Bộ Công Thương công bố hàng loạt vi phạm của EVN và các đơn vị liên quan cung ứng điện

Thúy Hằng 12/07/2023 18:55

Sau 1 tháng thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan về thực hiện quy định quản lý và điều hành cung cấp điện, hàng loạt sai phạm tại đây đã được Bộ Công Thương kết luận , yêu cầu xử lý nghiêm. EVN cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022, trong đó công ty mẹ EVN lỗ sau thuế 22.256 tỉ đồng.

Điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối

Ngày 12/7 Bộ Công Thương đã họp và kết luận kết quả thanh tra chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện.

Cụ thể các vi phạm, khuyết điểm của EVN và các đơn vị liên quan đến cung cấp điện bao gồm: Chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; Chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện

Không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các Quyết định, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng

Điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm

Vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023

Để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6 năm 2023, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất-kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.

Từ những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm nêu trên, Bộ Công Thương đã đề nghị và yêu cầu:

Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (theo phân cấp quản lý nhà nước) căn cứ Kết luận thanh tra, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với Hội đồng thành viên EVN, các cá nhân có liên quan.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam căn cứ Kết luận thanh tra, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với Ban Tổng Giám đốc, các Ban tham mưu, các đơn vị thành viên và cá nhân, tập thể có liên quan.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, căn cứ Kết luận thanh tra, chỉ đạo Tổng công ty Điện lực - TKV, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tập thể, cá nhân vi phạm có liên quan.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than căn cứ Kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực được giao, tiến hành xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm (nếu có).

Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam khắc phục các tồn tại

Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản và các đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện các biện pháp trong quản lý và điều hành cung cấp điện nêu tại Kết luận Thanh tra, chủ động khắc phục các tồn tại, hạn chế kịp thời, không để tình trạng thiếu điện, tiết giảm điện trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 6/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương nhanh chóng lập đoàn thanh tra về quản lý, cung ứng điện của EVN trong thời gian 2 năm từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 1/6/2023.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải rà soát, đánh giá kỹ về tình hình cung ứng điện hiện nay, nhất là các yếu tố phát sinh ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung ứng điện để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khẩn trương hướng dẫn EVN xây dựng các kịch bản chủ động kịp thời ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện và tổ chức thực hiện theo quy định. Hoàn thành việc này trước ngày 10 tháng 6 năm 2023.

Ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu đoàn thanh tra về cung ứng điện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Công Thương yêu cầu thực hiện kế hoạch thanh tra trong thời gian 30 ngày, không kể ngày nghỉ. Thành phần tham dự đoàn thanh tra gồm lãnh đạo các đơn vị Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Dầu khí và than.

Năm 2022, EVN lỗ hơn 20.700 tỷ đồng

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được Deloite kiểm toán cho thấy, năm 2022, EVN lỗ hơn 20,7 nghìn tỷ đồng.Theo báo cáo, kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2022, EVN lỗ 20,7 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2021 đơn vị này lãi hơn 14,7 nghìn tỷ đồng.

Năm 2022, nếu doanh thu hợp nhất của EVN là hơn 463 nghìn tỷ đồng thì doanh thu từ bán điện chiếm hơn 98%, với trên 456 nghìn tỷ đồng.

Các số liệu được kiểm toán cũng cho thấy lý do lỗ của tập đoàn này. Đó là giá bán điện thấp hơn giá mua vào, thể hiện ở doanh thu bán điện và giá vốn điện.

Cụ thể, doanh thu bán điện năm 2022 của công ty mẹ EVN là 372,9 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, giá vốn điện lại lên tới hơn 402,6 nghìn tỷ đồng. Điều này có nghĩa, EVN bán thấp hơn giá vốn tới 29,7 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, năm 2021 giá vốn điện của EVN chỉ là 331,6 nghìn tỷ đồng. Lý do chủ yếu khiến chi phí mua điện tăng cao là bởi vì giá than tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Công Thương công bố hàng loạt vi phạm của EVN và các đơn vị liên quan cung ứng điện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO