Nhờ tập tục “trọng rừng” nên đến nay nhiều cánh rừng của người Mông ở thôn Lùng Sán, xã Lùng Sui (Si Ma Cai, Lào Cai) hầu như vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Rừng còn thì nước con, có nước thì ruộng lúa vườn tược lại tốt tươi, người dân có cá ăn để ấm bụng, từ đó mà an ninh, trật tự xóm làng cùng tinh thần đoàn kết ngày được nâng cao.
Nhờ tục giữ rừng mà Lùng Sui hiện nay là nơi còn những cây nghiến cổ thụ lâu đời.
Hàng năm, người Mông ở Si Ma Cai lại chọn ngày tốt nhất để làm lễ cúng rừng cho mình. Theo già làng Ly Seo Chùa lễ Nào Lồng - lễ cúng rừng rất quan trọng, phải có trâu đực để làm lễ hiến tế thần linh, tế người đã giúp dân bản giữ rừng.
Anh Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã Lùng Sui chia sẻ: Theo các già làng, lễ cúng rừng có nguồn gốc từ khi hai vị tộc trưởng là Giàng Chẩn Mìn, Giàng Chẩn Hùng đứng lên làm lễ ăn thề tại khu rừng thôn Lùng Sán, nguyện chung sức cùng nhân dân chống lại giặc ngoại xâm. Sau này, khi thực dân Pháp xâm chiếm Bắc Hà và Si Ma Cai, nghĩa quân của tộc trưởng Giàng Chẩn Hùng đã liên kết với quân của các tộc trưởng khác đứng lên đánh giặc. Sau 8 năm, nghĩa quân đã làm chủ cả vùng Bắc Hà, Lùng Phình, Si Ma Cai...
Để tưởng nhớ công lao của hai vị tộc trưởng, nhân dân các dân tộc xã Lùng Sui và huyện Si Ma Cai đã chọn ngày để làm lễ dâng hương ở rừng cấm, cảm tạ công đức hai vị tộc trưởng. Lễ cúng rừng cũng có ý nghĩa cầu thần rừng linh thiêng phù hộ cho những cánh rừng sinh sôi nuôi sống con người, thổ địa phù hộ cho mưa thuận gió hòa, thiên không gây họa, không còn ai phá phách, thú dữ lùi xa, hiền hòa ở lại, cây trồng sai quả, bệnh dịch lùi xa, nhà nhà no ấm… Lễ cúng rừng ở Lùng Sán diễn ra hằng năm, nhưng việc mổ trâu đực hiến tế thần linh chỉ diễn ra hai năm một lần, bà con trong thôn tự nguyện đóng góp tiền mua trâu để tổ chức.
Tại lễ cúng rừng của đồng bào Mông ở thôn Lùng Sán, sau phần lễ cúng và hiến tế thần linh, các già làng, trưởng bản ở Lùng Sui sẽ họp nhau lại để thực hiện một nghi thức đặc biệt quan trọng khác, đó là chọn ra số ngày cấm bản. Các già làng, trưởng bản, người có uy tín cùng chụm đầu bàn bạc để dự đoán điềm tốt - xấu, chuyện lành - dữ của thôn trong thời gian tới.
Theo quy ước từ xa xưa, ai vi phạm vào rừng chặt cây xanh thì căn cứ vào độ lớn của cây hay của người đó mà phải mua lợn tương cùng rượu, gạo, rồi mời thầy cúng làm lễ tạ tội với thần linh vào ngày cúng rừng năm sau. Trong đời sống tâm linh của đồng bào Mông ở Lùng Sui luôn tồn tại những truyền thuyết cổ xưa, những câu chuyện huyền bí về sự linh thiêng của khu rừng cấm. Người dân luôn tin tưởng có thần rừng cai quản và che chở, phù hộ nên đã từ rất lâu, những khu rừng cấm linh thiêng không ai dám vào chặt cây, lấy củi.
Theo anh Giàng Chẩn Hòa, cán bộ văn hóa xã Lùng Sui nói, rừng cấm Lùng Sán là khu rừng cổ xưa nhất ở khu vực Si Ma Cai còn lại đến bây giờ. Khu rừng cấm Lùng Sán là nơi hai tộc trưởng Giàng Chẩn Mìn và Giàng Chẩn Hùng đứng lên làm lễ ăn thề đánh giặc ngoại xâm bảo vệ dân làng, cũng là nơi có những cây đa, cây nghiến hàng trăm năm tuổi. Tại rừng cấm Lùng Sán hiện nay còn 4 cây nghiến cổ thụ, có tuổi từ 500 - 600 năm, cao vượt hẳn so với các cây khác trong khu rừng, tỏa tán xanh tốt quanh năm, được đóng biển, bảo vệ nghiêm ngặt.