Trong khi Sputnik-V vẫn đang vấp phải những định kiến cực đoan từ phương Tây thì Nga đã nhận được đơn đặt hàng vaccine từ ít nhất 20 quốc gia trên thế giới.
Niềm tin từ nhiều nước
Ngày 13/8, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Harry Roque cho biết, nếu việc điều trị được cơ quan giám sát ma túy của Philippines chấp thuận, Tổng thống Duterte sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Nga sớm nhất vào ngày 1/5/2021.
Trước đó, Tổng thống Duterte cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tự mình thử nghiệm loại thuốc đầy hứa hẹn này.
Ông Roque thông tin thêm, một hội đồng chuyên gia sẽ kiểm tra kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một và giai đoạn hai của vaccine Sputnik-V vào tháng tới, đồng thời khẳng định, Manila rất mong được hợp tác với Moscow để tìm ra phương pháp điều trị Covid-19.
Cũng trong ngày, Thống đốc Bang Tierra del Fuego của Argentina Gustavo Melella cũng đã lên tiếng thể hiện sự quan tâm đến việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của Nga.
“Chính quyền Bang đã liên hệ với Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), nhóm ChemRar và Đại sứ quán Nga tại Argentina để bày tỏ sự quan tâm của chúng tôi trong việc tham gia chương trình sản xuất và quảng bá vaccine Sputnik-V”, ông Melella viết trên Twitter .
Ông Melella tin tưởng sự hợp tác giữa các quốc gia là cần thiết để đẩy lùi đại dịch Covid-19 và rằng, vaccine do Nga giới thiệu, với phác đồ liều kép sẽ tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài.
Trước đó cùng ngày, RDIF và bang Parana của Brazil đã đồng ý hợp tác sản xuất và tiếp thị vaccine Sputnik-V.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Jorge Callado, người đứng đầu Viện Công nghệ Parana (Tecpar) của Brazil cho biết, Brazil có thể bắt đầu sản xuất Sputnik-V vào nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, ông Callado cũng lưu ý rằng, Chính phủ Brazil có thể nhập khẩu trực tiếp sớm hơn nếu Sputnik-V được chứng nhận và đăng ký tại Brazil.
Ông Luis Paulo Mascarenhas, người đứng đầu bộ phận quan hệ quốc tế của Parana cho biết trên CNN rằng, trước khi giai đoạn thứ ba của thử nghiệm lâm sàng bắt đầu, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Parana (Tecpar) sẽ phân tích tất cả các tài liệu đã có về các giai đoạn thử nghiệm trước đó được thực hiện tại Nga. Ông khẳng định, điều này sẽ được tiến hành theo các tiêu chuẩn của Brazil và quốc tế.
Cũng trong ngày 13/8, trả lời phỏng vấn của hãng tin Tass, Đại sứ Nga tại Venezuela Sergei Melik-Bagdasarov cho biết, Venezuela đã sẵn sàng tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine ngừa Covid-19 của Nga. Nếu thử nghiệm thành công, Sputnik-V sẽ được sử dụng và quảng bá trên thị trường Venezuela.
"Ngay cả trước khi Sputnik-V được đăng ký, chúng tôi đã nhận được lời đề nghị từ các đối tác Venezuela với mong muốn tham gia thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine ngừa Covid-19”, ông Bagdasarov nói. Nhà ngoại giao cũng cho biết thêm rằng, Venezuela rất hoan nghênh thông tin Nga chính thức đăng ký vaccine này.
Tuy nhiên theo ông Bagdasarov, vẫn còn quá sớm để thảo luận về ngày cụ thể cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho Venezuela bởi các biện pháp hạn chế đơn phương do Mỹ và một số quốc gia phương Tây đưa ra chống lại Caracas đang ngăn cản chính phủ Venezuela đảm bảo mọi quyền lợi cho người dân của họ trong đại dịch.
Đại sứ Bagdasarov bày tỏ hy vọng, Venezuela sẽ là một trong số những quốc gia đầu tiên được hưởng thành quả từ thành tựu nghiên cứu vaccine của Nga.
Thế cực đối lập
Ở một thế cực đối lập, ngày 13/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xuất hiện với tư cách là “James Bond” trên trang nhất tờ Liberation của Pháp.
Không giống như điệp viên giả tưởng người Anh luôn mang theo súng lục, trong hình ảnh trên trang báo, ông Putin được trang bị một ống tiêm được cho là chứa vaccine ngừa Covid-19.
Tuy nhiên, bài báo rõ ràng không vẽ Tổng thống Putin như một vị cứu tinh của nhân loại trong đại dịch, mà thay vào đó là chỉ trích Moscow “vô trách nhiệm” trong việc vội vàng tung ra một loại vaccine khi nó chưa được kiểm chứng một cách hoàn hảo. Đây cũng là quan điểm chung của Mỹ và các nước phương Tây đối với Sputnik-V của Nga.
Trước đó, ngày 11/8, Bộ Y tế Nga đã chính thức đăng ký vaccine Sputnik-V do Viện Gamaleya và RDIF phát triển. RDIF và các đối tác đã đầu tư 4 tỷ rúp (54,3 triệu USD) vào việc sản xuất loại vaccine này.
Tuy nhiên, việc đăng ký vaccine chưa phải là kết thúc của quá trình thử nghiệm. Giám đốc điều hành RIDF Kirill Dmitriev cho biết, các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 đã bắt đầu vào ngày 12/8 và cũng sẽ được tổ chức ở nước ngoài, cụ thể là ở Philippines, Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng xác nhận, loại vaccine này đã vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra cần thiết và chia sẻ rằng, con gái ông đã được tiêm vaccine Sputnik-V.