Bỏ ngỏ chất lượng hàng đa cấp

T.Hằng 02/12/2021 06:23

Hoạt động kinh doanh đa cấp đang lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh để lôi kéo người tham gia qua mạng Internet, “thổi phồng” công dụng của các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Ở tuổi 70, quyết định tăng sức đề kháng trong bối cảnh dịch bệnh, bà Nguyễn Thị Nguyệt ( Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) tìm hiểu các nhãn sữa để mua uống. Bà đã quyết định nhờ bạn thân mua 6 hộp sữa Alphalipid với tổng số tiền hơn 7,2 triệu đồng.

“Nếu tôi trực tiếp mua ở ngoài cửa hàng, giá còn cao hơn, nhưng mua qua mối người bạn, có mã nên được giảm. Tôi nghe quảng cáo, rồi đọc trên mạng thấy nội dung giới thiệu sữa Alpha nhập khẩu, tăng đề kháng nên mua. Thực ra cũng chỉ là biết quảng cáo như vậy, chứ sử dụng gần 2 năm nay chưa có gì khác biệt”- bà Nguyệt chia sẻ.

Nhiều người dân cũng cho biết, trên không gian mạng xuất hiện các sản phẩm quảng cáo, uống các thực phẩm chức năng chữa bệnh xương khớp nhưng khi sử dụng vẫn không thấy khá hơn.

Ông Trần Bốn Bảy (Khu đô thị Ciputra , Hà Nội) cũng chia sẻ, khi tuổi già ập đến, đọc hay nghe ở đâu có sản phẩm tốt cho sức khỏe là mua. Ông cũng nghe bạn bè giới thiệu mua sữa non Alpha Lipid và uống gần 20 hộp nhưng tình hình vẫn như cũ, đến thời điểm vẫn phải vào viện tiêm mấy loại thuốc tây.

Trên thị trường, nhiều người bán hàng giới thiệu sữa non Alpha Lipid là sản phẩm 100% sữa non, sản phẩm có giá bán rất cao, từ 1.050.000-1.536.000 đồng/hộp 450g. Đây là sản phẩm đăng ký bán của một công ty bán hàng đa cấp có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh. Việc quảng cáo các sản phẩm được buôn bán theo hình thức đa cấp dù đã nói rất lâu nhưng vẫn luôn trong cảnh: thổi phồng chất lượng, nói quá về công dụng.

Mới đây nhất, chính Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đã phát đi thông tin cảnh báo về thực phẩm chức năng có thương hiệu là APLGO. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định, thời gian gần đây, qua rà soát đơn vị thu thập một số thông tin của các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận hợp pháp với thực phẩm chức năng có thương hiệu là APLGO.

Cụ thể, trên mạng Internet và một số tổ chức, cá nhân đã tổ chức giới thiệu, kêu gọi người dân tham gia đầu tư, xây dựng hệ thống và tiêu thụ các sản phẩm viên ngậm tế bào gốc mang tên APLGO với cam kết thu về số tiền lớn từ nguồn thu nhập thụ động.

Để chặn hoạt động quảng cáo thổi phồng chất lượng hàng đa cấp, Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ xem xét thông qua Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/ 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo đó, dự thảo bổ sung quy định đối với trường hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp theo hình thức trực tuyến (trong đó bao gồm việc giới thiệu thông tin về sản phẩm bán hàng đa cấp) thì doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải thông báo đến Sở Công Thương địa phương (trong trường hợp có sự tham gia của người tham gia bán hàng đa cấp tại một địa phương đó) hoặc Sở Công Thương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính (trong trường hợp có sự tham gia của người tham gia bán hàng đa cấp tại nhiều địa phương). Quy định này nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát về nội dung các hội nghị, hội thảo, đào tạo trong hoạt động bán hàng đa cấp hiện nay.

Theo khẳng định của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, mục đích của việc đề nghị sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh là tăng cường quản lý việc cung cấp thông tin về sản phẩm trong bán hàng đa cấp bởi thời gian qua, thực trạng đưa thông tin theo hướng “thổi phồng” công dụng sản phẩm, đặc biệt đối với loại sản phẩm là thực phẩm trong hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra khá phổ biến.

Nhất là trong bối cảnh xã hội thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid-19 thì hoạt động này càng diễn ra sôi động thông qua các phương tiện Internet như mạng xã hội, ứng dụng di động, ứng dụng cuộc họp trực tuyến...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bỏ ngỏ chất lượng hàng đa cấp