Bộ Xây dựng lập tổ công tác đặc biệt vào cuộc gỡ khó cho doanh nghiệp, bỏ “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký ban hành Quyết định số 1188/QĐ-BXD về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19.
Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng sẽ rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tổ công tác đặc biệt còn có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh là Tổ phó thường trực cùng thành viên là các lãnh đạo Cục, Vụ trực thuộc, bao gồm các Cục: Kinh tế xây dựng, Quản lý hoạt động xây dựng, Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Công tác phía Nam, Phát triển đô thị, Hạ tầng kỹ thuật, Quản lý Nhà ở và thị trường bất động sản; các Vụ: Pháp chế, Quản lý doanh nghiệp, Quy hoạch - Kiến trúc, Vật liệu xây dựng; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ.
Tổ công tác sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Đặc biệt, Tổ công tác rà soát, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Định kỳ, hàng tháng hoặc khi cần thiết, Tổ công tác tổng hợp tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân theo thẩm quyền của Bộ Xây dựng, đề xuất phương án giải quyết vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thời gian qua, dịch Covid-19 tác động xấu đến nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội; trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiều hiệp hội nghề nghiệp đã có báo cáo kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành về một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp cầm cự được qua thời điểm khó khăn hiện nay. Điển hình như Hiệp hội Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
VACC đề nghị bổ sung các chi phí như phòng dịch bắt buộc, tạm dừng thi công chờ việc, kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân… vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Theo VACC, trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp xây dựng đều rất khó khăn nên Hiệp hội xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ một số biện pháp. Cụ thể là dừng thu bảo hiểm xã hội 6 tháng cuối năm cho tất cả các lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp xây dựng. Vì lao động thời vụ nông nhàn là một đặc thù của ngành xây dựng Việt Nam.
Thế nhưng, hiện nay do tình hình dịch bệnh, công việc phải dừng, về quê thì không được mà ở lại cũng không có thu nhập. Đây là một vấn đề bức xúc mà toàn bộ các doanh nghiệp xây dựng đều mong được quan tâm xử lý.
Về tài chính doanh nghiệp, VACC cũng đề nghị giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý 2 năm 2021 sang đầu năm 2022 (các khối lượng nghiệm thu hoàn thành đến quý 2 năm 2021 đã xuất hóa đơn nhưng chưa được thanh toán); đồng thời, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp thời điểm từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021 cho tất cả các doanh nghiệp xây dựng.
Bên cạnh đó, VACC đề xuất, các khoản vay ngân hàng phục vụ cho công trường, dự án nhưng phải dừng thi công do giãn cách chống dịch được tính lãi suất 0%; hoãn nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021; đồng thời có phương án giảm giá thuê đất đặc biệt đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất.
Đặc biệt, VACC đề nghị Bộ Xây dựng yêu cầu các Sở Xây dựng địa phương cập nhật kịp thời, chính xác đơn giá vật liệu xây dựng để áp dụng cho công trình dùng vốn ngân sách; có được đơn giá chính xác, phù hợp tránh làm thiệt thòi cho các nhà thầu xây dựng.