Câu chuyện về trường chuyên tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận trước đề xuất không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.
Lớp học trong trường chuyên tổ chức theo các môn học
Bộ GDĐT vừa công bố lấy ý kiến góp ý về Dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Thời gian góp ý đến ngày 14/12/2022.
Theo Dự thảo, mục tiêu của trường chuyên là dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Một trong những quy định đáng chú ý tại dự thảo là không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông, gồm: Toán, tin học, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ 1. Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.
Trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên quyết định số môn chuyên và số lớp chuyên đối với từng môn chuyên.
Theo Dự thảo, ngoài các nhiệm vụ và quyền của học sinh quy định tại Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, học sinh trường chuyên còn có nhiệm vụ và quyền như: Tích cực tham gia các kỳ thi, hội thi, hoạt động văn hóa, xã hội và làm quen với nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật theo yêu cầu của nhà trường;
Trường hợp học sinh có năng khiếu đặc biệt, có thể được học vượt lớp hoặc vượt cấp theo quyết định của cơ quan quản lý trường chuyên…
Dự thảo của Bộ GDĐT cũng quy định về việc nếu chuyển học sinh chuyên này sang trường chuyên khác phải có điều kiện. Cụ thể, nếu trường nơi học sinh chuyển đi và trường nơi học sinh chuyển đến đã tiến hành tuyển sinh bằng kỳ thi chung (chung đề thi, sử dụng cùng một hướng dẫn chấm thi) thì điều kiện là học sinh phải đạt đủ tiêu chuẩn trúng tuyển vào trường chuyên.
Trường hợp trường nơi học sinh chuyển đi và nơi học sinh chuyển đến không tuyển sinh bằng kỳ thi chung thì học sinh chuyên phải tham dự thi tuyển bổ sung học sinh vào lớp chuyên.
Tranh luận nên hay không nên tổ chức lớp không chuyên
Đề xuất không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ phía các phụ huynh. Đồng tình với đề xuất này, anh Nguyễn Hồng Giang – phụ huynh có con học lớp 10 ở Hà Nội cho rằng, hệ thóng trường chuyên nên chỉ tập trung cho các lớp chuyên, đi đúng với mục tiêu đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài.
“Các lớp không chuyên trong trường chuyên tồn tại chỉ một phần đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh nhưng phần khác nhằm thỏa mãn tâm lý trọng trường chuyên của phụ huynh. Vì vậy, học sinh có học lực bình thường nên học các lớp không chuyên ở các trường khác”, anh Giang nói.
Con gái chị Hoàng Bích Ngọc (quận Tây Hồ, Hà Nội) năm nay học lớp 9. Mong muốn con đỗ vào lớp 10 của một trường chuyên nên chị Ngọc nêu ý kiến, không nên xóa bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên. Bởi theo chị Ngọc như vậy sẽ thiệt thòi cho những học sinh gần đạt điểm đỗ vào các lớp chuyên cũng như sẽ bỏ sót nhân tài vì thực tế đã có nhiều học sinh lớp không chuyên tại tường chuyên đạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế.
Dưới góc độ giáo viên từng là hiệu trưởng một trường THCS vừa có lớp chọn học sinh giỏi toàn thị xã, vừa có lớp không chuyên trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ông Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho rằng, việc tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên là không hợp lý.
Theo ông Tuấn Anh, mục tiêu của trường chuyên là để bồi dưỡng nhân tài nên sự đầu tư về cơ sở vật chất cũng như con người luôn được ưu tiên để hướng tới mục tiêu đó. Thường thì mỗi tỉnh chỉ có một trường chuyên để làm nhiệm vụ trên. Tất cả các trường còn lại đều dạy lớp không chuyên.
“Vậy chẳng có lý do gì bắt trường chuyên gánh thêm nhiệm vụ dạy các lớp không chuyên. Chưa kể nếu đặt các lớp thường trong trường chuyên sẽ dẫn tới những bất bình đẳng ngay trong một trường. Bởi giáo viên dạy lớp chuyên sẽ hưởng chế độ khác giáo viên dạy lớp không chuyên”.
Đồng quan điểm, ông Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho hay, ông đồng tình với đề xuất không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Hiện nay, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cũng không tổ chức lớp không chuyên.
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, ông Hiếu phân tích, việc duy trì các lớp không chuyên trong trường chuyên có hai điều bất ổn.
Thứ nhất là làm giảm chất lượng học tập của học sinh chuyên. Bởi nhiều học sinh không học lớp chuyên nhưng muốn được học trường chuyên chỉ để có “cái mác” trường chuyên hay thỏa mãn nhu cầu, mong muốn “con học trường chuyên” của phụ huynh.
Thứ hai, từ thực tế đó sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực trong tuyển sinh đầu vào lớp 10 các trường chuyên THPT.
Thời gian gần đây, trường chuyên luôn là chủ đề nóng gây nhiều tranh cãi bởi hệ thống này đang bộc lộ nhiều bất cập. Theo Bộ GDĐT, sau khi Đề án phát triển trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 được phê duyệt, hiện nay cả nước có 77 trường THPT chuyên. Cũng theo đánh giá của Bộ, dù chất lượng giáo dục trường chuyên cải thiện nhưng mô hình trường chuyên vẫn có những hạn chế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các trường chuyên đang đi chệch hướng so với mục tiêu đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài, thay vào đó là chạy theo thành tích. Xóa bỏ hay chỉ cần đổi mới hoạt động trường chuyên là chủ đề tranh luận nảy lửa trong suốt thời gian qua.
Ông Trần Trung Hiếu cho rằng, để hệ thống trường chuyên thực sự là “cái nôi” bồi dưỡng nhân tài cho đất nước thì khâu tuyển sinh đầu vào của các trường chuyên cần phải chặt chẽ, chuẩn mực, không được để các yếu tố tiêu cực xen lẫn.