Thời gian qua, ở khắp các địa phương trong cả nước, lực lượng công an đã không quản ngày đêm làm căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho người dân để đạt cho được mục tiêu: Đầu tháng 7 tới đây, người dân khi đến cơ quan hành chính nhà nước không cần dùng quá nhiều loại giấy tờ như trước.
Dùng công nghệ thông tin để quản lý cư dân
Theo Bộ Công an, Luật Cư trú năm 2020 cơ bản kế thừa quy định của luật hiện hành, đồng thời sửa đổi, bãi bỏ, làm rõ hơn các quy định trước đây nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân.
Cùng với đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú mà trọng tâm là xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Khác với luật hiện hành, Luật Cư trú năm 2020 quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Theo đó, lực lượng cảnh sát quản lý cư trú sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Do đó, việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện TTHC hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo CCCD hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.
Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy là mục tiêu quan trọng nhất của dự án. Với tiến độ hiện nay, dự kiến đến 1/7 có thể hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giai đoạn hai và vận hành một cách đồng bộ.
Nếu hệ thống này vận hành, người dân không cần phải cầm quyển sổ hộ khẩu giấy đi giao dịch, vì tất cả thông tin cư trú được cập nhật trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mỗi công dân có một mã số định danh, một tệp hồ sơ riêng, cảnh sát chỉ cần tra họ tên trên máy tính để xem xét, hoàn thiện hồ sơ. Thậm chí, người dân có thể ngồi tại nhà khai báo thủ tục cư trú trực tuyến…
Thuận cho người dân, tiện cho công tác quản lý
Trước thông tin thời gian tới đây hộ khẩu giấy sẽ bỏ để tiến tới quản lý cư trú bằng công nghệ thông tin, nhiều người dân mong chờ và tỏ ra đồng tình với chủ trương này.
Ông Trần Hanh, tổ dân phố 32 phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, trước đây quyển sổ hộ khẩu “hành” người dân vô cùng. Chỉ riêng việc xin xác nhận tạm trú từ chỗ này đến chỗ kia ngốn rất nhiều giấy tờ và thời gian đi lại của người dân. Đến nay, ngay cả hộ khẩu cũng quản lý bằng điện tử, điều này không chỉ thuận lợi cho cơ quan chức năng trong quản lý nhân khẩu mà còn tạo thuận lợi cho người dân hơn.
Về vấn đề bỏ sổ hộ khẩu giấy, luật sư Nguyễn Hữu Toại, Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho biết, ngày 29/3 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 37/2021/NĐ-CP, hướng dẫn Luật Cư trú, trong đó có quy định trường hợp khi người dân tiến hành thay đổi thủ tục, cơ quan công an sẽ ghi các thay đổi vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai cấp thẻ CCCD gắn chíp, trong đó lưu trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu, khi quét thông tin trên hệ thống, sẽ có đầy đủ thông tin về nhân thân, gia đình.
Đây là bước tạo điều kiện cho chính quyền điện tử hoạt động, tuy nhiên đây là cả một lộ trình dài. Khi Nghị định 37/2021/NĐ-CP, có hiệu lực (14/5/2021), người dân có thể truy cập vào cổng thông tin dữ liệu quốc gia về dân cư, lấy thông tin của cá nhân mình nộp cho các cơ quan nếu có yêu cầu.
Theo một lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03) - Bộ Công an, việc quản lý cư trú theo phương thức mới bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ có nhiều thuận lợi đối với công dân và cơ quan quản lý nhà nước.
Trước hết, đối với người dân, việc quản lý cư trú theo phương thức mới, công dân được giảm TTHC liên quan đến đăng ký cư trú, như được bỏ hoàn toàn 7 thủ tục: Cấp đổi; cấp lại sổ hộ khẩu; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi; cấp lại sổ tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú; gia hạn tạm trú. Công dân được giảm chi phí khi thực hiện TTHC liên quan (như chi phí sao y chứng thực), cấp, cấp đổi, cấp lại các giấy tờ có liên quan nếu bị mất, hỏng…Điều này không chỉ tạo điều kiện cho người dân mà còn tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ cho cả xã hội.
Đối với cơ quan nhà nước, thông qua dự án sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư và giảm thiểu chi phí cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc khai thác dữ liệu về dân cư, giảm nguồn lực, chi phí để thực hiện nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân.
Bên cạnh đó, giảm chi phí để lưu trữ khối lượng hồ sơ, giấy tờ tại cơ quan hành chính Nhà nước. Đồng thời tăng cường công khai, minh bạch tất cả các TTHC, đẩy mạnh giải quyết TTHC công qua mạng; kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, lĩnh vực được thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Không thu hồi đồng loạt
Việc bỏ hộ khẩu giấy liệu cơ quan chức năng có yêu cầu người dân phải đi nộp lại những cuốn sổ này hay không, điều này có gây phiền toái gì cho người dân hay không? Lãnh đạo Cục Pháp chế, Bộ Công an cho biết, chỉ những trường hợp có thay đổi, cập nhật thông tin mới thu hồi sổ hộ khẩu đã cấp, chứ không phải thu hồi đồng loạt. Chỉ thu sổ hộ khẩu khi người dân đến làm các thủ tục về đăng ký cư trú và thấy các thông tin không chính xác, chứ không phải người dân tự nguyện mang sổ đến nộp.
“Ví dụ ông A có hộ khẩu ở quận B, nhưng khi ông A đến đăng ký chuyển sang một địa chỉ khác, khi đó thông tin trong sổ hộ khẩu về nơi thường trú không đúng thì trong quá trình làm thủ tục công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu đó” - vị lãnh đạo này giải thích.
Cũng theo lãnh đạo Cục Pháp chế, sau khi thu hồi sổ hộ khẩu, người dân đi làm thủ tục hành chính sẽ không bị ảnh hưởng gì vì mọi thông tin cá nhân đã có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ quan chức năng sẽ sử dụng thông tin trên cơ sở dữ liệu này. Bộ Công an đang xây dựng các văn bản báo cáo với Chính phủ về việc công dân được quyền khai thác thông tin của mình từ cơ sở dữ liệu cư trú thông qua số định danh cá nhân của họ.
“Người dân có số định danh cá nhân thì họ khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu cư trú thông qua số định danh đó và có thể khai thác trên cổng thông tin dịch vụ công, các hình thức khác như tin nhắn hoặc gửi văn bản yêu cầu cơ quan công an cung cấp” - lãnh đạo Cục Pháp chế cho hay.
Chuyển từ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng điện tử, người dân chỉ cần dùng một loại giấy tờ khi đến cơ quan hành chính nhà nước là điều mà người dân rất mong chờ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, việc làm mã định danh cá nhân thông qua làm căn cước công dân có gắn chip cần được đảm bảo tính liên thông về cơ sở dữ liệu, nhưng phải có cách thức quản lý phù hợp, bảo mật bằng cách phân nhánh, phân quyền từng cấp độ thông tin. Đặc biệt, độ bảo mật thông tin cần được tuân thủ nghiêm ngặt để tránh những hệ lụy không đáng có có thể xảy ra.