Việc thiếu giáo viên thường xảy ra ở bậc mầm non và tiểu học ở các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Ngày 8/11, Quốc hội tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, ĐB Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) cho biết, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên các cấp học. Đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa không có điều kiện thực hiện tự chủ thì việc thiếu giáo viên càng thiếu. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào giải quyết thiếu giáo viên trong thời gian tới?”-bà Lịch nêu rõ.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, để giải quyết được vấn đề này cần có giải pháp đồng bộ. Theo ông Sơn, việc thiếu giáo viên thường xảy ra ở bậc mầm non và tiểu học ở các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. “Dù 5 năm qua chúng ta đã sắp xếp, dồn, dịch được nhiều điểm trường tuy nhiên công tác dồn, dịch điểm trường này cần được tiếp tục thực hiện ở nhiều khu vực.
“Với việc giảm biên chế 10%, qua trao đổi với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên thì tỷ lệ này không nên đặt ra một cách cào bằng, máy móc, giống nhau ở các địa phương. Đối với các nơi tỷ lệ biên chế viên chức giáo dục lớn hơn thì cần cân nhắc việc giảm này để đảm bảo đủ giáo viên. Đối với những vùng có điều kiện kinh tế khá hơn, có khả năng xã hội hóa tốt hơn, cần có giải pháp chia sẻ với các tỉnh miền núi và khó khăn. Ngoài ra, cần có những giải pháp về nguồn tuyển, chuẩn bị nguồn tuyển, đầu vào, để khi các tỉnh miền núi, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn tiến hành tuyển thì sẽ sẵn có nguồn ứng tuyển”-ông Sơn cho hay.
Trả lời thêm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà bày tỏ quan điểm đồng tình với bà Lịch. Phó Thủ tướng cho rằng, tình trạng cán bộ đang thiếu cần được xem xét, dự báo nhu cầu, quy hoạch. Đây không chỉ đối với ngành giáo dục mà còn các ngành khác ở vùng sâu, vùng xa. Việc sắp xếp trường lớp bố trí dân cư cần đi kèm với việc đầu tư. Tăng cường huy động giáo viên, đào tạo giáo viên tại chỗ. Bên cạnh việc tự chủ, xã hội hoá xây dựng cơ sở vật chất giáo dục thì cũng cần tăng cường đầu tư nhà nước ở vùng sâu, vùng xa, trong đào tạo cán bộ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.