Muốn mình đẹp hơn là nhu cầu của mọi người. Tuy nhiên, việc bùng nổ “thị trường làm đẹp” thời gian qua cho thấy vấn đề này cần phải được kiểm soát chặt chẽ do có quá nhiều biến chứng nguy hiểm đến với những người “bỏ tiền ra mua nhan sắc”. Việc không ít người sau khi làm đẹp phải tới bệnh viện cấp cứu để mong giữ được mạng sống cho thấy vấn đề đã ở mức rất nguy hiểm.
Làm đẹp không còn là của riêng nữ giới, mà nhiều nam giới cũng tham gia. Thông tin từ một bệnh viện thẩm mỹ tại TPHCM cho biết đã phải “chữa hỏng” cho một người nam suýt thủng đầu mũi sau khi nâng mũi bằng chỉ. Khi phẫu thuật, các bác sĩ đã rút ra cả một búi chỉ rối tung ở sống mũi người này. Bệnh nhân cho biết, anh vốn mặc cảm với chiếc mũi tẹt của mình, tin theo quảng cáo nâng mũi bằng chỉ trên mạng anh đã bỏ tiền ra đến một địa chỉ thẩm mỹ viện “chui” để thực hiện nâng cấp, với kỳ vọng vĩnh viễn chia tay với chiếc mũi tẹt. Tại đây, nhân viên spa dùng một dụng cụ đâm vào đầu mũi và luồn những sợi chỉ vào bên trong.
Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, sóng mũi và đầu mũi xuất hiện nhiều vết tím thâm đen, căng tức, đau nhức. Khi sờ tay vào, có thể cảm nhận từng sợi chỉ đang lồi lên. Cuối cùng không chịu đựng nổi, anh này phải vào bệnh viện cấp cứu, mổ để rút chỉ ra.
Nâng mũi là một trong những dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến. Tuy nhiên do được thực hiện bởi những người tay nghề non yếu nên nhiều người đã phải tìm đến các bệnh viện để cứu vãn cho chiếc mũi của mình khi đứng trước nguy cơ hoại tử, nhiễm trùng, cong sống mũi không thể phục hồi….
Ngoài tay nghề của bác sĩ, nguồn gốc sợi chỉ sinh học sử dụng trong nâng mũi chính là nguy cơ đáng lo ngại nhất hiện nay, khi mà những loại chỉ kém chất lượng, giá rẻ tràn lan trên thị trường.
Kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy có nhiều người chỉ theo học các lớp thẩm mỹ cấp tốc, rồi “sáng tạo” ra nhiều cách làm đẹp nhanh, rẻ tiền để lừa dối khách hàng. Họ đến tận nhà thực hiện làm đẹp cho khách hàng, như nâng mũi, tiêm hóa chất làm căng má, tiểu phẫu loại bỏ nếp nhăn dưới mí mắt... Đã không có kiến thức y học, lại sử dụng chất liệu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, thì hậu quả xảy ra cũng không có gì khó hiểu.
Về phía người có nhu cầu làm đẹp, việc ham rẻ hay tin vào những quảng cáo với "một tấc lên trời" sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Nhu cầu cao từ khách hàng kết hợp với tính hám lợi, những cá nhân không có chuyên môn vẫn tiến hành các thủ thuật, thậm chí phẫu thuật đã khiến cho mức độ rủi ro tăng cao.
Tình trạng thẩm mỹ “chui”, thẩm mỹ không an toàn đang thách thức dư luận. Cách đây chưa lâu, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã ra quyết định xử phạt 193 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh 4 tháng đối với một trung tâm giảm béo “siêu tốc” ở phường 15, quận Phú Nhuận. Đáng ngạc nhiên là trước đó cơ sở này chỉ được cấp phép hoạt động khám da liễu. Khi kiểm tra, phát hiện nhiều kĩ thuật viên tham gia khám, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn sử dụng hệ thống máy laser có xâm lấn giảm béo cho khách hàng.
Về chuyện hút mỡ giảm béo, có thể kể về trường hợp một người phụ nữ sinh năm 1973 đến hút mỡ bụng và lưng tại một sơ sở y tế ở phường 3, quận 5, TPHCM. Chiều cùng ngày, bệnh nhân tụt huyết áp, rách mạch máu, phải chuyển gấp tới Bệnh viện Chợ Rẫy mổ cấp cứu. Trong quá trình mổ, bệnh nhân này mất 6 lít máu và đã phải truyền bù máu. May mà bệnh nhân giữ được mạng sống.
Kinh sợ hơn là câu chuyện xảy ra vào cuối tháng 6 vừa qua, nữ bệnh nhân 27 tuổi, quê Cà Mau, đến khách sạn tại phường 12, quận 10, TPHCM để tiêm filler nâng ngực. Hậu quả, người phụ nữ đã tử vong ngay sau tiêm thuốc tê.
Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng thẩm mỹ “chui” đã trở thành một hiện tượng và thách thức với các cơ quan quản lý nhà nước. Tại TPHCM hiện có hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ nhưng chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động (chiếm chưa đến 15%). Còn lại hơn 85% cơ sở là do UBND quận, huyện cấp giấy chứng nhận.
Có thể thấy hoạt động thẩm mỹ đã biến tướng khi có xu hướng chuyển vào khách sạn, nhà trọ... để né tránh sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Họ bất chấp tai biến, thậm chí tử vong cho người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ chỉ vì lợi nhuận. Đã đến lúc cơ quan chức năng phải mạnh tay với các dịch vụ làm đẹp “chui”, nhất là khi nó đã biến tướng và “thoát” ra khỏi các cơ sở y tế, len lỏi vào khách sạn, nhà nghỉ, kể cả lần mò đến tận nhà dân.