200 trí thức trẻ Việt Nam trên toàn thế giới tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất, có thể nói là một cơ hội để tạo ra một tiền đề: Huy động sự đóng góp từ các trí thức trẻ người Việt sống ở khắp nơi trên thế giới tạo ra một nguồn lực Việt Nam.
Nói như phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thì các trí thức trẻ dù đang sống, làm việc ở trong hay ngoài nước đều là tinh hoa, vốn quý của đất nước.
Ảnh minh họa.
Nhà văn Bảo Ninh trong truyện ngắn “Mây trắng còn bay” kể câu chuyện về một bà mẹ Việt Nam ngồi cạnh cửa sổ trên máy bay, bên ngoài là bồng bềnh mây trắng. Bà hỏi cô tiếp viên xem khi nào máy bay bay qua vĩ tuyến 17 để “bày đĩa hoa cúng, nải chuối xanh, mấy cái phẩm oản và ba cây nhang cắm trong chiếc cốc thủy tinh đựng gạo. Một bức ảnh ép trong tấm kính cỡ bàn tay để dựng vào thành cốc” lên cái bàn gấp. Hóa ra “bữa nay giỗ thằng cả nhà tôi. Non ba chục năm rồi, bác ơi, tôi mới lên được miền cháu khuất”. Tôi còn nhớ như in lần đầu đọc truyện ngắn này trên báo Văn Nghệ cách đây nhiều năm, nhà văn có viết câu kết đại ý rằng ông nhìn thấy “Tổ quốc ở trên trời cao”.
Theo cái ý đó của nhà văn, thì người Việt hôm nay, nhất là đối với các trí thức trẻ, những công dân toàn cầu của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, dù sống ở đâu, cứ tạo ra thành công ở đâu là đã vẽ biên giới mềm Tổ quốc tới đó. Tổ quốc ngày nay không chỉ hiện diện trên mặt đất, trên trời cao hay ngoài biển đảo mà còn có một “biên giới mềm Tổ quốc” được định vị trong một thế giới toàn cầu hôm nay, nhất là internet đã làm ra thế giới phẳng, bằng tài năng và trái tim người Việt Nam yêu nước.
Trong thực tế những năm qua, chúng ta đã có những thời điểm, “biên giới mềm Tổ quốc” được vẽ bằng những dấu chấm trên bản đồ thế giới. Như GS Ngô Bảo Châu đoạt Giải thưởng Fields danh giá, như trí tuệ và thành công được thế giới ghi nhận của nhiều nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ, doanh nhân khác…
Trong số các trí thức trẻ tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất, có tới 54 Phó giáo sư, Tiến sĩ. Và cũng trong số 200 trí thức trẻ tham gia Diễn đàn, có tới 70 trí thức trẻ đang sinh sống, học tập, làm việc tại các quốc gia khác. Thật quả là vốn tinh hoa quý giá mà cần được động viên để họ hết mình cống hiến đạt được những thành công.
Từ Diễn đàn này, tinh thần của họ sẽ lan toả nhằm tìm ra những giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo trong nước và bên ngoài Tổ quốc. Trong số các trí thức trẻ lần này, rất nhiều người trong số họ đã mang tư cách và tâm thế của những công dân toàn cầu. Nhưng quan niệm mới của thế giới ngày nay cho thấy họ từ thành công của mình không chỉ là niềm tự hào mà sẽ có những tác động tích cực cho sự phát triển của Việt Nam. Muốn như vậy, cần phải có cơ chế chính sách để động viên họ đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
Chúng ta tin rằng Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu sẽ là một kênh kết nối và là diễn đàn để trí thức trẻ thảo luận cùng nhau về tầm nhìn và sứ mệnh của họ. Để Tổ quốc luôn ở trong tim những người trẻ và họ tự hào rằng đang góp phần vẽ lên “một biên giới mềm” ở bên ngoài Tổ quốc.
Họ tới đây, rồi cũng sẽ như các thế hệ trí thức Việt Nam đi trước, ra đi là để trở về. Càng đi xa ra ngoài thế giới, càng thành công thì càng hướng về đất mẹ. Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu ngày nay có điều kiện học tập, sinh sống trong môi trường cạnh tranh cao, trong những điều kiện tốt hơn thế hệ cha anh. Mong rằng điều đó càng giúp họ khẳng định tri thức và bản sắc Việt Nam để trở về để đóng góp xây dựng quê hương đất nước.
Để phát huy sức mạnh trí thức trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0, sáng kiến tổ chức Diễn đàn lần này chỉ là một trong những giải pháp hiệu quả. Cần ngày càng hoàn thiện hơn cơ chế thu hút, phát huy người tài, đặc biệt là khuyến khích tri thức trẻ người Việt chủ động cống hiến cho đất nước.
Và điều quan trọng lần này, khi 200 trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đang được tập hợp cùng nhau, nói lên nguyện vọng của mình, là: Họ cần được lắng nghe. Ngoài những đóng góp cụ thể của những trí thức trẻ tuổi về các chủ đề được thảo luận tại Diễn đàn, mọi đề xuất, sáng kiến, giải pháp của họ phải được nghiên cứu, xem xét.
Có như thế mới có thể giúp thêm động lực cho họ để đóng góp tốt nhất cho Việt Nam và cả trên toàn cầu. Như lời hứa của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình trong ngày khai mạc Diễn đàn: “Đảng, Chính phủ thực sự coi trọng những ý tưởng, giải pháp, kiến nghị của các bạn và sẽ có nghiên cứu nhằm thể chế hóa thành những chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước ra trong thời kỳ mới”.
Một Diễn đàn được mở ra lần đầu tiên sẽ trở thành tiền lệ tốt để những lần tiếp theo huy động được nhiều hơn trí thức trẻ tham gia, thu hút nhiều hơn sự quan tâm và tinh thần cống hiến của họ.
200 trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu là những đốm lửa đang truyền đi những kì vọng lớn lao về một thế hệ trí thức trẻ dù sống ở đâu cũng đạt tới thành công, kéo dài biên giới mềm Tổ quốc, trở thành nguồn lực đặc biệt trong thời đại mới.