Ngày 7/6, Quốc hội bắt đầu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Các đại biểu tập trung “truy” về công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, vật tư nông nghiệp…
Phân bón tăng phi mã, nông sản bán không ai mua
Đại biểu Chu Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) chất vấn: Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các loại vật tư nông nghiệp đầu vào tăng trong những năm qua, làm cho người nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lấy công làm lãi, thậm chí là thua lỗ.
Đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát, giá cả các loại hàng hóa càng tăng phi mã. Đây là bài toán cấp thiết đối với ngành nông nghiệp. Đề nghị Bộ trưởng cho biết về các giải pháp trong thời gian tới để hỗ trợ, giúp người nông dân thích ứng và ứng phó với tình hình này?
Không phải có tiền là giải quyết được vấn đề
Tại buổi chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí hỏi, Nghị định 67 giúp ngư dân đóng tàu sắt vươn khơi bám biển đã hơn 7 năm rồi, nhiều ngư dân giỏi sau đó mắc nợ. Nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ việc này?
Bộ trưởng Hoan đáp, Việt Nam có 800.000 ngư dân thường xuyên ra khơi. Nghị định 67 nhằm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi bám biển, vừa mang tính chất kinh tế, vừa giữ gìn biển đảo. “Tuy nhiên, có những ngư dân giỏi sau này lại khó khăn, nợ ngân hàng. Vấn đề này liên quan đến các thiết chế tài chính, ngân hàng, bảo hiểm”, ông nói và cho biết Bộ đang dự thảo thay thế Nghị định 67.
Theo Bộ trưởng, có rất nhiều bài học được rút ra. Nhưng có cái không lường trước được liên quan đến tổ chức, có trách nhiệm Bộ NN&PTNT và các đơn vị khác. Qua chương trình này, ông Hoan cho rằng “không phải cứ có tiền là giải quyết được vấn đề mà phải tổ chức ngành hàng, huấn luyện đội tàu, ngư dân, hệ thống quản lý thủy sản địa phương”. Khâu xét chọn các ngư dân tham gia hưởng chính sách của Nghị định 67 để được vay vốn đóng tàu cần được chặt chẽ hơn...
Nạn phân bón giả, kém chất lượng cũng là vấn đề đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) đặt ra. Ông Phước đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, tràn lan trên thị trường hiện nay.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, do tác động của dịch Covid-19, có sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng làm gia tăng giá nguyên liệu đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi.
Ngay sau khi đứt gãy chuỗi cung ứng, Bộ đã phối hợp Bộ Công thương tổ chức nhiều cuộc họp với các ngành hàng, các doanh nghiệp phân bón để thuyết phục việc kiểm soát giá.
Tuy nhiên vừa qua, bà con nông dân phản ánh có tình trạng gìm giá, tích trữ hàng để tạo ra cú sốc giá. Bộ Công thương đã chỉ đạo điều tra, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm.
Theo ông Hoan, mới đây tỉnh An Giang cũng đã có sáng kiến tổ chức trưng bày các loại phân bón giả để người dân có thể phân biệt khi mua. Việc vừa dùng biện pháp hành chính, vừa dùng biện pháp truyền thông để tăng cường phổ biến cho người dân là một trong những cách đối phó với nạn phân bón giả.
Để hạn chế tác động của giá phân bón cũng như một số nguyên liệu đầu vào khác như chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi, Bộ trưởng Hoan cho rằng, cần gắn với câu chuyện tự chủ, sử dụng tuần hoàn các phế phẩm trong nông nghiệp để thay thế một phần thức ăn, chế phẩm sinh học trong phân, thuốc, thức ăn chăn nuôi.
“Về lâu dài, đây là giải pháp hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp, trồng trọt, để tạo ra thương hiệu nông nghiệp Việt Nam”- Bộ trưởng nhấn mạnh đây không chỉ là biện pháp mang tính tức thời, đồng thời kêu gọi 14 triệu nông dân tham gia kinh tế tập thể, gia nhập các hợp tác xã nông nghiệp.
“Về nguyên tắc, mua càng lớn chiết khấu càng nhiều, sẽ giảm được giá nguyên liệu đầu vào. Như vậy, chúng ta sẽ vừa giảm được lượng mua do dùng các chế phẩm sản xuất được, vừa giảm được giá đầu vào. Ít nhất chúng ta cũng đối mặt được với rủi ro thị trường trong những lúc bất ổn”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bao giờ Việt Nam viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ thế giới?
Đó là câu hỏi đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đặt ra: Đến khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp? đến bao giờ Việt Nam có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ của thế giới?
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, vùng ĐBSCL có thói quen 1 năm làm 2-3 vụ để tăng năng suất. Cho nên dùng nhiều phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật trên diện tích lớn. Việc thay đổi tập quán là khó nên phải tổ chức lại sản xuất, vận động bà con vào hợp tác xã để tư vấn giảm dần dùng phân vô cơ mà chuyển sang hữu cơ.
“Đây là cơ hội để thay đổi, Bộ đã lập văn phòng điều phối tại 13 tỉnh vùng ĐBSCL để cùng thay đổi. Bản thân doanh nghiệp thu mua lúa gạo cũng phải cùng người nông dân thay đổi thói quen, từ chối mua những nông sản chưa được minh bạch về chất lượng, an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề cần kiên trì thực hiện. Ngay như Nhật Bản không phải 100% họ dùng phân hữu cơ mà có phân khúc, dùng phân vô cơ nhưng an toàn, được kiểm chứng đánh giá.
Tới đây Bộ sẽ chuẩn hoá quy trình sản xuất, chất lượng. Nông nghiệp của ta vẫn mang 3 lời nguyền: manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. ĐBSCL là vùng rộng nhưng vẫn là manh mún nhất. Sự manh mún nhỏ lẻ dẫn đến không tổ chức được ngành hàng, còn rủi ro. Và đó là trách nhiệm của địa phương” - ông Hoan nói.
Tổ chức lại sản xuất cho từng loại nông sản
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cho rằng: Tình trạng vật tư nông nghiệp tăng vào mùa vụ sản xuất, điệp khúc được mùa mất giá, người dân còn loay hoay trong việc tìm kiếm cây trồng, vật nuôi đáp ứng thị trường. Đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là điểm nghẽn của vấn đề này và bao giờ mới khắc phục được triệt để?
Trả lời, Bộ trưởng Hoan cho rằng “sợ nhất câu hỏi đến bao giờ”. Ông Hoan bày tỏ, không thoái thác trách nhiệm mà sẽ làm hết mình nhưng trong bối cảnh điều hành nền kinh tế thị trường, chiến lược thì từ trên xuống dưới mà tổ chức thực hiện thì từ dưới lên trên; nên nếu có sự vào cuộc, năng động của chính quyền địa phương, thì sẽ giải quyết được vấn đề nhanh hay chậm.
“Câu chuyện nông sản của một số địa phương như cà rốt Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, quả vải ở Bắc Giang khi các địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo địa phương trực tiếp đi tiếp thị xúc tiến thương mại thì hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là thương hiệu của nông sản địa phương” - ông Hoan dẫn chứng.
Nói thêm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Được mùa mất giá là lời nguyền khi cung vượt cầu”. Đó là quy luật của kinh tế. Cần khống chế bằng 2 cách, đó là khi thừa nên chế biến để giảm đưa ra thị trường, và chuẩn hoá nông sản để giảm áp lực.
“Vừa qua tiêu chuẩn và quy chuẩn còn dễ dãi trong chuẩn hoá, chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công. Không đồng nhất nguyên liệu chưa thể xây dựng thương hiệu. Cho nên phải tổ chức lại sản xuất cho từng loại nông sản và thị trường. Do đó Bộ sẽ sớm cùng với cơ quan thương vụ để cùng làm để xây dựng thương hiệu”- ông Hoan cho hay.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng):
Hiệu quả tốt thì nông dân sẽ hưởng ứng
Hội nghị Trung ương 5 vừa qua mới bàn chiến lược phát triển; thế nên các giải pháp và các cơ chế chính sách pháp luật như huy động doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; chế biến nông nghiệp để nâng giá trị nông sản là vấn đề rất nhiều năm chúng ta đã làm; tuy nhiên thực tế không dễ dàng. Bởi cần những giải pháp cụ thể chứ không thể chung chung.
Các cơ chế chính sách pháp luật phải khả thi trong đời sống thực tế thì sẽ thu hút được doanh nghiệp đầu tư; hoặc kinh tế tập thể phải mang lại hiệu quả tốt thì bà con nông dân sẽ tham gia vào mô hình này; để có đầu vào, đầu ra ổn định. Đây là vấn đề cần có thời gian.
Qua giải pháp, chương trình hành động của mình, với vai trò tư lệnh ngành, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã và đang giải quyết vấn đề theo tiến độ thời gian; theo lời cam kết với cử tri cả nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên:
Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nông sản nước ta hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa và hoàn toàn có thể bán ra thị trường thế giới. Việt Nam hiện đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ nên thị trường rất rộng mở.
Hơn nữa, thời gian qua, sản phẩm nông sản Việt Nam đã vào được thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước phát triển. Điều đó chứng tỏ những sản phẩm xuất khẩu được là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn của thị trường.
Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp tục làm tốt thông tin thị trường, khai thác lợi thế 17 FTA đã ký, tăng cường đàm phán, thuận lợi hóa thương mại cho hàng hóa xuất khẩu, giảm chi phí, đẩy mạnh thực hiện đề án xuất khẩu nông sản chính ngạch và đẩy mạnh thương mại điện tử.
Cùng với đó, đề nghị các địa phương làm tốt quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm; khuyến cáo có sự liên kết trong tổ chức sản xuất.