Thông qua bộ ảnh gia đình, chị Nguyễn Thị Khánh Minh (30 tuổi, Thái Bình) muốn nhắn nhủ đến những đứa trẻ: “Sau này lớn lên, hãy luôn nhớ rằng gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất, là nơi chào đón các con trở về cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.
Mới đây, bộ ảnh gia đình được chị Khánh Minh đăng tải lên trang Facebook cá nhân bất ngờ nhận về hàng nghìn lượt like, share và bình luận từ cư dân mạng. Những bức hình ghi lại khoảnh khắc tự nhiên của gia đình gắn liền với nhiều ký ức tuổi thơ tại miền quê Việt Nam khiến người xem thích thú.
Bộ hình gồm 24 bức ảnh ghi lại nhiều kỷ niệm gắn liền với thế hệ 8x, những buổi chiều chăn trâu cắt cỏ, que kem trưa hè… Cái đói, nghèo đã in sâu vào tâm thức của những đứa trẻ vùng quê.
Lấy bối cảnh làng quê thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hình ảnh gia đình chị Khánh Minh cùng 2 con nhỏ là: Bùi Đăng Khoa, Bùi Tuệ Lâm làm bao người nhớ về một "tuổi thơ dữ dội".
Nói về ý tưởng thực hiện bộ ảnh, chị Khánh Minh cho biết: “Trước đây, do công việc bận rộn, tôi bị cuốn đi mà ít có thời gian chơi cùng các con, tận dụng trong những ngày giãn cách vì dịch bệnh, tôi dành thời gian vui chơi cùng các con nhiều hơn”.
Để thực hiện bộ ảnh này chị Minh tiến hành bàn bạc trước với ông xã và nhận được sự đồng ý từ anh nhà. Qúa trình chuẩn bị diễn ra nhanh chóng và không gặp nhiều khó khăn, quần áo của bố mẹ được chị tận dụng từ đồ cũ. Đồ của 2 cháu được gia đình đặt may tỉ mỉ, chỉnh chu.
“Tôi lấy chồng xa nên khi nhớ nhà, nhớ quê, tôi thường nghĩ về những ký ức ngày bé. Ở nơi đó có bố - người luôn lam lũ vất vả vì các con. Thông qua bộ ảnh, tôi muốn ghi lại khoảnh khắc đó để vơi đi nỗi nhớ người thân. Khi bố tôi mất, tôi không có một bức hình chụp chung với ông. Vì thế, tôi nghĩ rằng đây là dịp để tôi ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình nhỏ”, chị Minh tâm tình.
Giữa khung cảnh làng quê thanh bình, hình ảnh ông bố hóa thân thành bác bán kem bên chiếc xe đạp và thùng gỗ đựng kem quen thuộc ngày nào đã chạm đến ký ức của những ông bố, bà mẹ sinh ra vào thập niên 80. Đồng thời, gợi nhớ cho người trẻ liên tưởng về một thời gian khó, lưu giữ nét đẹp văn hóa thuở xa xưa.
Hai con nhỏ hóa thân thành cậu bé, cô bé ở những thập niên 8x. Con trai giản dị với áo trắng, quần đen, đi dép cao su. Con gái điệu đà áo hoa cổ sen, dép tổ ong. Những đứa trẻ hồn nhiên, giữa trưa hè chạy theo xe bán kem, mang theo đồ ve chai để đổi lấy đồ ăn giữa trưa hè.
Bộ ảnh lần này là món quà độc nhất vô nhị mà gia đình muốn dành tặng cho Đăng Khoa & Tuệ Lâm. Mong rằng, 2 con lớn lên sẽ có một tuổi thơ tươi đẹp, nhớ về những khó khăn, gian khổ mà bố mẹ đã từng trải qua. Cũng thông qua những bức hình, chị Minh muốn giáo dục tới 2 con: “Sau này lớn lên, các con hãy nhớ rằng gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc, là nơi chào đón các con trở về dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết Online về việc ươm mầm ký ức tuổi thơ cho trẻ em từ ngày bé, Nhà báo Ngô Bá Lục nhìn nhận: “Khi xã hội phát triển, kèm theo rất nhiều những thứ khác cùng phát triển theo, trong đó, công nghệ phát triển đang mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội, nhưng nó cũng có những mặt trái, đặc biệt trong việc giáo dục và hình thành nhân cách, tâm hồn trẻ thơ. Những đứa trẻ ngày nay, đặc biệt ở các đô thị hoặc những vùng nông thôn mới có điều kiện kinh tế, chúng chỉ có học và học.
Theo nhà báo Ngô Bá Lục, các gia đình cần dành thời gian quan tâm đến con cái nhiều hơn nữa, không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất cho con mà còn quan tâm bồi dưỡng tâm hồn cho những đứa trẻ để chúng không trở thành những con robot vô cảm như rất nhiều người trẻ hiện nay.
Ngắm một vài bức ảnh gia đình chị Nguyễn Thị Khánh Minh: