Trao đổi với báo chí sáng 21/1 bên hành lang ĐH XII về Quy chế bầu cử của Đại hội XII, trong đó có việc ứng cử, đề cử, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cho hay, Quy chế bầu cử của Đại hội đã ghi rõ. Các đồng chí là Cấp Ủy viên mà không được Cấp Ủy giới thiệu thì không được ứng cử và không được nhận đề cử. Nhưng ra Đại hội, thì Đại hội có quyền quyết định cao nhất. Điều đó thể hiện dân chủ nhưng vẫn thực hiện theo các quy định của Đảng, bảo đảm dân
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.
PV: Tham gia Đại hội lần thứ XII, ông có mong mỏi gì trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Báo cáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc rất quan trọng, đã tổng hợp tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, nêu những thành công trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như đưa ra nhiều yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ tới.
Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn nữa. Những năm vừa qua, Đảng đã thực hiện thành công sứ mệnh này là vì Đảng luôn luôn quan tâm việc xây dựng chỉnh đốn Đảng như theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiếp bước đó có Nghị quyết số 12 Trung ương 4 khóa XI để nhấn mạnh hơn nữa vấn đề cấp bách. Chúng ta tin tưởng khóa XII sẽ làm được tốt để góp phần cho Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh.
Thưa ông, có nhiều đảng viên lão thành cho rằng để xây dựng Đảng tốt hơn thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, quan điểm của ông về điều này?
Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, thực hiện theo Điều lệ của Đảng, trong đó xác định rõ mục tiêu phấn đấu của Đảng là vì lợi ích của nhân dân, chịu sự kiểm soát của Nhà nước và của nhân dân, tức kiểm soát về quyền lực, trong đó có quyền lực của Đảng.
Nội hàm các báo cáo chính trị của Đảng cũng nhấn mạnh vấn đề này. Đảng lãnh đạo đất nước, xã hội, nhưng ngược lại Đảng cũng phải làm sao phục vụ, phục tùng lợi ích của nhân dân, vì nhân dân. Mệnh lệnh của nhân dân là cao nhất và nhân dân sẽ giám sát hoạt động của Đảng .
Vậy nhân dân có thể tham gia giám sát, nhưng điều này có thể cụ thể hóa cơ chế chính sách, giám sát như thế nào, thưa ông?
Có rất nhiều cơ chế người dân có quyền giám sát, phương châm chúng ta vẫn là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Chúng ta đưa ra khá đầy đủ các cơ chế, giám sát, chỉ có đâu đó chưa làm tốt thôi. Hy vọng sau Đại hội, công tác phổ biến quán triệt các cương lĩnh, đường lối của Đảng được đẩy mạnh hơn nữa, trong đó cơ chế giám sát thực hiện tốt hơn.
Thưa ông, trước Đại hội Đảng XII, có nhiều thông tin xuyên tạc bôi nhọ về một số vấn đề liên quan đến Đại hội Đảng, có ý kiến cho rằng cần công khai, minh bạch hơn nữa, đưa thông tin kịp thời hơn nữa thì sẽ giảm bớt những thông tin như vậy?
Không phải kỳ Đại hội này mà tất cả các kỳ Đại hội cũng như các hoạt động chính trị lớn của đất nước, trong khi nhân dân cả nước đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ góp phần cho thành công của Đại hội thì không tránh khỏi những hoạt động của các thế lực thù địch gia tăng chống phá.
Đại hội Đảng là sự kiện chính trị rất quan trọng của nước ta. Vừa qua có một số trang mạng hoạt động sai trái, kích động chia rẽ nội bộ ta, thực hiện ý đồ phá hoại sự lãnh đạo của Đảng, chia rẽ lòng tin của nhân dân với Đảng.
Các cơ quan thông tấn báo chí ta đã kịp thời có những tiếng nói đanh thép phản bác những luận điệu sai trái đó.
Dịp này báo chí cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa, chúng ta không những tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng mà cũng phải có trách nhiệm, lập luận để đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó các cơ quan nhà nước cũng phải thực hiện nghiêm chỉnh, tốt hơn nữa Quy chế 25 về việc cung cấp thông tin và người phát ngôn, kịp thời cung cấp thông tin chính thống. Có như thế thông tin xấu độc sẽ không có đất sống.