Tại thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trong buổi làm việc với Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng, thi nâng ngạch đã đặt ra yêu cầu nghiêm khắc việc phải bảo đảm công khai, minh bạch, xác định môn và hình thức thi phù hợp nhằm mục đích bảo đảm đánh giá đúng thực chất trình độ, năng lực thực tiễn của cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu công vụ; tăng cường thanh tra giám sát chống tiêu cực và gian lận trong việc thi nâng ngạch.
Hàng trăm người xếp hàng trước Cục Thuế Hà Nội để nộp hồ sơ thi tuyển công chức, trung tuần tháng 8/2014. Ảnh tư liệu.
Thông báo cũng chỉ rõ, việc xác định vị trí việc làm phải bảo đảm phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, tránh tinh giản không đúng đối tượng.
Hiện, bộ máy công vụ được coi là khá cồng kềnh. Không ít ý kiến cho rằng, có tới 30% là cán bộ công chức “cắp ô”, có nghĩa là bộ máy dôi dư một khối lượng người rất lớn, không chỉ làm hao tổn ngân sách nhà nước mà chính “đội ngũ” ấy lại tự tìm cách bảo vệ mình, bảo vệ vị trí công việc mà mình đang ngồi dù không làm gì nhưng vẫn nghiễm nhiên được thụ hưởng các chế độ chính sách. Và cũng chính những đối tượng này sẽ cản trở việc tái cơ cấu, là tác nhân chính gây mất đoàn kết nội bộ.
Nói vậy để thấy, việc tình giản biên chế là rất cần thiết, để bộ máy tinh gọn, năng động hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau nhiều lần chủ trương tinh giản, biên chế không giảm mà còn phình ra.
Cũng thật lo ngại là những lần tinh giản ấy người không làm việc, người năng lực yếu kém, người hay gây rối mất đoàn kết…, lại không bị đưa ra khỏi guồng máy, mà người làm được việc lại bị cho ra rìa. Vì thế, thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã lưu ý: tránh tinh giản biên chế không đúng đối tượng, sử dụng việc tinh giản biên chế không đúng mục đích.
Trên thực tế, việc nhận người vào làm việc đã khó nhưng cho thôi việc còn khó hơn rất nhiều. Cái chính là do xen vào giữa là quan hệ cá nhân, quyền lợi riêng tư. “Chạy việc” là nỗi lo thường trực của rất nhiều người sau khi có mảnh bằng trong tay. Đây đó người ta nói giá này, giá nọ để dược vào chỗ này, chỗ khác, mức độ hợp đồng này hợp đồng khác.
Cũng vì thế mà khi đã vào được rồi thì coi như “ấm”, vì chăng đã “há miệng mắc quai”. Khi vào rồi, theo thời gian lại “có sừng có mỏ”, tìm kiếm được những người tương tự như mình để làm chỗ dựa, tạo vây cánh.
Nhưng cái khó nhất khi tinh giản một người có lẽ lại là ở chỗ thủ tục, quy trình. Muốn cho nghỉ việc một ai đó thì phải có đầy đủ lý do, phải có hội đồng này hội đồng kia đồng thuận. Qua ngần ấy tầng nấc, ngần ấy con người không dễ để tìm được tiếng nói chung. Chính vì thế, nhiều vị thủ trưởng đơn vị muốn giảm người lắm nhưng bị vướng, đành cho qua cho yên chuyện.
Nhưng, trở lại vấn đề, quan trọng hơn lại ở chỗ người cần giảm không giảm mà lại nhằm vào người làm được việc. Đối tượng này thường không có chỗ “chống lưng”, chỉ mải mê công việc mà không nghĩ tới những quan hệ “bí hiểm” và cũng không nghĩ tới việc tạo vây cánh cho mình để được ủng hộ khi cần thiết. Chính ở đây cần sự công tâm của bộ máy, của người đứng đầu.
Về lý thuyết thì chỉ giảm những người không được việc, nhưng thực tế và lý thuyết bao giờ cũng có khoảng cách. Chính vì thế lãnh đạo Chính phủ mới nhắc nhở tránh tinh giản biên chế không đúng đối tượng.
Tại thông báo của Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất chính sách khả thi để thu hút người có tài năng trong hoạt động công vụ, lựa chọn các lĩnh vực chuyên ngành, đặc thù để xác định chính xác người có tài năng, lưu ý thủ tục tiếp tục công nhận người có tài năng sau một thời gian làm việc.
“Chính sách khả thi”- đó là mấu chốt của vấn đề khi tuyển dụng người tài. Tinh giản biên chế là cần thiết nhưng không vì thế mà “bế quan tỏa cảng”, không nhận ai vào làm việc. Một mặt quyết liệt giảm số người thừa, nhưng mặt khác cũng phải thu nhận những người làm việc tốt.
Chính sách là chính sách chung, nhưng trong những vị trí công việc đòi hỏi chuyên môn sâu thì phải nhận những người có năng lực, kèm đó là chế độ đãi ngộ. Thời gian qua, nạn “chảy máu chất xám” từ khu vực Nhà nước sang các khu vực kinh tế khác dã diễn ra và có xu hướng gia tăng. Ở đây có thể có 3 vấn đề chính: Thứ nhất, người có năng lực khó xin được việc làm.
Bằng chứng là nhiều thủ khoa các trường đại học khó tìm được một việc làm như ý. Thứ hai, chính sách đãi ngộ thấp. Câu chuyện “trải thảm đỏ” nói gì thì nói cũng là trong phạm vi hẹp, và rồi chính những người may mắn được bước trên tấm thảm ấy lại phải ngao ngán lắc đầu. Đó chính là vấn đề thứ 3: môi trường làm việc.
Cứ cho là quyền lợi vật chất của họ được bảo đảm, nhưng môi trường làm việc tù túng đôi khi khiến người ta nản chí. Đó là khi họ không được xung quanh ủng hộ, chưa nói đến bị cô lập. Không phát huy được năng lực chuyên môn, họ hoặc là tự biến mình thành một công chức lành hiền, hoặc lại tìm cách ra đi.
Vì thế, điều cực kỳ quan trọng theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình là phải sửa đổi cơ chế quản lý tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý.
Đi cùng đó là phải hoàn thiện cơ chế về tuyển dụng, sử dụng, quản lý và đánh giá công chức, viên chức cho phù hợp với thực tiễn, không để xảy ra tiêu cực. Mà ở đây chính là việc người yếu kém không giảm lại giảm người được việc. Nếu vậy, tình hình đã khó sẽ còn khó thêm.
Tình giản biên chế là rất cần thiết, để bộ máy tinh gọn, năng động hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau nhiều lần chủ trương tinh giản, biên chế không giảm mà còn phình ra. Cũng thật lo ngại là những lần tinh giản ấy người không làm việc, người năng lực yếu kém, người hay gây rối mất đoàn kết…, lại không bị đưa ra khỏi guồng máy, mà người làm được việc lại bị cho ra rìa. Vì thế, thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã lưu ý: tránh tinh giản biên chế không đúng đối tượng, sử dụng việc tinh giản biên chế không đúng mục đích. |