Biến thể mới SARS-CoV-2: Khó khăn chồng khó khăn

Bảo Thu 31/01/2021 07:38

Trưa 26/1 (theo giờ địa phương), ông Giuseppe Conte, Thủ tướng Italy đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella. Gặp Chủ tịch Thượng viện Maria Elisabetta Alberti Casellati và Chủ tịch Hạ viện Roberto Fico, ông Conte đã kêu gọi phe đối lập và trung lập tại Thượng viện ủng hộ ông thành lập chính phủ “cứu nguy dân tộc” mới.

Người dân Italy căng thẳng vì dịch Covid-19 kéo dài.

Sự thay đổi lần này cho thấy hai vấn đề lớn mà Italy nói riêng và thế giới nói chung đang đối mặt.

Thứ nhất, sau giai đoạn đầu chống dịch Covid-19 hiệu quả nhờ giãn cách xã hội quyết liệt, Italy đã không thể duy trì các biện pháp tương tự nhằm đối phó với làn sóng thứ hai do lo ngại về kinh tế, song lại chậm trễ trong triển khai chính sách cứu trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng đại dịch.

Đại dịch Covid-19 đã khiến 85.000 người thiệt mạng, đẩy Italy vào khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử: Năm 2020, thu nhập đầu người của Italy chỉ còn 37,900 USD/năm, thấp hơn 13% so với 20 năm trước, trong khi nền kinh tế dự kiến sẽ suy thoái 11%, gấp đôi so với thời điểm khủng hoảng Eurozone. Thất nghiệp ở mức 10% và trong thanh niên, con số này đã lên tới 31%. Quan trọng hơn, có ý kiến cho rằng thực tế có thể tồi tệ hơn, khi chính phủ Italy đã có biện pháp ngắn hạn để giảm thất nghiệp và chỉ số này thường thay đổi chậm hơn trong các cuộc khủng hoảng.

Thứ hai, kết quả này khiến bất ổn chính tại Italy trầm trọng hơn. Rome chưa bao giờ được đánh giá cao về sự ổn định: Nếu ông Conte có thể thành lập liên minh đa số và Chính phủ mới, đây sẽ là chính phủ thứ 3 do ông dẫn dắt trong 3 năm qua và thứ 66 chỉ trong 70 năm qua.

Bất đồng với người tiền nhiệm Matteo Renzi còn đẩy ông Conte vào thế khó. Hồi tuần trước, ông Conte cùng một số chính trị gia của M5S và PD từng nhấn mạnh sẽ không hợp tác với ông Renzi nữa. Song chính hai đảng này cũng đang chia rẽ nội bộ xem liệu có nên thương thuyết lại với ông Renzi để thành lập chính phủ hay không. Điều duy nhất họ đồng tình là cần giảm bớt quyền lực lớn mà ông Conte đã ít nhiều tận hưởng trong 11 tháng vừa qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Trong bối cảnh đó, quyền lực và uy tín chính trị của ông Conte đang đứng trước thách thức nghiêm trọng. Hôm 19/1, ông chỉ may mắn vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện với 151 phiếu ủng hộ, đủ số phiếu theo Hiến pháp thay vì đa số tuyệt đối 169 phiếu.

Tuy nhiên, việc khắc phục tác động đại dịch Covid-19 tới sinh mạng, kinh tế, duy trì ổn định chính trị là hai bài toán khó không chỉ của riêng Italy, mà của nhiều quốc gia khác trên thế giới, mà châu Âu cũng không phải là ngoại lệ.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới WHO lại đưa ra cảnh báo: năm thứ 2 của đại dịch Covid-19 (năm 2021) có thể khó khăn hơn so với năm đầu do biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Hãng tin Anh Reuters dẫn nguồn tin từ ông Mike Ryan - người đứng đầu các chương trình khẩn cấp của WHO, cho rằng “chúng ta đang bước sang năm thứ hai của đại dịch, thậm chí còn có thể khó khăn hơn do động lực lây truyền và một số vấn đề mà chúng ta đang gặp phải’’.

Tới thời điểm này, con số người nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt mốc 100 triệu và cũng có tới gần 2,5 triệu người tử vong vì Covid-19.

“Chắc chắn ở bắc bán cầu, đặc biệt là ở châu Âu và Bắc Mỹ, chúng ta đã chứng kiến ​​loại cơn bão hoàn hảo của mùa này - lạnh giá, mọi người ở trong nhà, gia tăng hòa nhập xã hội và sự kết hợp của nhiều yếu tố đã thúc đẩy sự lây truyền gia tăng ở rất nhiều quốc gia” - ông Ryan cảnh báo.

Còn theo bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO thì “sau kỳ nghỉ lễ, ở một số quốc gia, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều trước khi trở nên tốt hơn”.

Trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về biến thể SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn được phát hiện lần đầu tiên ở Anh (ngày 14/12/2020) nhưng hiện đã lan ra toàn thế giới với hơn 70 quốc gia, nhiều chính phủ châu Âu đã công bố các hạn chế dịch nghiêm ngặt và kéo dài hơn. Đáng chú ý, Thụy Sĩ đã yêu cầu làm việc tại nhà và đóng các cửa hàng. Italy mở rộng tình trạng khẩn cấp với Covid-19. Còn nước Đức nỗ lực hơn trong hạn chế tiếp xúc giữa những người để kiểm soát lây lan virus.

Trước tình hìn khó khăn chồng lên khó khăn từ Covid-19, bà Van Kerkhove đã lên tiếng kêu gọi duy trì khoảng cách xã hội: “Càng xa càng tốt. Hãy chắc chắn bạn giữ khoảng cách đó với những người bên ngoài căn nhà của bạn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến thể mới SARS-CoV-2: Khó khăn chồng khó khăn