Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) típ 1 là bệnh lý mạn tính, cần được điều trị suốt đời. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời cũng như kiểm soát đường huyết chặt chẽ sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đái tháo đường típ 1 xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Đây là một bệnh lý tự miễn, có nghĩa là hệ miễn dịch của chính cơ thể người bệnh tấn công và phá hủy một phần hoặc toàn bộ các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy. Nguyên nhân thường liên quan đến các yếu tố di truyền và tác động của môi trường sống. Do đái tháo đường típ 1 là bệnh tự miễn cho nên có thể phối hợp với các bệnh lý tự miễn khác như viêm tuyến giáp Hashimoto hoặc suy tuyến thượng thận nguyên phát.
Theo ghi nhận tại khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế (Bệnh viện Nội tiết trung ương) cho thấy, tình trạng người bệnh được chẩn đoán đái tháo đường típ 1 nhập viện điều trị khá thường xuyên, chủ yếu là những bệnh nhân trẻ tuổi, nhiều trường hợp chưa thành niên.
Đa số các trường hợp này đều đã được phát hiện và điều trị tại địa phương; tuy nhiên do chưa hiểu đúng về bệnh, thiếu kiến thức trong quá trình điều trị và sử dụng thuốc nên nhiều trường hợp không đạt mục tiêu điều trị dẫn tới nhiều biến chứng có thể gặp phải ở những người bệnh này chỉ sau vài năm.
Một trường hợp đái tháo đường típ 1 đặc biệt mà khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế ghi nhận được cách đây 2 tuần là nữ bệnh nhân L.N.B. (25 tuổi, địa chỉ tại Yên Mỹ, Hưng Yên) nhập viện trong tình trạng đường huyết tăng cao. Bệnh nhân đã được chẩn đoán đái tháo đường típ 1 trước đó và dùng thuốc theo đơn của bệnh viện tuyến cơ sở. Tuy nhiên, gần đây trong quá trình theo dõi đường huyết tại nhà, bệnh nhân thấy đường huyết tăng cao, mệt mỏi nên đã tới Bệnh viện Nội tiết trung ương khám.
Khi tiếp nhận, bệnh nhân B. có chỉ số đường huyết cao và thể trạng gầy (cao 1m41 và cân nặng 30kg). Sau khi được khám và xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đã có biến chứng mắt, biến chứng thận và biến chứng thần kinh do đái tháo đường típ 1. Đây là một trường hợp bệnh nhân kiểm soát đường máu kém do chưa tuân thủ về dinh dưỡng và điều trị cũng như chưa có kiến thức về đái tháo đường típ 1. Bệnh nhân cần được nhanh chóng kiểm soát đường máu nhằm điều trị và dự phòng các biến chứng…
Khác với đái tháo đường típ 2, đái tháo đường típ 1 thường gặp ở những bệnh nhân trẻ tuổi và có nhiều trường hợp là trẻ em. Những đối tượng này thường ít quan tâm đến sức khỏe cũng như gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tuân thủ điều trị bệnh.
Chính vì vậy, việc giáo dục sức khỏe thường xuyên và phối hợp chặt chẽ với gia đình, người thân của bệnh nhân là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến điều trị.
Trong điều trị đái tháo đường típ 1, chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò đặc biệt quan trọng. Bệnh nhân đái tháo đường típ 1 cần có một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cũng như lựa chọn những loại thực phẩm phù hợp, ít gây tăng đường huyết và có lợi ích đến các biến chứng của bệnh. Trường hợp bệnh nhân đái tháo đường típ 1 ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít đều ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân thường không đủ các kiến thức để tự xây dựng một chế độ ăn hợp lý. Vì vậy, để có một chế độ ăn phù hợp, bệnh nhân đái tháo đường típ 1 cần được thăm khám và tư vấn dinh dưỡng bởi các chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng.
Người bệnh đái tháo đường típ 1 nên tăng cường hoạt động thể chất, lựa chọn các bài tập phù hợp và tập luyện tối thiểu 30 phút mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày mỗi tuần, nhằm kiểm soát đường huyết tốt hơn cũng như có vai trò trong dự phòng các biến chứng của đái tháo đường.
Ngoài những lưu ý về chế độ ăn uống, rèn luyện, sử dụng insulin đúng cách, người bị đái tháo đường típ 1 cần đề phòng các biến chứng. Bởi vì ngay cả những người kiểm soát đường huyết tốt thì vẫn có khả năng xuất hiện các biến chứng của bệnh. Cần lưu ý đi khám nếu có triệu chứng như lượng đường trong máu tăng cao hơn; Tê bì, dị cảm hoặc đau ở bàn chân, cẳng chân; Có vấn đề về thị lực; Vết loét hoặc nhiễm trùng ở bàn chân; Tình trạng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.