Ngay phía trước tôi là ngôi nhà số 10, phố Rue Nicolas Appert. Nơi đây, hơn 1 năm về trước, bọn khủng bố đã xả súng thảm sát các phóng viên của tờ báo châm biếm nổi tiếng Pháp là Charlie Hebdo. Với bó hoa tươi thắm trên tay, người viết đặt lên bức tường ngả vàng trước ngôi nhà, dành một phút tưởng niệm cho 12 đồng nghiệp xấu số của mình.
Ảnh minh họa.
Ngày 7/1/2015, hai kẻ khủng bố là anh em ruột, Said và Chérif Kouachi, đã bất ngờ xông vào tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris, xả những tràng kalachnikov vào ban biên tập đang họp. Toàn thế giới sững sờ trước cuộc tấn công vào báo chí tự do, trụ cột của nền dân chủ. 12 nhà báo đã thiệt mạng, nhưng vụ khủng bố này còn để lại cú sốc lớn hơn nhiều những cái chết thương tâm.
Con phố Rue Nicolas Appert sau hơn 1 năm xảy ra thảm hoạ, vẫn để lại sự ám ảnh với người dân nơi đây. Họ gần như không tiếp xúc với người lạ, những cánh cửa được đóng vội khi chúng tôi bước chậm tới tòa soạn Charlie Hebdo.
Chỉ có căn nhà số 10 là vẫn làm việc bình thường. Các đồng nghiệp của chúng tôi vẫn làm việc hăng say như chưa bao giờ có sự đổ vỡ, mất mát.
Một đồng nghiệp người Pháp kể với tôi rằng, cuộc sống của các nhà báo hiện nay của Charlie Hebdo vẫn bị đe dọa. Nhà báo Zined El Rhazoui, người đã thoát chết do không có mặt tại tòa soạn ngày định mệnh 7/1, đến nay vẫn bị đe dọa nghiêm trọng tới mức cô phải luôn có nhân viên an ninh bảo vệ. Nhưng Zined vẫn làm việc như chưa bao giờ được làm. Cô không chùn bước trước những tội ác, bất chấp nguy cơ khủng bố luôn hiện hữu.
Đặt bó hoa tưởng niệm các đồng nghiệp, tôi bất giác nhận ra ở đâu nghề báo cũng gặp nhiều rủi ro, nguy hiểm. Những nhà báo trên mặt trận chống tiêu cực, khủng bố cũng giống như những chiến sĩ cầm súng bảo vệ Tổ quốc của mình.
Sắp tới Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cảm xúc trong tôi bồi hồi khó tả. Cái ngày tôn vinh những người làm báo, tôi sẽ không được cùng những đồng nghiệp ngồi nhâm nhi ly café hay uống những cốc bia lạnh để cùng nhau hàn huyên về mọi thứ trong cuộc sống. Nhưng sự trải nghiệm cảm giác làm báo giữ nơi vẫn bị đe doạ khủng bố hàng ngày như ở Charlie Hebdo, là một điều gì đó rất thiêng liêng và quý trọng hơn nghề báo của mình.