Góp ý kiến vào dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức nhiều ý kiến đề nghị bỏ chế độ biên chế suốt đời, cần nghiên cứu bổ sung quy định về tuyển dụng công chức theo chế độ hợp đồng làm việc trong bộ máy công vụ để nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Nêu những bất cập trong thực hiện Luật Cán bộ, công chức, ông Nguyễn Tư Long- Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức cho biết, chỉ riêng việc luật vẫn quy định công chức bao gồm cả những người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã phát sinh một số vướng mắc, không thống nhất trong thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý. Hay như việc luật quy định cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng không phù hợp với thực tiễn và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm lại, đánh giá, thôi việc, kỷ luật đối với những người này.
Một vướng mắc nữa là việc chấp hành các quy định về tuyển dụng công chức tại một số nơi chưa nghiêm, còn để xảy ra sai phạm, chưa thật sự tuyển dụng được người đáp ứng yêu cầu; chưa gắn thẩm quyền của người trực tiếp sử dụng công chức với quyết định tuyển dụng. Do đó, “để thực hiện chủ trương liên thông giữa nguồn lực ở khu vực công và tư, có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ, tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời, cần nghiên cứu bổ sung quy định về tuyển dụng công chức theo chế độ hợp đồng làm việc trong bộ máy công vụ”- ông Long nhấn mạnh.
Luật Cán bộ công chức qua 10 năm ban hành đã đến lúc cần sửa đổi bởi trong thực tiễn đã nảy sinh những vướng mắc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nói. Điểm bức xúc nhất hiện nay có lẽ là chất lượng đội ngũ. Mà chất lượng đội ngũ khó mà nâng lên được nếu vẫn quản lý công theo kiểu biên chế suốt đời là thủ tiêu sự phấn đấu của mỗi cán bộ, công chức. Theo đó, việc lựa chọn những công chức tốt, tài năng, mới có thể đáp ứng được sự thay đổi trong thể chế kinh tế thị trường và những thể chế quản lý mới mới đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Thế nhưng, có một thực tế, việc chuyển đổi này từ trước đến nay rất chậm.
Theo ông Thang Văn Phúc, để xây dựng Chính phủ liêm chính thì việc loại bỏ cơ chế, biên chế suốt đời theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII là một tất yếu và đó là xu hướng thế giới đã làm từ đầu những năm 2000. Để xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, chúng ta không còn con đường nào khác là việc phải rõ, người phải đúng, thể chế vận hành hợp lý, hiệu quả. Như vậy, nếu sử dụng công chức theo hợp đồng làm việc, anh sẽ dễ bị loại ra khỏi bộ máy nếu thực sự không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Cần từng bước và tiến tới xóa bỏ cơ chế biên chế suốt đời, đặc biệt cần có chế tài rõ ràng để xử lý cán bộ, công chức nếu cán bộ đó không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Mai Anh chia sẻ. Bà Mai Anh có nêu một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện đánh giá và thi hành kỷ luật tại địa phương.
Cụ thể, mức độ phân loại, đánh giá công chức, viên chức hàng năm chưa thống nhất với quy định của Đảng về phân loại, đánh giá đảng viên. Chưa có sự liên thông trong sử dụng kết quả đánh giá giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể dẫn tới việc đánh giá ở nhiều nơi, nhiều lúc còn hình thức, trùng lắp, tốn kém thời gian, vật chất.
Bên cạnh đó, các văn bản hiện hành chưa tạo đủ hành lang pháp lý cho việc đánh giá kết quả thực hiện công việc theo vị trí việc làm, chưa có kế hoạch chi tiết để theo dõi tiến độ giải quyết công việc được giao của cán bộ, công chức, viên chức đến những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, phản ánh không đúng thực trạng, mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức viên chức.
Đặc biệt, về kỷ luật cán bộ, công chức, chưa có quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý kỷ luật cán bộ, đặc biệt là đối tượng cán bộ cấp xã. Chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm trong thời gian công tác nhưng đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi khu vực nhà nước…
Có thể nói, tâm lý đã vào biên chế là yên tâm suốt đời trở thành một trợ lực lớn tạo ra tình trạng người làm việc nhiều cũng hưởng như người không làm việc. Người năng lực yếu kém thậm chí có thu nhập cao hơn người làm việc hiệu quả… đã khiến không ít người có tài thực sự bất mãn với cơ chế, chính sách hoặc tìm cách bỏ cơ quan nhà nước. Không thể kéo dài mãi tình trạng này và đã đến lúc phải thay đổi, nhưng bỏ biên chế suốt đời sẽ bắt đầu từ đâu, cách nào là điều không dễ tìm ra ngay lời giải.
“Tôi nghĩ, trong chương trình 2020-2035 chúng ta thực hiện được thể chế công vụ mới cũng là điều mừng. Thực tế, đến năm 2020 chúng ta xác định được mức độ, hệ thống vị trí việc làm trong từng cơ quan một cách chính xác, hợp lý thì đó mới là cơ sở cho việc thực thi chế độ công vụ mới là không có biên chế như hiện nay”- ông Thang Văn Phúc nói.
Nhìn chung, bỏ biên chế suốt đời là việc nên làm nhưng làm thế nào thì cần có bước đi, cách làm chặt chẽ, thích hợp để có thể thu hút chất xám vào khu vực công một cách tốt nhất.