách.
Cùng với đó, quận Hoàn Kiếm sẽ tôn tạo không gian xanh, cảnh quan, mặt nước, giải quyết vấn đề lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, vi phạm trật tự xây dựng, cải thiện vệ sinh môi trường.
Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thuộc địa bàn hai phường Chương Dương và Phúc Tân. Diện tích này không cố định mà phụ thuộc mùa mưa lũ từng năm, tiếp giáp với 3 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng và Long Biên. Khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, trong đó có một phần (khoảng 1ha) thuộc địa phận quận Long Biên.
Lâu nay, khu vực này là nơi sinh sống của nhiều người dân lao động tự do ngoại tỉnh, mưu sinh tại các khu vực chợ Long Biên và các vùng lân cận. Cuộc sống của không ít người dân ở đây tạm bợ trong những căn nhà nổi tự phát, lấn chiếm mặt nước của khu vực bãi giữa sông Hồng.
Ngay dưới gầm cầu Long Biên, sát trung tâm thành phố nhưng khu vực bãi giữa, bãi bồi sông Hồng khá ô nhiễm do chất thải sinh hoạt của các hộ dân và rác thải theo dòng nước đọng lại. Thế nên khi nghe tin khu này sẽ phát triển thành công viên du lịch, văn hóa, chị Nguyễn Thị Minh Tân, 51 tuổi, người dân khu vực phường Chương Dương rất phấn khởi. Chị Tân bày tỏ: “Tôi mong khu vực này không còn cảnh nhếch nhác, ô nhiễm. Được đầu tư phát triển thành không gian văn hóa, đời sống của người dân trên địa bàn sẽ được cải thiện hơn, đặc biệt về sức khỏe, tinh thần”.
Ở phương diện khác, đón nhận thông tin này, một số người lao động nghèo dưới gầm cầu Long Biên lại có nhiều tâm tư. Dù ủng hộ chủ trương của thành phố, nhưng với những người sống bám víu trên những căn nhà nổi tạm bợ, họ đều có chung một mối lo rằng, khi khu vực này phát triển thành công viên văn hóa, du lịch của thành phố thì gia đình họ sẽ sinh sống ra sao.
“Hơn chục năm mưu sinh trên đất thành phố, gia đình tôi chỉ biết lênh đênh theo dòng nước. Cuộc sống vất vả, chui ra, chui vào trong căn nhà tạm bợ nhưng đây cũng là tổ ấm của chúng tôi. Tới đây, nếu nơi này không còn nữa, gia đình tôi không biết đi về đâu” - chị Nguyễn Hồng Thắm, người dân khu bãi giữa chia sẻ.
Tạo môi trường nhân văn
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn. Chủ trương này sẽ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho nhân dân Thủ đô; đồng thời, tháo gỡ được nút thắt về tình trạng nhếch nhác tồn tại bấy lâu nay của khu vực gầm cầu Long Biên. Song khai thác khu vực này như thế nào là vấn đề cần được tính toán kỹ.
Theo ông Nghiêm, việc khai thác bãi giữa sông Hồng trở thành công viên đã được đặt ra từ vài chục năm nay tuy nhiên vẫn chưa thực hiện được. “Vì vậy, việc cần làm đầu tiên là chính quyền địa phương nên xem xét, kế thừa những kinh nghiệm, ý kiến mà những người đi trước đã đề ra, để chọn lọc áp dụng” – ông Nghiêm nói.
Việc khai thác bãi giữa sông Hồng trở thành công viên đã được đặt ra từ vài chục năm nay tuy nhiên vẫn chưa thực hiện được. “Vì vậy, việc cần làm đầu tiên là chính quyền địa phương nên xem xét, kế thừa những kinh nghiệm, ý kiến mà những người đi trước đã đề ra, để chọn lọc áp dụng” - KTS Đào Ngọc Nghiêm.
Bên cạnh đó là tìm hiểu thêm sự liên kết giữa các khu bãi sông Hồng với khu vực xung quanh để tạo kết nối giao thông. Việc khai thác ở bãi giữa nếu hiệu quả sẽ nâng tỉ lệ không gian xanh của Hà Nội. Bởi vậy, thành phố phải lựa chọn, tìm hiểu và khảo sát hiện trạng để đưa ra những yêu cầu phù hợp với cuộc sống của người dân, nhất là giới trẻ; chú trọng những dịch vụ, vui chơi giải trí hấp dẫn, tạo nên giá trị kinh tế mới.
Dưới góc độ văn hóa, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc quy hoạch bãi giữa, bãi bồi sông Hồng có thể thực hiện hiệu quả nếu như có đủ điều kiện về vật chất, vốn liếng, khả năng quản lý. Nhưng quy hoạch, phát triển thế nào để giữ được giá trị văn hóa, lịch sử của mảnh đất này là bài toán được đặt ra. Theo ông Đức, việc phát triển các công trình khu vực sông Hồng cần tuân thủ các quy định của pháp luật để bảo đảm giữ vệ sinh môi trường cho dòng sông, an toàn hành lang thoát lũ, bảo vệ đê điều, giao thông đường thủy.
Trước tâm tư của người lao động nghèo sinh sống tự do ở khu vực bãi giữa sông Hồng, ông Đức cho rằng, thành phố nên có phương án tạo công ăn việc làm, có chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội với đối tượng này.
TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long:
Hiểu đúng giá trị để ứng xử đúng tầm
Sau tròn 20 năm nghỉ hưu, tới thời điểm này giữa phòng khách của tôi vẫn treo một bức ảnh chụp bãi giữa sông Hồng, để thấy tôi trăn trở như thế nào với mảnh đất này. Thế nên, tôi rất hoan nghênh tinh thần, quyết tâm của Hà Nội với ý tưởng phát triển bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch.
Trước đây, đã có một chương tình với tên gọi “Biến con sông Hồng Hà thành con sông hiền hòa giữa lòng Hà Nội, biến bãi giữa sông Hồng thành viên ngọc của Thủ đô”. Viên ngọc này thực tế có rất nhiều giá trị. Xét về phương diện văn hóa, bãi giữa sông Hồng có hình hài như một con thuyền vĩ đại, mang ý nghĩa đặc biệt về văn hóa, lịch sử của mảnh đất “Rồng cuộn Hổ ngồi”, nơi thượng đô của kinh sư muôn đời, ngàn năm văn hiến. Rất tiếc là lâu nay người dân và chính quyền Hà Nội không ứng xử đúng với giá trị của mảnh đất này.
Về ý tưởng của thành phố, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Song, tôi cũng nhấn mạnh rằng, đừng ai nghĩ đến lợi ích trước mắt cho cá nhân hay một nhóm người, một công ty, doanh nghiệp, tổ chức nào đó để đánh đổi giá trị của khu vực này bằng kinh tế, đổi đất lấy công trình hay bán đất kiếm lợi nhuận. Hãy hiểu rằng, đây là một viên ngọc quý của Thủ đô vừa có ý nghĩa kinh tế, chính trị vừa có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử. Thế nên, khi đã quyết tâm làm thì phải đầu tư trí tuệ, công sức sao cho xứng tầm.
HOÀI NGUYỄN(ghi)